CSVNO – Vừa qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng loạt bài “Nhìn lại 10 năm mở rộng cây cao su vùng Bắc Trung bộ”. Về nội dung này, VRG đã có văn bản gửi tới báo và có ý kiến, hướng xử lý.
Sức sống cây cao su trên dải đất Bắc Trung bộ
Nhiều khó khăn
Theo Tập đoàn, cây cao su đã phát triển ở Việt Nam từ năm 1897, phát triển mạnh ở khu vực Đông Nam bộ, dần phát triển ra khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Miền núi phía Bắc. Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp cao su, nông dân trồng cao su tuy có khó khăn ở từng thời điểm nhưng cây cao su đã mang lại nguồn sống cho nhân dân lao động, tổng thể các doanh nghiệp trồng cao su của Tập đoàn hoạt động có hiệu quả, có tích lũy… đã đóng góp lớn lao vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ – CP ngày 27/12/2008 về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, Quyết định số 750/QĐ – TTg ngày 03/6/2009 của Thủ tướng về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ tiếp tục trồng mới 10 – 15 nghìn ha trên đất đang sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và chuyển đổi đất rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất nghèo phù hợp trồng cao su, để ổn định diện tích 40 nghìn ha. Vùng Bắc Trung bộ tiếp tục trồng mới khoảng 20 nghìn ha, chủ yếu sử dụng đất nông nghiệp, để ổn định diện tích 80 nghìn ha.
Cùng với đó, Nghị quyết về phát triển cao su của Tỉnh ủy, đề nghị của UBND các tỉnh kêu gọi Tập đoàn đầu tư phát triển cây cao su, cụ thể đã có 9 công ty cao su gồm: Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nam Giang Quảng Nam, Quảng Trị, Hương Khê – Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Công ty CP Cao su Nghệ An…
Chương trình phát triển cây cao su những khu vực trên đã được Tập đoàn thường xuyên quan tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực đầu tư. Các công ty cũng nhận được sự chỉ đạo, ủng hộ quyết liệt của các địa phương vì trong giai đoạn bắt đầu triển khai dự án ở khu vực gần như không có cây trồng cho hiệu quả cao, giá mủ cao su ở thời điểm này khá tốt, được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo có nhiều ưu thế ở khu vực.
Kết quả bước đầu đạt được, đã phát triển được 15.517,87 ha cao su, trong đó sản lượng khai thác năm 2019 là 13.437,68 tấn, năm 2020 là 13.480 tấn và dự kiến kế hoạch năm 2021 là 15.770 tấn.
Giai đoạn từ 2015 về trước khi giá mủ cao su cao, các công ty có vườn cây khai thác đều có lãi, đặc biệt một số công ty có bề dày hoạt động (đã sang chu kỳ hai) có tích lũy như Cao su Bình Thuận, Cao su Quảng Trị…
Cây cao su đã góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc phủ xanh khu vực gò đồi trước đây chủ yếu là đồi núi trọc, giải quyết được trên 4.513 lao động trong biên chế, chưa tính lao động giao khoán, khoán hộ. Mức thu nhập bình quân theo kế hoạch năm 2021 khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng, chưa tính các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… mà người lao động được thụ hưởng. Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa bước đầu gắn với công nghiệp chế biến như nhà máy Cao su Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận… Thực hiện tốt các khoản thu nộp ngân sách với nhà nước, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Công tác an ninh quốc phòng được giữ vững trên địa bàn vùng dự án. Việc đầu tư các dự án khá đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà văn phòng… trong vùng dự án, không chỉ phục vụ riêng dự án mà góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong khu vực.
Những thành quả này đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận, động viên và đánh giá cao qua những lần trực tiếp thăm và làm việc tại dự án… Đây là sự cố gắng rất lớn của VRG, các công ty cao su và chính quyền địa phương, vì thực tế việc triển khai dự án có khá nhiều khó khăn như: Quỹ đất khá phân tán, khó khăn trong quản lý, khai thác; đất trồng cao su chủ yếu là đất gò đồi, hoang hóa, bạc màu; địa hình đồi dốc cao, đất bị suy thoái cơ học (xói mòn, rửa trôi, sạt, trượt lở đất); người nông dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong sản xuất… dẫn tới đất bị suy thoái hóa học (mặn, chua, phèn, nhiễm chất độc gây hại cây)…
Cũng do chất lượng đất không tốt cùng với việc thay đổi khí hậu theo chiều hướng tiêu cực nên một số diện tích cao su sinh trưởng chậm so với yêu cầu, chi phí đầu tư chăm sóc lớn, suất đầu tư tăng cao. Mặt khác, một số diện tích đất mà các công ty được giao nhưng không phù hợp để trồng cao su, những vùng này thường nằm xen,hệ số sử dụng đất thấp…
4 giải pháp
Thực tiễn trong thời gian qua, thời tiết cực đoan, tác động của dịch bệnh Covid – 19, đặc biệt việc suy giảm giá bán cao su trong thời gian dài là khó khăn chung của toàn ngành không chỉ riêng khu vực Bắc Trung bộ và nội dung này Tập đoàn đang phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động của dự án, gắn với nâng cao chất lượng, đời sống của người lao động.
Thứ nhất, Tập đoàn đã chỉ đạo dừng đầu tư mở rộng diện tích cao su và chỉ tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất vườn cây. Tiến hành rà soát toàn diện quỹ đất đang quản lý và xử lý theo hướng: đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên đang giao các công ty quản lý sẽ chuyển trả về địa phương để giao đơn vị khác có kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực này quản lý theo quy định. Đối với diện tích đất không phù hợp để trồng cao su thì chuyển đổi cây trồng (không chỉ độc canh cây cao su) như trồng cây lấy gỗ, các cây ngắn ngày… để gia tăng nguồn thu, tránh lãng phí tài nguyên đất; đối với diện tích còn lại nếu sử dụng không hiệu quả thì trả về địa phương quản lý, sử dụng theo quy định.
Thứ hai, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng giảm tối đa các khoản chi tiêu gián tiếp để tập trung nguồn lực chăm lo cho người lao động gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hiệu quả của dự án.
Thứ ba, Tập đoàn đã thực hiện tái cơ cấu nguồn vốn thông qua việc trả nợ trước nợ vay ngân hàng để giảm áp lực về tài chính cho các doanh nghiệp trước mắt và lâu dài, giảm chi phí lãi vay trong kinh doanh và đầu tư. Thực hiện các giải pháp tài chính khác để có điều kiện giải quyết các vấn đề cần thiết, đảm bảo giải quyết kịp thời các khoản chi cấp thiết như tiền lương, bảo hiểm xã hội, các khoản phải nộp với ngân sách nhà nước và ổn định sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, Tập đoàn đã và đang xây dựng đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn sau cổ phần hóa (giai đoạn 2021 – 2025) trong đó có các công ty cao su ở miền Trung trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có cơ sở thực hiện theo quy định.
Việc tái cơ cấu doanh nghiệp gắn liền với việc tái cơ cấu các nguồn lực đầu tư theo hướng nghiên cứu và phát triển bổ sung các ngành nghề khác như đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su theo quy hoạch để gia tăng nguồn thu, tái cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu mô hình tổ chức, loại hình doanh nghiệp để không ngừng nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp… góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, gia tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.
P.V
Related posts:
- Công tác tái cơ cấu VRG: Đúng hướng, hiệu quả
- "Xây dựng chặt chẽ chế độ cạo cho toàn chu kỳ vườn cây khai thác khu vực miền núi phía Bắc"
- Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Công ty CPCS Điện Biên
- Binh đoàn 15 kết nghĩa với Bệnh viện Quân y 175
- Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG: "Phấn đấu sản lượng thu mua cao su tương xứng với tiềm năng"
- Đảng bộ Cao su Kon Tum: Trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho 2 Đảng viên
- VRG chúc tết Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Công An Tp. Hồ Chí Minh
- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam: "Các Bộ ngành sẵn sàng ủng hộ để ngành cao su phát triển b...
- Ông Trần Ngọc Thuận tái đắc cử Ban chấp hành VCCI
- Sớm đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nư...