Chị hàng thịt, luật pháp và lòng tốt

CSVN – Câu chuyện bà bán thịt ở Hải Phòng vì bức xúc trước hành vi bán phá giá nên hắt dầu nhớt vào người và hàng của đồng nghiệp vừa gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội, kể cả các phương tiện truyền thông.Đa số đều lên án hành vi này, kể cả các cơ quan chức năng cũng vào cuộc với việc truy tố hành vi hủy hoại tài sản theo quy định của pháp luật. Dưới đây là góc nhìn khác về vụ việc.
Chị hàng thịt bị đồng nghiệp tạt dầu vào người và hàng.
Chị hàng thịt bị đồng nghiệp tạt dầu vào người và hàng.

Trước hết, nói về hành vi hắt dầu vào phản thịt là sai hoàn toàn trên cả phía luật và tình. Hơn nữa dư luận đang nghiêng về người phụ nữ đáng thương do chị này mổ thịt heo nuôi trong nhà mang ra chợ bán với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường (trước đây chị bán cá), đặc biệt trong thời điểm giá heo hơi rớt thê thảm và xã hội đang phát động cuộc “giải cứu thịt heo”.

Nhưng để sự việc đi quá đà như vậy là lỗi từ rất nhiều phía. Dưới góc độ là một công dân trong xã hội văn minh thì người dân phải biết quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Nếu mẹ con người bán thịt hành xử đúng theo luật là gọi cơ quan quản lý như ban quản lý chợ, chi cục thú y (đội kiểm dịch), và các cơ quan đó thực hiện đúng quyền năng của mình thì những sự việc đáng tiếc trên chắc chắn sẽ không xảy ra.

Nói trên phương diện tình thì cách hành xử của các bên đều dựa trên quyền lợi cá nhân một cách cục bộ, phía hai mẹ con người bán thịt đã phải đóng thuế, phải trả tiền cho lò mổ, cho kiểm dịch thì chắc chắn giá thành phải đội lên so với giá heo hơi trực tiếp như chị kia.

Chẳng phải chúng ta đang phải giải quyết vấn đề pháp lý trong rất nhiều vụ kiện về bán phá giá ở các quốc gia trên thế giới. Vì tính công bằng và cạnh tranh lành mạnh, không thể vì quyền lợi của mình mà phá mất nồi cơm của rất nhiều người khác hay cứ vin vào “luật của người nghèo”. Phía chị bán cá kiêm bán thịt kia nếu biết hành xử thì cũng có thể thương lượng ký gửi hay bán thấp hơn nhưng không chênh lệch nhiều với người bán cũ, để vừa vẹn lý lẫn tình.

Quay lại vấn đề của sự việc đang bị đẩy quá xa và dễ tạo nên tiền đề nếu không có cách xử lý “khủng hoảng truyền thông” trong sự việc này. Các cơ quan truyền thông đang đứng trên phương diện tình mà quên đi rằng pháp luật là thượng tôn. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu phản thịt chưa kiểm dịch và tự mổ đó bị nhiễm khuẩn liên cầu, hay có chất cấm trong thực phẩm?

Chi cục thú y và các cơ quan chức năng khác đang chiều theo dư luận và làm việc trên cảm tính mà không có những ràng buộc để người bán mới đăng ký mặt hàng, bán giá bình ổn, kiểm dịch thực phẩm. Không thể vì “người dân muốn” mà bỏ qua các quy trình về luật cũng như quản lý.

Và hơn thế nữa không ít người có trình độ cao nhưng những kiến thức phổ cập về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi trước luật pháp đang bị hổng khi tiếp tục ủng hộ theo cảm tính cho nạn nhân mà chưa kịp tỉnh táo nhận định vấn đề.

Không ít người hả hê khi “giành” lại quyền được bán thịt heo phá giá của chị bán cá. Thử hỏi nếu tất cả những người nuôi heo, gia cầm đều cho rằng “mình thích thì mình bán thôi” thì xã hội, cơ quan chức năng sẽ ở đâu, an ninh thực phẩm thế nào? Dưới góc độ luật pháp, phải thẳng thắn nhìn nhận lỗi đầu tiên thuộc về chị bán cá nên không thể ca tụng chị ấy là nhân hậu, là từ bi khi chính chị phải xin lỗi vì đã đẩy gia đình hai mẹ con kia vướng vào vòng lao lý.

Theo người viết, chính chị phải xin lỗi và chia sẻ trách nhiệm trong sự việc này, cơ quan chức năng phải thể hiện quyền, trách nhiệm trong vụ việc này, cụ thể là phải đúng quy trình xử lý như đăng ký, kiểm dịch và giá cạnh tranh lành mạnh.

Bên cạnh đó, qua sự việc này cơ quan xã hội cũng nên có những nghiên cứu về việc phổ cập trách nhiệm, quyền hạn cũng như quyền lợi của người dân trước pháp luật. Phía xã hội cũng nên phổ cập những chuẩn mực cộng đồng, văn hóa ứng xử của mỗi thành viên trong một đất nước văn minh và tạo nên sự công bằng trong đời sống.

Hóa Nguyễn