Khúc tráng ca cao su Tây Bắc

CSVNO – Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và cả những nghi ngại, tranh cãi trái chiều, sau gần 15 năm bén rễ và phát triển, đến bây giờ có thể khẳng định cây cao su đã thực sự thành công trên vùng đất Tây Bắc. Loạt bài này nhằm phần nào đó phác họa cuộc hành trình của cây cao su trên vùng đất nghèo khó bậc nhất đất nước, đó hoàn toàn có thể gọi là một khúc tráng ca lịch sử.

Bài 1: 15 năm ấy biết bao nhọc nhằn

15 năm cây cao su ở Tây Bắc là một cuộc trường chinh, không chỉ chinh phục vùng đất gian khó bậc nhất cả nước mà còn là hành trình chinh phục cả lòng người.

Cao su Tây Bắc hôm nay là sinh kế, nguồn sống của đồng bào. Ảnh: Hoàng Anh.

Tây Bắc đầu mùa hạ năm nay vẫn là một vẻ đẹp hoang hoải. Hoa trái đua nhau nở. Hoa đỗ quyên khoe sắc rực rỡ trên dãy Hoàng Liên báo hiệu một vụ mùa mới lại đến với người đồng bào. Những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa nước đổ, sáng lóng lánh như gương. Lác đác một vài nơi đồng bào gieo cấy muộn, lúa còn chín vàng trên nương rẫy.

Có lẽ chưa nhiều người biết, độ dăm sáu năm trở lại đây, tháng Tư ở Tây Bắc còn là khởi đầu của mùa cạo mủ cao su. Mùa làm công nhân của hàng vạn đồng bào Mông, Thái, Dao, Khơ Mú và những cộng đồng dân tộc thiểu số đã góp đất cùng với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) từ hơn mười năm trước.

Đi xuyên vòng cung Tây Bắc hôm nay, từ Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, ngược theo quốc lộ 6, quốc lộ 4D và dọc hai bờ sông Đà, sông Nậm Na, sông Nậm Rốm, sông Mã hay những vùng ven lòng hồ các công trình thủy điện là những đồi cao su xanh thẫm bạt ngàn. Cao su năm nay ít rụng lá, công nhân đồng bào đã cạo xả, hứa hẹn lại thêm một năm nữa khấm khá.

Anh Nguyễn Xuân Phú, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II, người đưa chúng tôi lên Tây Bắc nói, sau hơn một thập kỷ chịu muôn vàn những gian truân, vất vả, hy sinh, cây cao su với người dân miền núi phía Bắc bây giờ chính là rừng, là tài sản, là sinh kế và nguồn sống.

Quả thật, đâu đâu cũng là không khí lao động hăng say, quy củ, nề nếp trên các nông trường, tổ đội, thôn bản. Những bản, những làng khang trang nhờ cây cao su. Đồng bào dựng nhà cửa, sắm vật dụng sinh hoạt, mua ô tô, xe máy, cho con cái học hành cũng là từ cây cao su mà có. Không ngoa khi nói, chính loài cây “vàng trắng” đã góp phần thay đổi bộ mặt của vùng đất phên dậu gian khó nhất của Tổ quốc.

Tỉnh Sơn La, với diện tích khoảng 6.000ha do Công ty Cổ phần Cao su Sơn La quản lý với 1.304 lao động, tiền lương đạt gần 5,7 triệu đồng/người/tháng, tiền chi trả 10% sản phẩm cho người dân góp đất hơn 9 tỷ đồng…

Khai thác mủ cao su ở Sìn Hồ, Lai Châu. Ảnh: Hoàng Anh.

Anh Phú thông tin, sau hơn 10 năm góp đất, Tây Bắc bây giờ có thể gọi là thủ phủ của loại cây này với diện tích xấp xỉ 28.000ha do 9 công ty trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quản lý. Tỉnh Điện Biên có hai công ty. Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên có 3.731ha, trong đó có 3.146ha đã cho khai thác mủ, mỗi năm chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động khoảng 30 tỷ đồng, bình quân khoảng 5,7 triệu đồng/người/tháng. Số tiền chia sản phẩm cho người dân góp đất trồng cao su gần 24,5 tỷ đồng, năm nay đang phấn đấu sản lượng khoảng 3.830 tấn mủ quy khô, doanh thu gần 131,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.012 lao động với mức lương từ 6 triệu đồng trở lên. Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé – Điện Biên có diện tích hơn 1.000ha, lương bình quân trả người lao động 6,1 triệu đồng/người/tháng.

Tỉnh Lai Châu có 3 công ty quản lý diện tích cao su rộng nhất khu vực với trên 13.000ha, trong đó có khoảng 10.000ha đã đưa vào khai thác mủ, hơn 2.500 công nhân lao động là người đồng bào dân tộc. Năm 2021 vừa rồi Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II chi hơn 38 tỷ đồng, quỹ lương, thưởng cho người lao động, hỗ trợ Covid-19 hơn 2 tỷ đồng. Năm 2022 này sẽ đưa vào khai thác hơn 3.300ha, với sản lượng được giao 3.150 tấn mủ quy khô. Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu năm 2021 khai thác 6.000 tấn, chi trả 17 tỷ đồng tiền góp đất cho người dân.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm nông trường cao su ở Điện Biên. Ảnh: VRG.

huyến lên Tây Bắc này của chúng tôi cũng thật trùng hợp khi đúng vào những ngày đồng bào góp đất trồng cao su vinh dự đón một vị khách đặc biệt: nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Người trên này nói, nhìn cây cao su Tây Bắc được như hôm nay chắc hẳn “ông cụ” phải thấy vui lắm. Đó là người nhiều duyên nợ với cao su Tây Bắc. Có thể tới đây, Chính phủ, Bộ, ban ngành Trung ương, các tỉnh Tây Bắc và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sẽ có hội nghị tổng kết hành trình hơn 10 năm cao su ở Tây Bắc, nhưng cũng cần phải nhớ về những tháng ngày xa hơn nữa, từ những năm đầu tiên của thế kỷ này.

Chính xác như lời anh Phú kể là vào năm 2001, khi ông Trương Tấn Sang được điều động từ Thành phố Hồ Chí Minh ra giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương, kiêm Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc. Trong những lần lên với đồng bào thiểu số nơi địa đầu Tổ quốc, người vốn sinh ra ở vùng đồng bằng Long An ấy đã vô cùng trăn trở: Hơn 40 năm đồng bào miền núi đi theo Đảng, theo cách mạng với bao mất mát, hy sinh cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc rồi mà đời sống còn nhiều gian khó quá. Cái này là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Cần phải có chủ trương thực sự mang tầm vóc để phát triển kinh tế gắn với ổn định an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, và đặc biệt là để tri ân đồng bào.

Quyết tâm là rất lớn nhưng nghiên cứu, tính toán để đưa con gì, cây gì lên Tây Bắc lại không hề đơn giản. Sau vô số những cuộc họp bàn, cây cao su và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam được giao nhiệm vụ. Thì ra từ lúc manh nha Trung ương đã xác định, chỉ có doanh nghiệp nhà nước, kinh nghiệm và nguồn lực vững mạnh như VRG mới có thể đảm đương sứ mệnh lịch sử này. Đây là chính sách không chỉ là bài toán kinh tế đơn thuần, nhiệm vụ cao cả hơn là ổn định đời sống, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh quốc phòng…

Năm 2006, khi ông Trương Tấn Sang được bầu giữ chức Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ được điều động giữ chức Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, trở thành “tổng tư lệnh” để cùng với VRG thực hiện sứ mệnh đưa cây cao su “leo núi”.

Một sứ mệnh gian nan đến nỗi, sau này, ông Trương Vĩnh Trọng có đôi lần chia sẻ: Lúc Bộ Chính trị họp bàn điều tôi nhận nhiệm vụ này cũng có người nói ra nói vào. Một người xưa giờ ở miền sông nước sao lại đưa lên chỉ đạo miền núi? Nhưng với tôi Đảng đã phân công thì chấp hành vô điều kiện, nếu trồng cao su ở Tây Bắc mà thất bại thì cứ việc “chém” tôi đi.

Nói như thế là để lên giây cót tinh thần thôi chứ ai nấy đều lo lắng. Hiếm có một chủ trương phát triển kinh tế nào lại gặp phải nhiều ý kiến trái chiều như đưa cao su lên Tây Bắc. Phải xem cây cao su có sống được trên miền núi không đã? Giả sử nếu sống được thì liệu có mủ hay không? Nếu có mủ liệu có bán được không? Rồi góp đất chu kỳ dài như thế liệu giải quyết bài toán sinh kế cho đồng bào như thế nào?

Đặc biệt là vào thời kỳ đầu tư thiết kế cơ bản. Hơn 4.000 tỉ đồng VRG “rót” vào cao su Tây Bắc đúng thời kỳ giá mủ xuống thấp và kéo dài 8 – 9 năm liền, một số diện tích sử dụng giống đưa từ Đông Nam bộ ra bị chết rét, đời sống người lao động khó khăn, nhiều công nhân bỏ việc… Cây cao su Tây Bắc đứng chênh vênh giữa nhiều dư luận, sức ép, nhiều tổ chức cá nhân lợi dụng tuyên truyền chống đối chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Trong những hoàn cảnh éo le đó, ông Trương Tấn Sang không chỉ nhiều lần trực tiếp lên thăm mà mỗi lần gặp ai đó ở rẻo cao về xuôi đều hỏi cao su Tây Bắc phát triển thế nào, cuộc sống đồng bào góp đất trồng cao su trên đó ra sao? Còn ông Trương Vĩnh Trọng, sau khi rời ghế Phó Thủ tướng về sinh sống tại quê nhà Bến Tre thường hay tâm sự: Nếu cây cao su ở Tây Bắc mà chết thì chắc tôi cũng “chết” theo. Sau này khi tôi chết mong muốn linh hồn mình được phiêu diêu trên những cánh rừng cao su Tây Bắc, thỉnh thoảng các đồng chí có cúng, nhớ mời tên tôi về uống rượu với đồng bào.

Nhắc lại những câu chuyện về ông Sang, ông Trọng, cả cán bộ các công ty và bà con góp đất trồng cao su ở Tây Bắc đều chung suy nghĩ, rồi đây, có lẽ Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng cần phải có sự vinh danh công lao của các ông đối với cây cao su ở Tây Bắc. Lẽ tất nhiên là còn rất nhiều người khác nữa, nhưng thành tựu của cao su ở Tây Bắc ngày hôm nay là nhờ những dấu ấn rõ nét của hai con người Nam bộ ấy. Nếu không phải vì cái tâm với đồng bào Tây Bắc có lẽ khó có thể vượt qua sức ép trong những lúc khó khăn.

Trải qua vao gian lao, vất vả, cây cao su đã thành công trên đất Tây Bắc. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Phan Văn Lợi là một trong những “hạt nhân” đầu tiên được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam điều lên Tây Bắc để thực hiện nhiệm vụ nói với tôi: Phải gọi đó là một cuộc trường chinh, không chỉ chinh phục vùng đất gian khó bậc nhất đất nước mà còn là hành trình chinh phục cả lòng người, đập tan những hoài nghi về sứ mệnh cây cao su ở Tây Bắc.

Trong vòng hai năm từ 2007 đến 2008, để thực hiện nhiệm vụ chính trị ở Tây Bắc, VRG nhiều lần vận động cán bộ các công ty trực thuộc xung phong lên nhận nhiệm vụ. Nhiều người lên xong năng nặc xin về. Thậm chí có người còn chấp nhận cả án kỷ luật để về chứ ở trên này gian khổ quá. Cuối cùng có 5 “hạt nhân” bám trụ lại. Ngoài ông Lợi (lúc đó) là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II còn có 4 ông tổng giám đốc khác là ông Nguyễn Xuân Phú ở Hà Giang, ông Lê Tiến Tình ở Lai Châu, ông Nguyễn Huy Lý ở Điện Biên, ông Võ Nhật Duy ở Sơn La. Đa phần trong số họ là người Hà Tĩnh. Có người nói, chỉ đất ấy, người nơi ấy, vốn quen với vất vả gian truân mới có thể đưa cây cao su lên Tây Bắc được mà thôi. Mỗi “ông tổng” dẫn theo dăm bảy người, chủ yếu thuyết phục được trong số họ hàng thân quen lên Tây Bắc nhận nhiệm vụ.

Khó bút mực nào tả xiết những gian khổ của những ngày đầu. Ông Lợi kể, sau khi thị sát cùng với lãnh đạo tập đoàn, ông trở về quê nhà vận động con cháu hết thảy được 7 người lên Lai Châu để lập công ty. Trên chuyến xe đi đến nơi cuối trời Tây Bắc, thỉnh thoảng cô cháu gái lại hỏi sắp đến nơi công ty mình làm chưa chú? Ông chú “trấn an” rằng, bao giờ cháu không gặp bất cứ một bóng người nào nữa thì công ty mình sẽ đóng quân ở đó.

Ông Phan Văn Lợi. Ảnh: Hoàng Anh.

“Trụ sở” công ty ngày đầu ở xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ. Không điện, không sóng điện thoại, nhà cửa lại càng không. Đêm đầu tiên chú cháu trải chiếu nằm đất, trên nền của một trường tiểu học đã di dời vì thủy điện Sơn La sắp chặn dòng. Cô cháu gái kia suốt đêm không ngủ mà chỉ ngồi khóc. Sáng ra tìm đến xã nói chuyện góp đất trồng cao su chỉ nhận được những cái lắc đầu. Trồng cây cao su có trái không? Trồng để lấy lá luộc ăn hay là gì? Góp đất trồng cao su thì dân bản lấy gì làm nương rẫy?

Mất ròng rã hai năm trời uống rượu. Nhà Chủ tịch xã người Thái có lý, lễ gì chú cháu đều phải đến uống mức say bò xuống cầu thang thì chuyện góp đất trồng cao su mới xuôi xuôi. Họp dân để bàn, Tổng giám đốc công ty mời lãnh đạo tỉnh Lai Châu về dự. Bàn mãi không thông đành mổ lợn mời dân bản uống rượu đã rồi bàn tiếp. Uống cho đến khi cả doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh không nuốt được nữa, chấp nhận bị đổ rượu lên đầu, ông trưởng bản mới khề khà nói dân tha cho.   

Có được đất đã khó khăn nhưng đào hố trồng cây mới hãi. Thời điểm cả công ty mới được 21 người, kế hoạch trên giao phải trồng khoảng 1.700ha. Núi đồi Chăn Nưa không khác gì công trường xây dựng xã hội chủ nghĩa mấy chục năm trước. Tỉnh Lai Châu phải ban hành văn bản huy động cả hệ thống chính trị đi phát thực bì, đào hố. Từ cán bộ công nhân viên chức, giáo viên cho đến cả lực lượng công an, quân đội. Dựng lều dựng lán, lập trại giữa núi giữa rừng để trồng cao su. Có những hôm đang cuốc hố, gặp cơn mưa rừng đầu mùa sấm sét đánh tan cả lưỡi cuốc. Người người chạy núp vào lán, cả một quả đồi đất đá khổng lồ sạt lở đổ ập xuống ngay trước mắt. Tai nạn như cơm bữa. Chính ông Lợi cũng mấy lần suýt chết vì xe lao vào núi hay đang đi đường thì gặp lũ quét, sạt lở đất.

Hi sinh, mất mát không khác gì cuộc chiến. Để những dòng mủ trắng tuôn chảy trên vườn cây cao su đầu tiên trồng ở đồi Phú Tre, để cây cao su chứng minh được hiệu quả trên vùng đất Tây Bắc đã có không ít người ngã xuống. Anh Lê Tiến Tình – Tổng Giám đốc Công ty mất vì bạo bệnh. Anh Phan Thanh Biện – Phó Tổng giám đốc và anh Hùng – Giám đốc nông trường thuộc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II mất vì tai nạn giao thông. Rồi cả những mất mát, hi sinh về mặt tinh thần của những cán bộ, công nhân xa gia đình, bản quán lên đây cống hiến cả thanh xuân thì cây cao su Tây Bắc mới có được như ngày hôm nay, nên ông Lợi nói, đừng có ai vội vàng bội bạc, phủ nhận.

Thành quả góp đất trồng cao su ở Sìn Hồ. Ảnh: Hoàng Anh.

Đã gần 15 năm, ai còn nghi ngại với cao su Tây Bắc chả rõ chứ đồng bào góp đất thì không.

Tôi đến xã Chăn Nưa, nơi 1.700ha trồng đầu tiên năm 2009 bây giờ là nguồn sống của hơn 3.000 nhân khẩu. Chăn Nưa cũng là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Sìn Hồ. Chủ tịch xã Lò Văn Phong nói công lao ấy phần lớn là nhờ cao su.

Bản Chiềng Chăn 4, nơi lãnh đạo công ty cao su và tỉnh Lai Châu bị đổ rượu lên đầu thuở đi vận động góp đất bây giờ có 130 hộ, gần như nhà nào cũng có “người cao su”. Bên xã Pú Đao của huyện Nậm Nhùn, xã Nậm Khao của huyện Mường Tè cũng vậy. Cả một vùng cao su rộng gần 5.000ha là tài sản, nguồn sống của hàng nghìn công nhân người bản địa.

Trước kia cán bộ cao su phải mang gà mang rượu đến tận từng nhà để vận động dân bản đi làm công nhân cao su, bây giờ thì ngược lại. Mấy lần xuống vui Tết Trung thu với trẻ em ở những bản làng góp đất trồng cao su, bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu xúc động mà rằng: Chính cây cao su đã làm được cho nhân dân nhiều điều mà bao nhiêu năm qua chúng tôi chưa làm được.

theo Hoàng Anh (Nông nghiệp Việt Nam)