CSVN – Đầu tháng 8 vừa qua, “Ngày hội du lịch Kbang” năm 2018 diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, nhằm quảng bá, giới thiệu du lịch và các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn trên địa bàn huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Trong suốt thời gian diễn ra có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc dân gian như: trình diễn cồng chiêng, múa xoang của các đội khách mời đến từ huyện Kông Chro, huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định), thưởng thức các tiết mục do nhóm nhạc Bazan đến từ TP Pleiku, nghe hát bài chòi, trống hội Quang Trung của huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định)… Du khách còn có thể tham gia trải nghiệm chế tác nhạc cụ dân tộc, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, giã gạo… cùng nghệ nhân đến từ các buôn làng.
Khách du lịch được xem chương trình nghệ thuật “Sắc màu văn hóa các dân tộc huyện Kbang”, qua đó tái hiện, phục dựng lễ hội “Mừng lúa mới”, biểu diễn trang phục đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, trình diễn nhạc cụ dân tộc, dân ca, dân vũ… và hướng dẫn du khách đến tham quan và trải nghiệm các điểm du lịch như: di tích Lịch sử – Văn hóa Làng kháng chiến Stơr (nơi anh hùng Núp sinh ra và lớn lên), thác Hang Dơi, suối Bài Thơ, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, thác Kon Lok…

Hàng trăm tác phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ, tượng gỗ, tranh gỗ do các nghệ nhân trên địa bàn huyện Kbang chế tác, gian hàng văn hóa nghệ thuật giới thiệu ảnh nghệ thuật về thiên nhiên, con người, văn hóa các dân tộc, các loại nhạc cụ, sản phẩm thổ cẩm, dụng cụ sinh hoạt truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện.

Ngoài các lễ hội đặc sắc, còn bố trí 54 gian hàng tại Công viên văn hóa huyện Kbang để du khách có thể thỏa thích mua sắm, lựa chọn. Đến với góc ẩm thực, du khách sẽ không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức các món ẩm thực bản địa như: cơm lam, gà nướng, heo quay, lá mì xào cà đắng… ngoài ra còn có những món khác như: bánh xèo, bánh cuốn, bánh canh, bún tôm dân dã, được biến tấu ngon, lạ, mang nét riêng của người Kbang.

Nhân dịp này còn trưng bày các gian hàng bán sản phẩm nông nghiệp từ gạo tám thơm, nếp than, gạo lứt đỏ, hạt mắc ca, hồ tiêu, cà phê, sa nhân… đến các loại trái cây sạch như: chuối rừng, bắp ngọt, cam, ổi, bơ, nhãn, na dai… các gian hàng đặc sản của núi rừng Tây nguyên có ở xứ Kbang như: nấm lim xanh, nấm linh chi, nấm ngọc, măng khô, mật ong rừng, sâm đá, lan rừng…
KIM SƠN
Related posts:
Chị Phạm Thị Thái làm Trưởng Ban liên lạc hưu trí Cao su Chư Păh
Lịch sử hào hùng và mục tiêu lớn lao
"Đa số người lao động đều thuộc các bài hát về ngành cao su sau Liên hoan"
Cảm xúc trên miền đất mới
Những tấm gương sáng phụ nữ trong lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam
Thông báo Cuộc thi ảnh "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần 5 năm 2019
Chuyện chàng trai đưa lan về rừng
Rubico giải nhất Hội diễn Khu vực IV
Video Clip Hội thi 85 năm khu vực II
Kết quả Cuộc thi viết 85 năm