CSVN Xuân – Trước khi đến TP.HCM, Tổng thống Obama đề nghị muốn ghé thăm một ngôi chùa cổ để tìm hiểu đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương, nhằm thể hiện “sự tôn trọng với truyền thống văn hóa của Việt Nam”, theo thông tin từ Nhà trắng. Và chiều 24/5, chùa Ngọc Hoàng – ngôi chùa cổ 124 tuổi, nằm trên đường Mai Thị Lựu (quận 1) đã vinh dự đón Tổng thống Obama viếng thăm trong sự theo dõi và đón chào nồng nhiệt của hàng ngàn người dân.
Theo lời kể của Giáo sư Dương Ngọc Dũng, người hướng dẫn Tổng thống Mỹ thăm quan chùa, “khi tôi giới thiệu về lịch sử ngôi chùa, tổng thống Obama lắng nghe và bày tỏ ông thấy rất thú vị”. Ngài tổng thống được nghe giải thích ý nghĩa, nguồn gốc ra đời của Đức Phật, tìm hiểu các bức tượng, tranh thờ trong chùa…
Mặc dù đã được đổi tên thành chùa Phước Hải, nhưng người dân Sài Gòn vẫn quen gọi chùa Ngọc Hoàng. Theo sử sách, chùa Ngọc Hoàng vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế do một nhà tu hành người Hoa xây dựng năm 1892 và đến năm 1900 thì hoàn thành. Người Hoa gọi là Ngọc Hoàng điện, đến năm 1982 đổi tên thành chùa Phước Hải. Theo thời gian, chùa xuống cấp nên phải trùng tu nhiều lần, gần đây nhất là năm 2006.
Di sản độc đáo nhất của chùa Ngọc Hoàng là hơn 300 bức tượng và nhiều linh vật được chạm khắc tinh xảo. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ khá nhiều tác phẩm nghệ thuật như tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án… bằng chất liệu gỗ, giấy bồi, gốm. Đây có lẽ cũng là lý do thuyết phục khiến tổng thống Obama chọn làm điểm ghé thăm khi đặt chân đến thăm TP.HCM.
Ngôi chùa cổ 125 năm tuổi này được xếp hạng “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” vào năm 1994, nằm trong khuôn viên rộng khoảng 2.300 m². Chùa mang nét kiến trúc cổ xưa đặc trưng với những mái ngói âm dương, được thiết kế theo kiến trúc ba gian thờ.
Các ngày lễ lớn trong năm của chùa là mùng 9 và 10 tháng Giêng âm lịch. Ngôi chùa có ảnh hưởng lớn trong đời sống tinh thần, tâm linh không chỉ của người dân trong vùng và mà còn cả du khách thập phương. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngôi chùa cũng từng là cơ sở do hòa thượng Thích Vĩnh Khương tổ chức nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Bình Nguyên
Related posts:
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Độc đáo lễ hội trái cây "trên bến dưới thuyền"
- Cao su tình đất, tình người
- Làng kháng chiến Stơr rộn tiếng cồng chiêng ngày hội
- Tổng kết
- Đời thợ - Đời cây
- Măng Đen: điểm du lịch hấp dẫn du khách
- Tiếng chày huyền thoại
- Chị hàng thịt, luật pháp và lòng tốt
- Dịch bệnh rồi sẽ qua, yêu thương sẽ lại về...