Khi đất cao su đã hóa tâm hồn

CSVN – Rừng cao su, nơi tôi đã đến và đem lòng thương nhớ. Từ rất lâu rồi, đủ để tình cảm cây cao su trở thành một phần tâm hồn. Vì có những con người nhiệt huyết, truyền thống và tràn đầy niềm tin.

Ảnh: CTV

Xuân đến rồi hè qua, anh chị em công nhân cao su vẫn không nghỉ. Mưa nắng không làm khó được họ, những người gắn cuộc đời với đất, với cây. Các anh em yêu rừng, yêu cây, yêu tất cả những gì thuộc về loài cao su ấy. Những lần tiếp xúc với các anh chị, sống cùng mọi người đã giúp tôi nhận ra rằng: để gắn bó với nghề cao su thì chỉ sức khỏe thôi chưa đủ mà còn cần phải có một niềm tin mãnh liệt.

Kỷ niệm ngày đó vẫn in đậm dấu ấn trong tâm trí tôi. Tôi đã nhận ra được tầm quan trọng của cây cao su đối với cuộc sống, đối với đất nước. Nhiều khi người ít, phương tiện thiếu thốn nhưng ai cũng tràn đầy sức sống và hăng say sống cùng và quyết tâm gắn bó với cây cao su. Trong tôi bừng lên niềm xúc động vì những khó khăn vất vả mà các anh em phải vượt qua đều đặn từng ngày. Đối với các anh, rừng cao su chính là nhà vì các anh thường xuyên phải ở trong rừng. Nói thì đơn giản nhưng các anh chị phải làm liên tục không lúc nào ngơi chân ngơi tay. Bàn chân, bàn tay các anh chị đã chai sần, có khi đau nhức hay rớm máu. Chỉ có sự đoàn kết và tinh thần làm việc hăng say là không bao giờ thay đổi. Yêu cái bao la hùng vĩ của rừng cao su bao nhiêu thì lại càng yêu những con người bám trụ ở đó bấy nhiêu.

Qua thời gian, nhờ những chuyến đi và tìm hiểu, cập nhật thông tin qua báo, đài, sách vở, tôi càng hiểu thêm về cuộc sống như một bài ca của các anh chị em. Các anh chị công nhân cao su hòa với rừng làm một, coi rừng là nhà. Có nhiều câu chuyện trong cuộc sống với cây cao su đó lắm. Tôi nhớ về một cháu bé là con của công nhân cao su. Niềm mong ngóng mẹ về của cháu chắc cũng đủ để kể thành một câu chuyện cho những đứa trẻ khác nghe. Trong tâm hồn bé thơ ấy cũng hiểu về công việc của mẹ, dù cháu đang tuổi ăn tuổi chơi. Mẹ làm sẵn mâm cơm rồi tạm biệt.

Bé kể, mẹ đi vào rừng cao su để làm công việc cao quý. Cháu lo cho đứa em ăn uống, rồi rửa bát, dọn dẹp nhà cửa. Công việc mà các bạn trên thành phố đều ngại thì cháu cố làm rất chăm chỉ. Cháu không được như các bạn ấy nên phải cố gắng nhiều hơn, đó là suy nghĩ cần thiết của một đứa trẻ có mẹ làm công nhân cao su.

Cháu kể, hồi trước, mỗi ngày như thế, cháu đều tự hỏi mẹ đang ở đâu, làm gì? Hỏi mẹ, mẹ chỉ nhìn con trìu mến rồi nói rằng đây cũng là công việc bình thường, chỉ là vất vả hơn một chút. Hôm nọ, chú tổ trưởng của mẹ đến nhà, cho cháu vở và bút, còn khen mẹ nữa. Thế là đủ để cháu tự hào mẹ là người rất giỏi.

Câu chuyện của cháu bé con người công nhân cao su là như vậy đó. Cháu trưởng thành sớm hơn những đứa trẻ bình thường. Cháu hiểu mẹ, hiểu nỗi vất vả của người công nhân cao su, hiểu mẹ và các cô chú phải cố gắng như thế nào để làm ra sản phẩm, để giúp ích cho đơn vị và xã hội. Mẹ miệt mài dưới tán lá, để trông từng giọt mủ chảy xuống, nhưng luôn lo lắng cho các con. Không được ăn cơm cùng mẹ nhưng bọn trẻ vẫn luôn nghĩ mẹ ngồi đây. Nhiều bạn khác nhỏ hơn còn không có được sự chăm sóc thường xuyên của cha mẹ nhưng vẫn chăm ngoan, học giỏi.

Bởi vì cháu biết, nghề của mẹ cực kỳ vất vả. Cứ đêm khuya, những buổi mẹ vắng nhà, đó là lúc các cháu say ngủ. Mẹ biết, mẹ không hát ru, không kể chuyện cho hai đứa con bé bỏng, nhưng mẹ phải chịu muỗi đốt, phải đẫm mình trong sương. Mẹ cực khổ, miệt mài quá, nhưng đã hai mươi năm mẹ gắn bó với vườn cây ấy. Mẹ từng bảo, con hãy tự hào về nghề của mình khi con lớn lên.

Và có lẽ trong tâm hồn non nớt của cháu cũng hiểu một chút cảm giác đó của mẹ. Và cháu biết, mỗi lần trực đêm ấy, mẹ làm việc như mang theo cái hồn của cây cao su, đặt cả tâm huyết của mình vào từng động tác, vượt qua mọi gian khó để hoàn thành nhiệm vụ, để lo cho các con nên người.

Ai cũng nói, cạo mủ cao su là nghề chứa đựng đủ thứ cảm xúc trên đời, buồn vui, sướng khổ, đắng cay đủ cả. Tuy ở nhiều nơi, cuộc sống anh chị em vẫn còn khó khăn nhưng thấm đẫm trong tâm hồn, tư tưởng của mỗi người đều là lòng yêu nghề, yêu mảnh đất, yêu rừng cây in dấu chân mình mỗi ngày.

Câu chuyện những ngày giáp Tết của người công nhân cao su luôn làm tôi trăn trở. Các anh chị em công nhân cạo mủ cao su dường như vội vã hơn, tập trung hơn. Cũng phải thôi vì ai mà chẳng có gia đình, có quê hương bản quán. Những đôi bàn tay cạo mủ như múa trông như nghệ sĩ thực thụ, người nghệ sĩ bình dị của rừng cao su, như đuổi theo tiếng gió xuân xuyên qua từng kẽ lá. Có chị em gần 30 năm gắn bó với nghề, được nhiều thành tích, biểu dương, khen thưởng các cấp, vậy mà sau buổi vinh danh, ai nấy đều như nhau, đều phải vất vả chắt chiu sớm tối.

Niềm tự hào và hạnh phúc của người công nhân cao su được nhân lên gấp bội, hiện lên rõ nét trong những câu chuyện anh chị em kể. Nhớ những ngày mới bắt đầu gắn bó với cây cao su, ai cũng bồi hồi xúc động. Có người là công nhân trồng mới, đối mặt với cái nắng chói chang không một bóng cây, để rồi giờ đây sau khi vượt qua giai đoạn gian khổ ấy, mới thấy đã qua hơn nửa đời người. Anh em ra đi gần hết, chỉ còn lại những tâm hồn gắn chặt bên rừng cao su, bên thứ mủ trắng trong mang bóng hình đôi tay, bàn chân vất vả.

Cuộc đời có thăng có trầm, như giá mủ cao su lên xuống vậy, kéo theo cả cuộc sống người công nhân cao su. Thời đó, có những gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương của cha, của mẹ. Các doanh nghiệp cao su cũng điêu đứng vì giá mủ bán không thể bù nổi giá thành sản xuất. Nhớ lại những ngày nhận lương bằng gạo, không ít anh chị em bồi hồi, xót xa. Thế mà chẳng biết tại sao vẫn còn nhiều người bám trụ lại như thế, bám lấy thăng trầm của cái nghề cực khổ này.

Có những cái Tết, anh em không có đủ tiền mua nổi vài cân gạo nếp, vài ký thịt ngon làm bữa ăn đặt lên bàn thờ tổ tiên. Cận Tết, cũng là lúc người công nhân cao su phải tính toán xem có nên tiếp tục làm nghề này hay bỏ về quê làm ruộng. Có những gia đình cả chồng, cả vợ đều gắn bó với cây cao su đến tuổi sắp nghỉ hưu, lại thêm mối lo toan dựng vợ, gả chồng cho con cái.

Trải qua nhiều thăng trầm như thế nhưng giờ đây, hàng ngàn, hàng vạn anh chị em vẫn quyết tâm gắn bó với cây cao su, với công việc đã ăn sâu vào máu họ. Các doanh nghiệp cao su đã dần làm ăn khấm khá, đã chăm lo tốt hơn đến đời sống của công nhân. Nông trường là nơi để cả người lao động và doanh nghiệp dựa vào mà sống, không có công nhân thì cũng không có doanh nghiệp.

Cùng với sự đi lên của nền kinh tế đất nước, ngành cao su đã biết chủ động hơn trong công việc, trong đảm bảo doanh thu, cũng như ứng phó với những biến động trên thị trường. Để rồi các công ty cao su của nước nhà đã tập hợp được một đội ngũ những công nhân yêu nghề, không ngừng rèn luyện nâng cao trình độ, tay nghề, không ngừng học hỏi kỹ thuật để chắt chiu từng giọt mủ, đem lại năng suất, chất lượng cao. Thời kỳ hội nhập quốc tế, tất cả các ngành kinh tế đất nước đều phải đổi mới, đều phải đi lên từ con người, ngành cao su cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Những công nhân cao su ngày nay có tay nghề giỏi, có lòng đam mê với công việc mình đang làm, và cùng với điều đó, cuộc sống của anh chị em cũng được cải thiện, ngày càng đầy đủ và ngập tràn niềm vui. Đặc thù của người công nhân cao su là công việc gắn với cuộc sống nên nghiệp vui thì đời cũng vui.

Tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng trong những con người ấy luôn thắm tình đồng chí, đồng đội, tình bằng hữu. Quần áo họ có thể lấm lem bùn đất, nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Đó là nụ cười hạnh phúc khi biết tin gia đình xa cách vẫn khỏe mạnh. Đó là nụ cười sảng khoái khi cất cao tiếng hát giữa rừng xanh mênh mông. Rừng là nhà đấy chứ? Tràn nước mắt, ngập nhớ nhung nhưng cũng mừng vui trong tình cảm thân thương. Có nhiều khu dân cư hầu hết là công nhân cao su của nông trường, khi Tết đến mới cảm được cái tình của họ, mới thấy được hơi thở của ngành cao su đất nước.

Làng công nhân cao su luôn giữ trọn được niềm vui, luôn ngập tràn trong tình thân ái, trong lòng yêu nghề. Ở nơi đây, các anh chị công nhân lão luyện, có tay nghề giỏi không ngại ngần truyền nghề, truyền lửa cho lớp đàn em. Với những con người làm nghề cao su, không có ranh giới giữa tuổi tác, tôn giáo, dân tộc, chỉ còn đọng lại thứ tình cảm thuần khiết, ngày càng sâu đậm theo năm tháng và không bao giờ phai.

Và ngành cao su tiếp tục phát triển với nhiều thời cơ, vận hội mới nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức mới. Trong mỗi doanh nghiệp, mỗi con người ngành cao su, hẳn ai cũng có những khó khăn của riêng mình, nhưng tình cảm, sự gắn bó với cây cao su luôn trường tồn mãi với thời gian.

ĐINH THÀNH TRUNG

(Quận Tây Hồ – Tp. Hà Nội)