CSVNO – Ngày 23/2, Đoàn công tác của VRG do ông Trần Công Kha – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động.
Cùng đi với đoàn có ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ Tập đoàn, Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam; ông Phạm Hải Dương – Phó TGĐ Tập đoàn; ông Huỳnh Tấn Siêu – Trưởng Ban Công nghiệp Tập đoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CPCS Lai Châu; đại diện các ban chuyên môn của Tập đoàn. Về phía các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu có lãnh đạo, phòng ban chuyên môn, giám đốc các nông trường.
Công ty CPCS Lai Châu đang quản lý tổng diện tích 6.945,57 ha vườn cao su, trong đó diện tích cao su khai thác 6.089,16 ha. Năm 2023, công ty khai thác được 6.317,32 tấn, doanh thu trên 224,1 tỷ đồng. Tháng 7/2023, công ty chính thức đưa Nhà máy chế biến mủ cao su Lai Châu đi vào vận hành với công suất thiết kế 5.000 tấn mủ SVR10/năm. Năm 2024, Công ty CPCS Lai Châu đề ra các chỉ tiêu kế hoạch SXKD gồm: sản lượng cao su khai thác 6.800 tấn; chế biến 7.360 tấn; tổng doanh thu trên 256,5 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Cao su Lai Châu đề nghị Tập đoàn sớm có hướng dẫn giúp công ty giải quyết tồn tại trong việc thực hiện dự án trồng rừng thay thế; sớm thoả thuận thanh lý 167,67 ha diện tích vườn cây bị sạt lở do mưa lũ năm 2018; hướng dẫn công ty thực hiện hạng mục chi phí hỗ trợ đo đạc, quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân góp đất trồng cao su là 867 triệu đồng; mong muốn Tập đoàn cấp kinh phí để mua thiết bị UAV phun thuốc để điều trị bệnh phấn trắng…
Công ty CPCS Lai Châu II đang quản lý 4.720,137 ha cao su trải dài trên địa bàn của 3 huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè của tỉnh Lai Châu. Năm 2023, sản lượng khai thác được 3.468,29 tấn. Công ty đề nghị lãnh đạo Tập đoàn xem xét hỗ trợ giúp đỡ khi công ty triển khai xây dựng Nhà máy chế biến mủ nếu có khó khăn về nguồn vốn đầu tư thì cho công ty được tạm ứng nguồn vốn qua hợp đồng tiêu thụ mủ trong năm 2024 để phục vụ đầu tư; xem xét có hướng giải quyết, hướng dẫn cho công ty để thanh lý diện tích vườn cây 5,9 ha và ghi nhận thu nhập khác với số tiền đã nhận đền bù cho hợp lý theo quy định tài; sớm được phê duyệt thỏa thuận kế hoạch năm 2024 để Công ty có cơ sở triển khai nhiệm vụ…
Công ty CPCS Dầu Tiếng – Lai Châu đang quản lý diện tích 1.397,6 ha, tổng sản lượng khai thác năm 2023 đạt 148,1 tấn. Công ty mong muốn Tập đoàn xem xét bổ sung chi phí chung vượt dự toán từ năm 2016 – 2022 để công ty có cơ sở huy động vốn góp từ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và thực hiện các hạng mục cấp thiết như: sửa chữa đường, hàng rào, thuyền chở mủ…
Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu làm rõ những kiến nghị, vướng mắc, đề xuất các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu SXKD. Trong đó tập trung vào các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động; quản lý vườn cạo, trang thiết bị vật tư đầy đủ cho vườn cây, tăng cường công tác quản lý chất lượng mủ nguyên liệu đảm bảo cho nhà máy chế biến của công ty đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật của Tập đoàn; quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường; chủ động trong công tác chế biến và tiêu thụ sản phẩm; quản lý chặt quy trình, thời điểm cạo mủ…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT VRG Trần Công Kha đã chia sẻ những khó khăn của tập thể CB.CNV LĐ các công ty cao su đứng chân trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đồng thời biểu dương những nỗ lực vượt khó của các công ty.
Ông Trần Công Kha mong muốn Công ty CPCS Lai Châu, Công ty CPCS Lai Châu II, Công ty CPCS Dầu Tiếng – Lai Châu cần tập trung, tìm các giải pháp nhằm đảm bảo vườn cây phát triển tốt, SXKD có hiệu quả; tăng cường quản lý về nông nghiệp đảm bảo vườn cây phát triển tốt, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị vật tư; có chích sách bố trí lao động phù hợp, công khai minh bạch tiền lương để người lao động yên tâm gắn bó với công ty. Chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề cho lao động; kiểm tra giám sát quy trình kỹ thuật cạo, các đội sản xuất cần phải quản lý sản lượng theo từng tuần, từng nhát cạo mủ. Ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, quản lý chế biến sản lượng mủ; cần quyết liệt thực hiện mô hình quản lý của công ty tinh gọn, hiệu quả. Đối với các nhà máy chế biến cần nghiên cứu có các giải pháp đảm bảo về môi trường. Với các kiến nghị, đề xuất của các công ty, Tập đoàn sẽ nghiên cứu, tìm các giải pháp để tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vương mắc.
Trước đó, đoàn công tác đã thắp hương phòng thờ Bác Hồ và viếng nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Lai Châu.
PHƯƠNG LY
Related posts:
- Cao su Quảng Nam nỗ lực vượt khó
- Sẽ hỗ trợ các đơn vị miền Trung trồng xen canh
- VRG chúc mừng các đơn vị quân đội nhân kỷ niệm 77 năm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam
- Chất lượng sản phẩm Cao su Sa Thầy được đánh giá cao
- VRG sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 95 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam vào ngày 25/10
- Lợi nhuận 9 tháng Khối Đông Nam bộ 1 đạt trên 101% kế hoạch năm
- Huấn luyện võ thuật cho lực lượng tự vệ các công ty Tây Bắc
- Gỗ Thuận An phấn đấu đạt tổng doanh thu 489 tỷ đồng
- VRG phản hồi thông tin của báo Nông nghiệp Việt Nam
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc