CSVN – 11 năm liên tiếp duy trì năng suất vườn cây bình quân trên 2 tấn/ha, thành quả rất đáng tự hào của tập thể CB.CNVC-LĐ Nông trường Bến Củi. Kết quả trên là minh chứng rõ nhất cho việc áp dụng đồng bộ các sáng kiến, sáng tạo vào hoạt động sản xuất tại đơn vị.
Bình quân mỗi CN thu trên 6 tấn mủ
Năm 2014, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, bệnh hại trên vườn cây kinh doanh, nhất là bệnh phấn trắng trên vườn cây nhóm II và nhóm III. Ngoài ra, gió lốc làm gãy đổ 5.294 cây cao su kinh doanh, tương đương 16 ha, ảnh hưởng đến việc thực hiện sản lượng.
Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, đoàn kết giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ, công nhân lao động nông trường đã khai thác được 3.181 tấn cao su, đạt 112% kế hoạch. Tính bình quân cả năm, mỗi công nhân thu hoạch được trên 6 tấn mủ, năng suất vườn cây đạt trên 2,2 tấn/ha. Đây là năm thứ 11 liên tiếp, NT Bến Củi duy trì năng suất bình quân trên 2 tấn/ha, tiếp tục vững chân trong CLB 2 tấn/ ha của VRG.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tài – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc NT Bến Củi, cho biết để có được năng suất cao, ổn định nhiều năm như vậy, xuất phát từ cơ sở ban đầu xây dựng vườn cây KTCB chất lượng cao. Giống đưa vào trồng mới phải loại giống tiên tiến, chất lượng cao, có tiềm năng cho năng suất, sản lượng cao. Khi đưa vào khai thác, đơn vị có những cải tiến kỹ thuật khai thác phù hợp từng nhóm cây. Từ vườn cây tận thu đến cây nhóm III, nhóm II, để đạt hiệu quả khai thác cao nhất, nông trường có những cải tiến công cụ, dụng cụ lao động cho phù hợp.
“Đối với vườn cây cạo tận thu, trong nhiều năm, vẫn duy trì năng suất bình quân trên 2 tấn/ha. Đạt kết quả này, chúng tôi áp dụng sáng kiến sử dụng bộ dao cải tiến cạo trên cao. Đây là bước đột phá trong việc cạo tận thu trên vườn cây thanh lý. Sáng kiến này được nhiều đơn vị tìm hiểu, học hỏi”, ông Tài cho hay.
Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Dung – CN khai thác Đội C1, NT Bến Củi, sử dụng bộ dao cải tiến giúp việc thu hoạch mủ của người công nhân trở nên an toàn, đỡ vất vả hơn so với trước. Khi chưa có bộ dụng cụ cạo tận thu trên cao, CN phải bắc thang leo trèo để cạo rất nguy hiểm. Bây giờ chỉ cần đứng dưới đất thao tác vẫn đảm bảo kỹ thuật khai thác, cạo được đến cành, nhánh cây cao su.
Vườn cây tốt, tay nghề cao
Ngoài sáng kiến trên, CNLĐ Nông trường Bến Củi còn có sáng kiến trong việc bôi thuốc kích thích. Nhằm tận thu tối đa sản lượng mủ, trên vườn cây thanh lý bôi thuốc kích thích khá nhiều. Để hạn chế thất thoát thuốc, cũng như đảm bảo an toàn cho CN, nông trường đã có sáng kiến cải tiến dụng cụ bôi thuốc kích thích. Bộ dụng cụ cải tiến gồm cán dài, bình bơm, ống dẫn thuốc và bàn chải để bôi.
Với bộ dụng cụ trên, công việc bôi thuốc kích thích trở nên nhẹ nhàng và an toàn hơn. Ngoài ra, việc áp dụng sáng kiến cải tiến dây dẫn mủ trên vườn cây nhóm II, III đã giúp nông trường tiết kiệm một bộ kiềng, chén máng, giảm chi phí trang bị vườn cây mỗi năm.
Vườn cây cao su tốt, tay nghề công nhân khai thác cũng được nâng lên, thể hiện qua kết quả kiểm tra quy trình kỹ thuật hàng năm nông trường đạt loại giỏi. Vườn nhân, vườn ương, vườn tái canh trồng mới và KTCB có những bước tiến đáng kể qua các năm.
Theo đánh giá của lãnh đạo công ty, Bến Củi là một trong những đơn vị tiêu biểu trong công tác phát triển cơ cấu giống chất lượng cao; vườn cây tái canh trồng mới, cây KTCB có tỷ lệ cây sống đạt 100%, sinh trưởng và phát triển tốt vượt tiêu chuẩn so quy trình; năng suất cao. Những yếu tố trên, góp phần giúp công ty là một trong những đơn vị đứng tốp đầu VRG về việc duy trì sản lượng ổn định liên tục trong thời gian dài.
Bài, ảnh: Quân Bảo
Related posts:
- Cao su Phước Hòa chăm lo tốt đời sống người lao động
- Các công ty cao su Tây Nguyên: Lao động ổn định
- Tín hiệu vui từ vùng đất khó
- Cao su Hà Giang: Tạo việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số
- Geru Star trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng
- Ấm áp bữa sáng cho công nhân mùa nước rút
- Cao su Đồng Phú có 18 năm liên tiếp năng suất vườn cây trên 2 tấn/ha
- Cao su Bình Thuận về trước kế hoạch sản lượng 20 ngày
- Thu nhập bình quân người lao động Cơ khí Cao su trên 16 triệu đồng/người/tháng
- "Cả gan" lập nghiệp nơi vùng biên