CSVN – Ngày 6/2, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang tròn 40 năm ngày thành lập. Cùng nhìn lại hành trình gian lao, vất vả để cây cao su có thể bén rễ nơi vùng đất có cao trình bình quân hơn 700m so với mực nước biển, nơi nhiều người thường gọi là “cổng trời”.
Từ phương châm “Gà mẹ đẻ gà con”
Cách đây gần 40 năm, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V và Chỉ thị 40 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ngày 4/5/1983 về chủ trương phát triển cây cao su ở các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung.
Ngày 29/10/1983, Tổng cục Cao su Việt Nam (nay là VRG) chỉ đạo Công ty Cao su Phước Hòa nhận trách nhiệm thành lập một bộ khung với 18 cán bộ và 53 công nhân do ông Lê Khả Thinh – Phó Giám đốc công ty làm trưởng đoàn lên huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai – Kon Tum (nay là huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) phát triển trồng cao su, bước khởi đầu cho việc hình thành Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang hôm nay, đây là chủ trương được lãnh đạo VRG gọi là phương châm “Gà mẹ đẻ gà con”.
Trong dòng chảy của lịch sử, vào năm 1984 Công ty Cao su Mang Yang cũng như các Công ty Krông Buk, Ea H’leo, Chư Sê và Kon Tum đều xuất thân từ “gà mẹ” là những công ty miền Đông Nam bộ thực hiện chủ trương đưa cây cao su lên Tây Nguyên.
Sau 5 tháng ổn định và phát triển, ngày 6/2/1984 Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su Việt Nam đã ra quyết định số 10/QĐ – TCCB, quyết định thành lập Công ty Cao su Mang Yang.
Giải quyết việc làm cho phần lớn đồng bào dân tộc địa phương
Những ngày đầu nơi đất đỏ bazan, cứ ngỡ rằng đó là một sự khởi đầu suôn sẻ. Không ai nghĩ rằng, để cây cao su bén rễ trên vùng đất này thật sự gian nan, vất vả với bom mìn, chất độc hóa học do chiến tranh để lại, bệnh sốt rét ác tính hoành hành. Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, bọn phản động Fulrô liên tục chống phá, nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua được khó khăn.
Chúng tôi nhiều lần được nghe các anh Lê Đình Bửu, Phan Duy Toan, Nông Ngọc Than hay chị Siu H’lem… kể về sự gian lao vất vả mà những người đi trước đã dày công vun đắp, xây dựng nên công ty hôm nay. Trong mỗi sự kiện gặp mặt của công ty, luôn có sự hiện diện của các anh chị ấy, họ thường nhắc đến những ngày khó khăn, tuy không phải là những người đầu tiên.
Được biết, ông Nông Ngọc Than – Nguyên Giám đốc Trung tâm y tế sau khi xuất ngũ (tháng 10/1984) được ông Lê Khả Thinh – Nguyên GĐ Công ty Cao su Mang Yang, là trưởng đoàn trong bộ khung lên thành lập Công ty Cao su Mang Yang tiếp nhận và điều về làm Trạm phó Trạm Y tế H’neng (lúc đó là NT H’neng, nay là NT Đoàn Kết). Lúc đó công ty có đến 8 NT, mỗi NT có một trạm y tế. Những ngày đầu khi thành lập công ty gian nan và vất vả, nhất là lao động và dịch bệnh sốt rét hoành hành. Rất nhiều người công nhân cao su đã nằm lại đất này vì căn bệnh quái ác đó. Trong thời gian đó trạm y tế đã giúp đỡ người công nhân và nhân dân trong vùng chống chọi với bệnh sốt rét. Trong những lần đến dự Hội nghị, tổng kết cuối năm hay kỷ niệm ngày thành lập công ty, chúng tôi vẫn được các anh chị đi trước nhắc về những ngày vất vả khi đi tuyển dụng lao động trồng cao su. Đó thật sự là khoảng thời gian khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán, giao thông trắc trở và nhận thức hạn chế của lao động đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, nhất là cây cao su còn hoàn toàn mới mẻ với bà con.
Trải qua quá trình gần 40 năm xây dựng, đến nay công ty đã hình thành một vùng cao su rộng lớn với trên 7.500 ha, trong đó cao su khai thác hơn 4.600 ha, giải quyết việc làm cho hơn 1.300 lao động, trong đó lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 55% tổng số lao động. Là người công nhân trẻ, nhưng chị Rơ Ma Hrun – NT Bờ Ngoong rất ấn tượng với truyền thống lâu đời của ngành cao su, chị cho hay: “Tôi đã chứng kiến cuộc sống của nhiều gia đình công nhân cao su nơi tôi sinh sống, họ đã phải trải qua những lúc gian khó khi giá cao su thấp, cuộc sống cùng cực, nhưng họ đã vượt lên trên những khó khăn ấy nhờ vào sự đồng hành của các tổ chức đoàn thể trong công ty. Đây là điều giúp tôi gắn đã bó với cây cao su dù là người công nhân mới, vì đó là công việc tôi đã chọn để lập nghiệp, và sẽ một lòng với nghề công nhân cao su”.
Chung tay cùng địa phương xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Cao su Mang Yang đã thể hiện vai trò cầu nối trên địa bàn đóng chân, tham gia tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương, góp phần đưa phong trào “Toàn ngành chung sức xây dựng nông thôn mới” ngày càng hiệu quả và phát triển bền vững.
Trong đó, điển hình là các dự án trồng cao su của công ty tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, phức tạp, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, cải thiện môi trường sinh thái, ổn định việc làm, thu nhập cho NLĐ, góp phần xóa đói, giảm nghèo…
Trải qua 40 năm từ khi xây dựng đến phát triển, dù trong điều kiện SXKD thuận lợi hay khó khăn, công ty luôn có sự phối hợp hiệu quả với chính quyền địa phương, góp phần xây dựng huyện Đăk Đoa ngày càng phát triển. Dù thăng trầm hay biến động của tình hình kinh tế, song các thế hệ lãnh đạo của công ty luôn quan tâm và chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước đây đường giao thông đi lại rất khó khăn, điện, nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt còn thiếu thốn… đến nay, từ công ty tới các NT, xí nghiệp, nhà máy và các tổ đội sản xuất, giao thông liên thôn, liên xã đã có đường trải nhựa, cấp phối, có điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất và sinh hoạt không chỉ cho NLĐ các đơn vị trực thuộc mà còn cho bà con nhân dân trong vùng.
Gắn bó cùng địa phương là chủ trương được các tổ chức đoàn thể trong công ty chú trọng thực hiện.Với phương châm mỗi đoàn viên, thanh niên, mỗi cơ sở Đoàn thực hiện một hoạt động thiết thực, chung sức xây dựng nông thôn mới, Đoàn Thanh niên công ty đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng chương trình hoạt động cụ thể, tạo sức lan tỏa và thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện chủ trương của Đảng ủy công ty về xây dựng nông thôn mới, Đoàn Thanh niên công ty đã đăng ký phần việc xây dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp. Theo đó, Đoàn Thanh niên công ty đã triển khai cho các chi đoàn thực hiện dọn vệ sinh trên tuyến đường với tổng chiều dài hàng km; hàng tháng, hàng quý tổ chức dọn vệ sinh, khai thông kênh mương, cống rãnh, trồng cây xanh dọc các tuyến đường làng nơi cao su đứng chân.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên công ty còn chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên, tổ chức các hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp, tích cực vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Công tác xa nhà - Nỗi lòng người trong cuộc
- Cao su Bà Rịa: Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững
- Thu nhập bình quân người lao động Cơ khí Cao su trên 16 triệu đồng/người/tháng
- Nông nghiệp 4.0 trước bẫy '4 không'
- "Chiến sĩ áo trắng" trong lòng người lao động
- Hội thi Bàn tay vàng cấp cơ sở khu vực Tây Nguyên: Thợ giỏi hào hứng tham gia
- Không sợ vất vả, chỉ sợ cây không cho mủ !
- Cao su Tân Biên: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ sống còn của một đơn vị biên giới và ...
- Các đơn vị miền núi phía Bắc năm 2021: Dự báo có nhiều khởi sắc
- Trân trọng quá khứ - vững tin hiện tại - mạnh mẽ tương lai!