CSVN – Hơn 10 năm qua, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray đã thực hiện hiệu quả việc phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện biên giới Ia H’drai, tỉnh Kon Tum, nơi công ty có diện tích cao su dọc 22 km đường biên giới.
Vượt khó từ vùng đất “trắng dân”
Ông Phạm Duy Vương – Phó TGĐ công ty cho hay: “Cách đây hơn 10 năm, khi công ty trồng cây cao su đầu tiên trên vùng biên giới này, đây là vùng “trắng dân”. Nhưng với nhiệm vụ được giao là phát triển kinh tế, gắn với củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện biên giới Ia H’drai, chúng tôi đã cùng với cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang của địa phương xây dựng khu vực biên giới tỉnh Kon Tum có tiềm lực, thế trận quốc phòng vững chắc, kinh tế – xã hội ngày càng phát triển”.
Thành lập từ năm 2007, đến nay Cao su Chư Mom Ray đã có quá trình xây dựng và phát triển gần 20 năm. Trong quá trình phát triển, thực hiện việc phát triển cây cao su trên vùng biên giới, công ty đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đó là, địa bàn chưa có dân cư sinh sống, công nhân chủ yếu tuyển dụng từ các tỉnh phía Bắc vào và hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số chưa quen với điều kiện khí hậu, quy trình kỹ thuật chăm sóc, khai thác cây cao su. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, lại chịu sự tác động của giá nguyên nhiên liệu, vật tư đầu vào tăng cao, trong khi đó giá các sản phẩm mủ cao su giảm sâu, khó tiêu thụ.
Song, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với việc đảm bảo, củng cố quốc phòng an ninh, cùng với lực lượng vũ trang huyện Ia H’drai xây dựng địa bàn vững mạnh. Đến nay, công ty đã đưa toàn bộ diện tích gần 5.200 ha vào khai thác với năng suất bình quân 2 tấn/ha, lợi nhuận, doanh thu ngày càng cao, nhất là việc công ty đã bảo đảm thu nhập cho khoảng 1.200 lao động với mức trên 10 triệu đồng/ người/tháng.
Nhiều giải pháp phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh
Theo ông Vương, với phương châm “Phát triển cao su đến đâu, thu hút lao động và xây dựng cơ sở hạ tầng, khu dân cư đến đó”, Công ty đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến từng thôn, làng các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa để tuyên truyền, tuyển dụng hàng nghìn lao động vào “an cư lạc nghiệp”.
Cùng với đó, công ty cũng tiến hành đầu tư, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ công tác dân sinh cho NLĐ cũng như nhân dân trên địa bàn, bao gồm: Đường giao thông, điện lưới quốc gia, xây dựng nhà trẻ… đáp ứng công tác vừa phục vụ sản xuất, an sinh xã hội, vừa bảo đảm quốc phòng an ninh với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn thường xuyên tổ chức giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ tiếp tục nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, chủ động nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra. Công ty còn chủ động và thường xuyên trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động phối hợp liên quan tới các nội dung trong các quy chế phối hợp giữa công ty với công an, biên phòng tỉnh Kon Tum và NT ký quy chế phối hợp với các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn trong công tác bảo vệ tài sản, bảo vệ đường biên, cột mốc, chống vượt biên, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất cấm… Chính vì thế, trong thời gian qua trên địa bàn công ty đứng chân không để xảy ra các vụ việc tiêu cực về TTATXH, QPAN được đảm bảo.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Lô cao su có năng suất trên 2 tấn/ha trong năm đầu mở cạo
- Nỗ lực vượt khó, tạo dựng niềm tin nơi vùng cao
- Cao su Bình Thuận: Thực hiện hiệu quả các giải pháp để hoàn thành kế hoạch sản lượng
- Chi bộ Văn phòng Cao su Điện Biên tổ chức lễ trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng
- Nông trường Ia Nhin giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Chư Păh
- Tháng 3 - Mùa nghỉ cạo
- Các công ty cao su Tây Nguyên: Tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ khai thác sản lượng toàn ngành
- 4 công ty cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai góp phần giữ vững an ninh quốc phòng
- Cao su Krông Buk nỗ lực chuyển mình
- Nhớ mãi lần gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang