CSVN – Có thể khẳng định rằng, kết thúc năm 2023 các công ty trên địa bàn Tây Nguyên đã gặt hái được những kết quả tích cực, khi các đơn vị đều hoàn thành kế hoạch sản lượng sớm. Qua đó, tạo nên một cuộc đua sôi động vào CLB 2 tấn/ha, thậm chí các tổ, đội sản xuất là 3 tấn/ha cho những năm tới.
Dấu ấn trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp
Dù những ngày cuối năm khá bận rộn, nhưng ông Võ Toàn Thắng – TGĐ Cao su Chư Prông vẫn dành thời gian đến thăm hỏi, động viên và trao thưởng cho NLĐ về đích sớm ở Đội 3, NT Thống Nhất. Trên đường đến với NLĐ của Đội 3, ông Thắng chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn mà công ty phải đối mặt trong năm qua: “Năm 2023 chúng tôi tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, ảnh hưởng sau đại dịch Covid -19. Chưa kịp phục hồi đã phải tìm kiếm các giải pháp giữ chân NLĐ trước sức cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp mới nổi và lĩnh vực khác, giá bán mủ thấp và thời tiết cực đoan làm việc thu hoạch mủ chậm hơn năm trước gần 30 ngày đã ảnh hưởng lớn đến kết quả SXKD của công ty”.
Nở nụ cười tươi tắn khi đón nhận giấy khen từ tay ông Võ Toàn Thắng, chị Lê Thị Hồng Hạnh bày tỏ niềm hạnh phúc, tự hào khi là một trong số những người về đích sớm: “Tuy về sớm kế hoạch sản lượng, nhưng khó khăn và nỗ lực lắm mới được thế này anh ạ! Để có được kết quả như hôm nay là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của tổ trưởng và ban giám đốc NT trong việc thực hiện trang bị vật tư cho vườn cây, bón phân, phun thuốc và thực hiện nghiêm chế độ cạo, giờ cạo… Tôi rất vui và tự hào vì đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ giao với việc về đích sớm trên 20 ngày”.
Là một đơn vị khá ổn định về lao động và tình hình SXKD trong nhiều năm qua, Cao su Chư Păh cũng không tránh được những khó khăn phải đối mặt khi mùa nắng kéo dài và mưa cục bộ nhiều ngày liên tục, giông lốc và biến động lao động. Bà Huỳnh Thị Nga – Phó TGĐ Cao su Chư Păh cho rằng, tuy công ty về đích sớm 20 ngày so với kế hoạch đặt ra, song nếu không quyết liệt trong chỉ đạo để các đơn vị và NLĐ thực hiện nhiều giải pháp thì cũng khó đạt được mục tiêu đề ra.
Nhìn lại hoạt động SXKD của các công ty trên địa bàn Tây Nguyên có thể thấy rằng dù phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là nắng hạn làm hầu hết các công ty phải tổ chức thu mủ muộn hơn cả tháng so với năm trước. Tuy nhiên, lãnh đạo các công ty đều thể hiện sự chủ động đối phó với những khó khăn bằng việc liên tục và sâu sát với tình hình thực tế sản xuất ở từng đơn vị trực thuộc, khi có những dấu hiệu hụt hơi thì ngay lập tức có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Điển hình như Cao su Chư Sê khi bước vào quý III, một số tổ khai thác, NT thực hiện sản lượng đạt tỷ lệ thấp so với sản lượng phân bổ. Để phù hợp với điều kiện thực tiễn vườn cây, TGĐ công ty đã yêu cầu các NT thực hiện nghiêm những chỉ đạo của lãnh đạo công ty trong công tác quản lý, khai thác mủ ở tổ sản xuất.
Các giải pháp chính vẫn được lãnh đạo nhiều công ty thực hiện, đó là chủ động xây dựng kế hoạch sản lượng, dự kiến sản lượng từng ngày.
Định kỳ đánh giá lại tình hình sản xuất thực tế so với kịch bản điều hành, phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục nhằm đạt được mục tiêu.
Đồng thời, tổ chức giờ cạo linh hoạt trong ngày, có thể chuyển qua hình thức thu mủ đông những ngày thời tiết không thuận lợi cho việc thu mủ nước. Những tổ thiếu hụt lao động, ưu tiên cạo vườn cây có năng suất cao, tổ chức cạo choàng tối đa vườn cây còn lại.
Tạo đà cho cuộc chạy đua vào CLB 2 tấn/ha
“Không có cách nào tăng thu nhập cho NLĐ tốt hơn là việc tăng năng suất vườn cây, muốn vậy cần phải có chế độ đầu tư khoa học, phù hợp cho vườn cây để tạo nên một vườn cây chất lượng và năng suất cao” – ông Võ Toàn Thắng – TGĐ Cao su Chư Prông cho hay.
Trong điều kiện hiện nay, với việc khu vực Tây Nguyên có Cao su Kon Tum, Sa Thầy, Chư Mom Ray và Ea H’leo đã là thành viên CLB 2 tấn/ha của VRG ở cấp công ty và hàng chục NT, tổ sản xuất có năng suất cao từ 2,5 – 3 tấn/ha thì áp lực đối với việc tăng năng suất vườn cây trở lên lớn hơn bao giờ hết.
Do vậy, việc lãnh đạo các công ty cao su như Chư Prông, Chư Păh hay Krông Buk, Mang Yang đang từng ngày từng giờ tìm kiếm các giải pháp tối ưu cho việc năng năng suất vườn cây. Đối với khu vực Tây Nguyên ở cấp đội sản xuất trực thuộc công ty, tổ sản xuất có năng suất từ 2,6 tấn/ ha được tham gia vào CLB 3 tấn/ha của VRG. Và hiện tại có không ít đơn vị đạt tiêu chí này. Điển hình có Đội Cao su Thanh Niên của Công ty CPCS Sa Thầy năng suất năm 2023 đạt trên 2,6 tấn/ha.
Những đơn vị mới như Cao su Sa Thầy và Chư Mom Ray có lợi thế về “sức trẻ”, thổ nhưỡng phù hợp với sự phát triển và cho năng suất cao, song các đơn vị có tuổi đời lớn, với 40 năm hình thành trở lên như Cao su Chư Sê, Chư Prông, Chư Păh và Mang Yang là những đơn vị có nhiều diện tích chu kỳ thứ 2 sắp đưa vào khai thác, do vậy việc nỗ lực để có vườn cây chất lượng với năng suất từ 1,8 tấn/ha không phải là không có cơ sở.
Ông Phạm Đình Luyến – TGĐ Cao su Chư Păh từng chia sẻ, do lao động của công ty phần nhiều là đồng bào các dân tộc thiểu số, nên trình độ tay nghề có phần hạn chế. Tuy nhiên, với lực lượng lao động trẻ, có nhiệt huyết và mong muốn gắn bó lâu dài với cây cao su thì việc còn lại của công ty là tập trung đào tạo tay nghề cho công nhân tốt, chắc chắn sẽ tạo nên một lực lượng lao động có chất lượng.
Hiện tại, với năng suất bình quân của Cao su Chư Prông là khoảng 1,6 tấn/ha, Cao su Chư Păh hơn 1,6 tấn/ha, riêng Cao su Mang Yang và Chư Sê có hơi thấp so với các đơn vị khác như Kon Tum hay Ea H’leo, nhưng qua nhiều hội thảo và hội nghị đầu bờ của các đơn vị này trước mùa thu hoạch thì vườn cây chưa thể đạt năng suất là do không đồng đều về mật độ cây của chu kỳ đầu và diện tích mở mới nhiều, nhất là cơ cấu giống của chu kỳ đầu tiên không tạo nên năng suất cao.
Đến thời điểm này, theo ghi nhận mỗi công ty đều có giai đoạn đạt năng suất từ 1,8 tấn/ ha trở lên như Cao su Krông Buk vào những năm 2007 – 2012 có năng suất cao, đây cũng là giai đoạn của Cao su Chư Sê, Cao su Kon Tum tuy vẫn duy trì được năng suất ở mức trên 1,8 tấn/ha nhưng các năm gần đây vườn cây nhiều đơn vị không còn giữ được “phong độ” này.
Với những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen, cùng với những giải pháp hữu hiệu trong quản lý điều hành và sự đầu tư tốt cho vườn cây, chắc chắn trong tương lai không xa, việc các đơn vị ở khu vực Tây Nguyên có vườn cây năng suất cao là hoàn toàn có thể và xứng đáng trong CLB 2 tấn/ha của VRG.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Xây dựng cơ chế thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới
- Cao su Bình Long phấn đấu thu nhập người lao động trên 11 triệu đồng/người/tháng
- Ông Trần Khắc Chung giữ chức Tổng Giám đốc Cao su Bà Rịa
- Mục tiêu, phương hướng hoạt động của Công đoàn cao su Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028
- "Cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút tuyển dụng và ổn định lao động"
- Chư Mom Ray - "đất lành" của người lao động
- Cao su Lai Châu tặng quà cho 13 người lao động khó khăn
- Khi đất cao su đã hóa tâm hồn
- Ngày mới hăng say thi đua lao động sản xuất ở Cao su Bình Long
- Cô “Công nhân Cao su Việt Nam ưu tú” tâm huyết với ngành