CSVN – Là nhà quản lý, nhà khoa học – ông Nguyễn Tấn Đức, nguyên Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, có 36 năm gắn bó ngành cao su. Mặc dù, nghỉ hưu từ năm 2013, nhưng ông vẫn dõi theo từng bước đi của ngành. Tạp chí Cao su vừa có cuộc trò chuyện với ông về những vấn đề thời sự của ngành hiện nay.
Quan điểm của ông về mô hình trồng cao su theo hàng kép – Mô hình mới vừa được giới thiệu, là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất ra sao?
Ông Nguyễn Tấn Đức: Hiện nay, trong ngành đang có hướng trồng cao su theo hàng kép – Một hình thức mới được đưa ra nhằm tái cơ cấu ngành cao su trong bối cảnh hiệu quả đầu tư không cao như mong muốn. Từ cây cao su là cây trồng chính, trên diện tích đó, để tăng hiệu quả sử dụng đất đai, trồng hai cây. Tức là ngành đã có sự chuyển hóa, từ quan điểm độc canh sang đa canh, nghĩa là hai loại cây chứ không phải một cây trên cùng diện tích đất.
Theo tôi, mô hình trồng hàng kép phải được thể chế hóa bằng quy trình kỹ thuật, bằng những giải pháp kỹ thuật để phát huy hiệu quả. Từ cơ cấu độc canh chuyển sang trồng hai cây, vấn đề lựa chọn cây trồng thứ hai là gì cần có kế hoạch rõ ràng.
Tôi ủng hộ mô hình trồng cao su theo hàng kép, nhưng phải xây dựng được quy trình kỹ thuật hàng kép. Đồng thời, cây trồng xen phải có hiệu quả về mặt đầu ra, nằm trong dạng cây thâm canh cao.
Theo ông nên trồng xen canh cây gì vừa đảm bảo tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm suất đầu tư, mà không ảnh hưởng năng suất, chất lượng vườn cây cao su?
Ông Nguyễn Tấn Đức: Khi trồng một cây khác trên vườn cao su phải đảm bảo được yếu tố cây đó không cạnh tranh xấu, gây bệnh tật, ảnh hưởng sinh trưởng cây cao su. Có ý kiến nói rằng, diện tích đất giữa hai hàng kép trồng keo lai cũng là một hướng. Trồng keo lai suất đầu tư không cao, khoảng 15 triệu đồng/ha, sau 5 đến 6 năm thu hoạch khoảng 30 đến 40 triệu đồng/ha. Nhưng theo tôi, keo lai không phải dạng cây thâm canh cao và mang lại hiệu quả đầu tư cao.
Ví dụ, Tây Ninh có kinh nghiệm trồng khoai mì. Kinh nghiệm trồng mì của Tây Ninh có thể đạt từ 40 đến 60 tấn/ha. Nhưng trồng mì, nhiều người nói hại cao su do làm đất mau bạc màu. Nhưng tôi có thể nói, trồng mì quảng canh, không thâm canh, không đầu tư mới hại cao su, nếu thâm canh cao thì không hại gì. Trồng mì với năng suất cao từ 40 tấn đến 60 tấn/ha thì phân bón và nước sẽ thừa, lúc đó cây cao su sẽ được hưởng lợi. Hay cây chuối, muốn trồng có hiệu quả cao thì phải đầu tư thâm canh tốt, phải tưới nước nhiều, từ đó, cao su được ăn ké để phát triển.
Tôi cho rằng trồng cây mì, cây chuối là những cây tiềm năng. Cây chuối vàng Nam Mỹ, thị trường tiêu thụ vô cùng, hiệu quả mang lại cao. Còn những cây ngắn ngày như lúa, đậu, ngô không phải cây hiệu quả cao, không nên làm.
Việc trồng xen canh cây gì, phải cân nhắc, tính toán thật kỹ, đảm bảo đầu ra an toàn, có hiệu quả. Giảm suất đầu tư là đúng, nhưng làm thế nào vẫn duy trì được năng suất vườn cây thì phải có chủ trương đảm bảo cây cao su vẫn phát triển sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, để thời gian tới cao su vẫn là cây tiềm năng.
Bên cạnh đó, Nhà nước, Tập đoàn phải có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, đầu ra cho sản phẩm xen canh được ổn định. Có quy chế, chính sách liên doanh, liên kết với các thành phần cùng khai thác đất có hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Bình Nguyên (thực hiện)
Related posts:
- Người anh thần tượng của thanh niên
- “Mong lớp trẻ hiểu được lợi ích lâu dài khi làm công nhân cao su”
- Một người lãnh đạo, một hình ảnh đẹp trong ngành cao su
- Võ Tá Tình - Công nhân ưu tú ở Cao su Hà Tĩnh
- Giải cao nhờ đường cạo đẹp
- Dám ước mơ, dám thực hiện
- Nữ đảng viên trẻ ham học hỏi
- Nữ công nhân tận tâm với công việc
- Từ giải khuyến khích đến giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Dầu Tiếng
- Lợi nhuận khổng lồ từ các đồn điền cao su