Lòng kiên định vượt gian nan, dựng xây đời no ấm ở cao su Chư Mom Ray

CSVN – Từ một vùng rừng núi hoang vu vắng bóng người, dải đất biên giới từng là nơi “bom cày, đạn xới” ngày xưa, với sự lao động sáng tạo và lòng quả cảm, kiên định theo sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, lớp lớp cán bộ, công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray đã cải biến, dựng xây vùng đất hoang vu thành vùng quê xanh thẳm cao su, bạt ngàn hương trái, đời sống công nhân ấm no…

Ông Trần Xuân Thịnh – Bí thư Đảng ủy, TGĐ Cao su Chư Mom Ray (áo sẫm) trình bày phương án SXKD của công ty với lãnh đạo VRG
Đạp bằng gian khó, gieo dựng mầm xanh

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về chuyển rừng nghèo sang trồng cao su, tháng 5/2007, VRG thành lập Công ty TNHH MTV Chư Mom Ray để phát triển cao su tại vùng biên giới giáp với Vương quốc Campuchia thuộc huyện Sa Thầy (nay là huyện Ia H’drai), tỉnh Kon Tum.

Từ một vùng rừng núi hoang vu vắng bóng người, dải đất biên giới từng là nơi “bom cày, đạn xới” ngày xưa, với sự lao động sáng tạo và lòng quả cảm, lớp lớp cán bộ, công nhân Cao su Chư Mom Ray đã cải biến, dựng xây vùng đất hoang vu thành vùng quê xanh thẳm cao su, bạt ngàn hương trái…

Ông Trần Xuân Thịnh – Bí thư Đảng ủy, TGĐ công ty cho biết, trong hành trình mở đất dựng nghiệp, đơn vị trải qua nhiều thăng trầm nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ qua nhiều thế hệ với quyết tâm không chùn bước, cấp ủy, ban lãnh đạo công ty vững tay lái, xốc lại đội ngũ, đề ra nhiều giải pháp để lãnh đạo SXKD giành nhiều kỳ tích trên đất rừng biên giới.

Đặc biệt, Đảng bộ công ty luôn quan tâm công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên mới; phân công đảng viên phụ trách từng nhiệm vụ cụ thể, tập trung vào mục tiêu trồng và chăm sóc vườn cây, ổn định cuộc sống người lao động.

Ông Phạm Duy Vương – Phó TGĐ công ty nhớ lại, những ngày đầu mới thành lập, công ty gặp muôn vàn khó khăn giữa bạt ngàn đồi cao đất dốc, địa hình chia cắt. Đây là vùng rừng sâu, trải dọc biên giới giáp với nước bạn Campuchia, cách trung tâm tỉnh Kon Tum trên 150 km; lao động tại chỗ không có, cơ sở vật chất ban đầu thiếu thốn, hạ tầng cơ sở thấp kém.

Do hệ thống cầu cống, đường giao thông chưa được đầu tư xây dựng, nên việc đi lại, vận chuyển vật tư cây giống, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất khó khăn, cách trở.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ công ty, từng chi bộ ra nghị quyết, phân công mỗi đảng viên phụ trách từ 10-15 hộ công nhân với nhiệm vụ bám đất, bám rừng để khai hoang trồng cao su. Thế là chỉ sau một thời gian ngắn, đơn vị đã chuyển bại thành thắng, lấy lại niềm tin cho người lao động.

Những cây cao su đầu tiên được trồng trên đất rừng vô cùng gian nan, vất vả… Từng đội sản xuất, mỗi con người đều có tâm trạng âu lo. Ấy là vào núi rừng heo hút Mô Rai, Ia H’Drai lập nghiệp, xa gia đình, lại gặp thời điểm khó khăn, cao su xuống giá, ảnh hưởng lớn đến đời sống và tinh thần của công nhân.

Chị Kha Thị Kiều – công nhân dân tộc Thái vừa cạo mủ vừa kể chuyện: “Gia đình em từ xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, theo người thân vào Nông trường Mô Rai làm công nhân. Khi mới vào, nhiều người đã bỏ về quê vì khổ quá. Số người trụ lại thì vật lộn với cơ man những khó khăn, sốt rét ác tính và cả thú rừng nữa”. Liệu có trụ được lâu dài trên vùng đất mới không? Câu hỏi luôn thường trực, xoáy vào tâm tư của mỗi người giữa mênh mông rừng núi thâm u, hoang sơ ngày ấy.

Những khó khăn ban đầu chỉ trui rèn thêm ý chí, nghị lực của những đảng viên tiên phong đi mở đất với quyết tâm không bỏ cuộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Cao su Chư Mom Ray, những bàn chân trần rắn rỏi của NLĐ vẫn nắm chặt tay, cùng một hướng, sải từng bước vững chắc dọc dài biên giới, gieo những mầm cây vươn xanh từ ý chí con người. Cây dựa vào cây, bật mầm, vươn lá. Người dựa vào người, ấm áp, nghĩa tình…

Trong công cuộc kiến thiết, dựng xây, khai mở dựng nghiệp trên vùng đất mới đã xuất hiện nhiều tấm gương đảng viên trưởng thành từ công nhân, từ trong gian khó. Các thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân trong gần 25 năm qua luôn son sắt, thủy chung, nắm chặt tay nhau, cùng nhìn về một hướng, tạo dựng nên một tập thể đoàn kết, tâm thế vững vàng, trẻ già nương tựa…

Bàn tay làm nên những mùa vui

Đứng trước khó khăn ban đầu, Đảng bộ công ty ra nghị quyết lãnh đạo trong từng giai đoạn, dẫn dắt trên 500 con người kiên trì bám trụ, chăm bẵm vườn cây với quyết tâm siết chặt đội ngũ, nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ công ty đến các nông trường, các tổ sản xuất và người lao động, vững một niềm tin để chung sức làm xanh lên miền đất lạ.

Thế rồi thành quả đến gần. “Đất không phụ công người, người trả ơn cho đất”. Mùa lại mùa nối tiếp niềm vui… Từ năm 2020 đến nay, Cao su Chư Mom Ray trở thành một trong những đơn vị thuộc Tập đoàn có năng suất, sản lượng cao; mức thu nhập của NLĐ có bước nhảy vọt, luôn bằng hoặc cao hơn các đơn vị SXKD cao su trên địa bàn; đời sống, vật chất, tinh thần của NLĐ được cải thiện đáng kể.

Trong căn nhà mới được xây dựng khang trang, chị Lô Thị Hà – công nhân tổ 5, Nông trường 1 phấn khởi cho biết: “Có được cơ ngơi như ngày hôm nay hoàn toàn nhờ từ nguồn thu nhập làm công nhân cao su”.

Chị Hà là người dân tộc Thái, quê ở Nghệ An được người quen giới thiệu xin vào làm công nhân năm 2018. “Lúc mới vào do không có nhà ở vợ chồng tôi được công ty hỗ trợ chỗ ăn, chỗ ở với điều kiện rất tốt, nhờ đó mà chúng tôi rất yên tâm làm việc” – chị Hà chia sẻ. Nhờ có công việc ổn định, chịu khó bám lô, bám vườn cây, hiện tiền lương hằng tháng của chị khoảng 9 triệu đồng, đó là chưa kể các khoản thu nhập khác.

Năm 2023, công ty được Tập đoàn giao kế hoạch sản lượng là 8.610 tấn mủ quy khô. Công ty đã khai thác được 9.472 tấn, vượt 862 tấn, đạt 110% kế hoạch, năng suất bình quân 2,01 tấn/ha, thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng. Đây là năm thứ hai liên tiếp, công ty đứng trong Câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn.

Đến nay, Cao su Chư Mom Ray có trên 1.100 cán bộ, đảng viên, công nhân, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm gần 75%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Thái, Tày, Nùng… ở một số tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp và hàng nghìn NLĐ, các hộ nhận khoán 5.142 ha cao su trải dài khu vực biên giới với 4 nông trường, 1 xí nghiệp chế biến mủ.

Bà Trương Thị Linh – Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum, nguyên Bí thư Huyện ủy Ia H’Drai cho biết: “Đảng bộ Cao su Chư Mom Ray là tập thể đoàn kết, giữ vững hạt nhân lãnh đạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm; đặc biệt vai trò gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy luôn được thể hiện, xây dựng Đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh”.

Theo ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam, cùng với bám sát thực tiễn, không ngừng nâng cao hiệu quả SXKD, Cao su Chư Mom Ray còn tiên phong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiện chu đáo công tác an sinh xã hội; quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống điện, nước sinh hoạt, nhà ở tập thể, nhà ở cho hộ gia đình công nhân; trung tâm y tế, hệ thống nhà trẻ… nên đội ngũ công nhân luôn ổn định, không biến động như nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn Tây Nguyên.

Nhìn lại chặng đường gần 25 năm, có thể thấy sức vóc của con người thật là kỳ diệu; cuộc đấu tranh đi tìm sự sống giữa con người với thiên nhiên đã mang về cho Cao su Chư Mom Ray trái ngọt mà đến bây giờ, có người vẫn tưởng đó như là một giấc mơ. Cuộc sống mới tươi đẹp trên vùng đất bom cày, đạn xới ngày xưa như một minh chứng của lẽ sống, niềm tin và lòng quả cảm của những đảng viên, công nhân tiên phong đi mở đất.

Bằng sức lao động sáng tạo, đạp bằng gian khó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Cao su Chư Mom Ray đã và đang viết tiếp trang sử mới, dựng xây vùng đất biên giới ngày càng sung túc, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xây chắc “thế trận lòng dân” nơi biên cương Tổ quốc.

NGUYỄN CHIẾN