Công tác xa nhà – Nỗi lòng người trong cuộc

CSVN – Thực hiện chủ trương phát triển cao su trên nước bạn, có rất nhiều CBCNV ngành cao su, phần lớn là thanh niên, đã phát huy sức trẻ, lên đường đến với vùng đất mới xa xôi, cách trở. Có ai biết, vì nhiệm vụ chung, vì màu xanh cao su, họ đã đánh đổi rất nhiều. Tiền lương hiện tại thấp, gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng chỉ là chuyện nhỏ. Họ phải xa gia đình, xa vợ con, không chăm sóc được mẹ già con thơ, kể cả hôn nhân tan vỡ.

>> Cần có cơ chế, chính sách đặc thù đối với cán bộ công tác ở Lào và Campuchia (Kỳ 3)

>> Kỳ 2: “Động viên anh em, tạo điều kiện công tác và đời sống gia đình”

>> Kỳ 1

♦ Mời nghe đọc bài:

Một cán bộ kỹ thuật người Việt Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom hướng dẫn công nhân Campuchia chăm sóc vườn cây. Ảnh: N.K
Một cán bộ kỹ thuật người Việt Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom hướng dẫn công nhân Campuchia chăm sóc vườn cây. Ảnh: N.K
Gánh nặng cơm áo gạo tiền

Là con út trong gia đình miền biển Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị, qua lời giới thiệu của bạn bè, anh L. xin vào làm tại Công ty CPCS Việt – Lào. Nhìn cha đã ngoài 60 nhưng vẫn bám biển lo cái ăn cho gia đình, anh L. lại càng quyết tâm qua Lào làm việc để dành dụm ít tiền cho cha mẹ dưỡng già và để lập gia đình sau này.

Lạ lẫm, bỡ ngỡ khi tiếng Lào bẻ đôi không biết chữ nào nhưng anh gạt ngay đi:“Qua đó từ từ rồi quen, người ta đi được mình cũng đi được, có làm sao đâu mà phải đắn đo, suy nghĩ”. Thế là, ngót nghét từ ngày đầu đến nay đã được hơn 5 năm, giờ đây khi mà tiếng Lào của anh cũng đang đến độ rành rọt thì chuẩn bị để tháng tới sẽ xin nghỉ việc về Việt Nam.

Anh chia sẻ: “Thời mới qua, khi đó lương mỗi tháng được 4 triệu kíp, tính ra tiền Việt Nam được gần 11 triệu. Độc thân nên không tiêu xài gì, ngoài tiền ăn hàng tháng và tiền xe mỗi lần về thăm nhà thì tôi dành dụm được 2 triệu kip/tháng. Mỗi năm có 18 ngày phép thì tôi chia ra 2 – 3 đợt về, công ty hỗ trợ 1,2 triệu đồng/năm tiền xe đi lại, chi phí làm thẻ lao động và visa thì công ty chi trả”.

“Tuy nhiên đến cuối năm 2014 lương giảm, tính ra chỉ còn 5 triệu tiền Việt, năm nay tính lương theo quy định mới thì được gần 9 triệu tiền Việt nhưng chi phí các thứ bây giờ nhiều lắm. Tôi cưới vợ vào đầu năm 2014, đến giờ hơn hai năm rồi mà lương thấp hơn thời độc thân nữa nên không đủ trang trải chứ nói gì đến tiết kiệm. Đã đi làm xa vợ con thì xác định phải có dư, đằng này không đủ tiêu xài thì phải về Việt Nam kiếm việc cho gần gia đình. Với mức lương như hiện nay, cũng có nhiều anh chị em không đủ chi phí để sinh hoạt, vì vậy cũng nghỉ việc dần dần”, anh cho biết lý do quyết định nghỉ việc.

Đừng trách cuộc sống

Lương thấp, xa nhà, là 2 yếu tố chính khiến anh không thể tiếp tục gắn bó với vườn cây trên nước bạn. Qua Lào được 3 năm anh về cưới vợ vì tuổi đời không còn quá trẻ. Để vợ mới cưới ở quê với bố mẹ, anh lại khăn gói lên đường, cũng tính xin việc cho vợ làm ở công ty để hai vợ chồng gần nhau, nhưng rồi cứ lần lữa mãi lại thôi.

Anh kể: “Mới cưới mà phải xa nhau, nhiều lúc vợ ốm muốn về ngay nhưng đâu có được. Nhớ hôm kỷ niệm một năm ngày cưới, cũng muốn ăn mừng kỷ niệm với vợ bằng bữa tiệc nho nhỏ cho vợ vui nhưng cũng chịu, vợ có bầu cần sự quan tâm của chồng nhưng cứ phải tự lo. Vì điều kiện công việc nên phải xa vợ xa con như vậy, nhiều khi nhớ con đến quay quắt, cha mẹ già ốm đau tôi cũng chỉ biết gọi điện thăm hỏi từ xa thôi chứ có được cận kề chăm sóc đâu. Không riêng gì tôi mà nhiều người khác khi làm việc xa nhà phải chấp nhận hy sinh nhiều lắm, nhìn những ngày cuối tuần gia đình người khác đi chơi, hội hè mà tủi thân, nhớ nhà lắm”.

Nhớ hôm kỷ niệm một năm ngày cưới, cũng muốn ăn mừng kỷ niệm với vợ bằng bữa tiệc nho nhỏ cho vợ vui nhưng cũng chịu, vợ có bầu cần sự quan tâm của chồng nhưng cứ phải tự lo…Nhiều khi nhớ con đến quay quắt, cha mẹ già ốm đau tôi cũng chỉ biết gọi điện thăm hỏi từ xa thôi chứ có được cận kề chăm sóc đâu…

Anh L. chia sẻ.

“Mọi người trong công ty rất tình cảm như anh em trong một nhà, hơn 5 năm gắn bó nhiều kỷ niệm nhưng cũng đành phải chia tay. Bây giờ ngoài cha mẹ già, tôi còn có gia đình nhỏ của mình nên trách nhiệm gánh hai vai, không giàu có thì cũng phải vừa đủ cho cả gia đình”, anh tâm sự.

Chạy xe máy từ Campuchia gần 200 km về thăm nhà…

Mở đầu câu chuyện, anh T. (làm việc cho một Công ty Cao su tại Campuchia) bộc bạch: “Nói gì thì nói, khi một người đã chấp nhận làm việc xa, trước tiên là muốn kiếm tiền để lo cho gia đình. Và tôi, cũng không nằm ngoài lý do đó. Thật tình, trước đây tôi là người ngoài ngành, không hề biết đến cao su như thế nào. Khi đang công tác tại TP.HCM, tôi nhận được thông tin Công ty cao su tại Campuchia tuyển cán bộ qua làm việc tại dự án với mức lương cũng khá cao so với hiện tại nên tôi nộp hồ sơ.

Các cán bộ công tác tại dự án cao su của VRG tại Lào và Campuchia đa số đều rất trẻ. Trong ảnh: Nhân viên kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm Công ty TNHH Cao su Việt - Lào đang làm việc. Ảnh: Vũ Phong
Các cán bộ công tác tại dự án cao su của VRG tại Lào và Campuchia đa số đều rất trẻ. Trong ảnh: Nhân viên kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm Công ty TNHH Cao su Việt – Lào đang làm việc. Ảnh: Vũ Phong

Lúc đó, cũng chưa nghĩ gì nhiều đến những trở ngại khi phải công tác xa nhà. Hai vợ chồng cũng băn khoăn nhiều lắm, nhưng rồi trách nhiệm của người làm chồng, làm cha, tôi muốn thu nhập hàng tháng của mình khấm khá để lo cho vợ con. Vậy là, khăn gói lên đường, đến thời điểm này cũng gần 4 năm rồi”.

Vợ con ở Bình Phước, anh ở Campuchia, dù xa, dù thời gian đầu mới xây dựng đơn vị còn nhiều việc nhưng anh T. vẫn cố gắng thu xếp thời gian để về thăm nhà. Từ dự án anh chạy xe máy về nhà gần 200km. Cứ vậy những ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ phép anh phải phân chia sao cho đều để không bị ảnh hưởng đến công việc và không để vợ con buồn. Biết là mình công tác xa nhà, vợ con sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhưng anh cứ tự nhủ thôi thì cố gắng chứ mỗi người một hoàn cảnh.

… để rồi ly tán

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, anh cũng tâm sự rằng anh mới độc thân ngày hôm qua. Chúng tôi ngạc nhiên thì anh bảo: “Nói về khoảng cách, xa thì không hẳn là xa quá, nhưng ở bên này mỗi lần ở nhà có chuyện gì gấp cũng không chạy về ngay được, phương tiện không được như bên mình đâu. Khoảng cách rồi tình cảm cứ nhạt dần, nhạt dần, cộng thêm việc thiếu sự thấu hiểu, cảm thông của cả hai nên mới vậy”.

Anh không trách và cũng không đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhưng anh cũng nhận ra rằng những người công tác xa nhà dù với lý do gì đi nữa cũng phải chấp nhận hy sinh, họ rất muốn nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của bạn đời và người thân. Anh sẽ tiếp tục công tác ở đây và cũng sẽ tranh thủ đi đi về về thăm con, để bù đắp cho con.

“Nhớ hôm kỷ niệm một năm ngày cưới, cũng muốn ăn mừng kỷ niệm với vợ bằng bữa tiệc nho nhỏ cho vợ vui nhưng cũng chịu, vợ có bầu cần sự quan tâm của chồng nhưng cứ phải tự lo…Nhiều khi nhớ con đến quay quắt, cha mẹ già ốm đau tôi cũng chỉ biết gọi điện thăm hỏi từ xa thôi chứ có được cận kề chăm sóc đâu…” anh L. chia sẻ.

Trường hợp như anh T. không phải là hiếm, tại các đơn vị ở nước bạn hầu như lực lượng cán bộ trẻ người Việt khá nhiều người chưa lập gia đình. Không phải vì không có điều kiện làm đám cưới mà nhiều anh chị em mang tâm lý e ngại rằng, liệu vợ/chồng có chấp nhận mình làm việc ở xa như thế này không?

Có dịp dự Hội nghị tại một đơn vị ở Campuchia, nhìn xung quanh hội trường thấy anh chị em cán bộ rất trẻ, áng chừng 26 – 32, độ tuổi đẹp nhất để thành gia lập thất nhưng hỏi ai thì chúng tôi cũng nhận được câu trả lời: “Chưa có chốn đi về đâu em”. Có anh bạn còn trẻ lên tiếng: “Anh qua đây mới được hai năm, trước đó cũng có người yêu nhưng rồi qua đây được một năm thì chia tay. Có cô nào chấp nhận vắng người yêu vào ngày 8/3, 20/10, lễ tình nhân không? Thiếu sự quan tâm thế là chia tay thôi. Ba mẹ anh đang rất lo lắng vì gõ cửa ngưỡng “băm” rồi mà cứ “trơ” ra vậy, không biết thế nào nữa, thôi cứ tùy duyên vậy”.

Minh Nhiên