Noong Hẻo vững tin đón “vàng trắng”

CSVN –  Đến xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) những ngày này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng xen lẫn vui mừng trước sự đổi thay ở nơi đây. Những mảnh đất, vạt đồi bỏ hoang được thay thế bằng vườn cao su xanh tốt góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc miền Tây Bắc.
Công nhân NT Noong Hẻo kiểm tra độ sinh trưởng vườn cây sắp đưa vào khai thác
Công nhân NT Noong Hẻo kiểm tra độ sinh trưởng vườn cây sắp đưa vào khai thác
Phấn khởi, tin tưởng vào dự án

Năm 2008, khi tỉnh Lai Châu triển khai dự án trồng và phát triển cây sao su trên địa bàn, xã Noong Hẻo được Công ty CPCS Lai Châu tiến hành khảo sát, quy hoạch trồng và thành lập NT Noong Hẻo. Đến năm 2009 những cây cao su đầu tiên được “hạ thổ” tại mảnh đất này.

Anh Lò Văn Xương – Phó Chủ tịch UBND xã Noong Hẻo hồi tưởng: “Những ngày đầu khi triển khai trồng cao su trên địa bàn gặp vô vàn khó khăn khi người dân vẫn còn bỡ ngỡ và hoài nghi về giá trị kinh tế của loại cây trồng mới này. Một phần cũng do thời gian cây cao su cho thu hoạch phải mất ít nhất từ 6 – 8 năm, trong khi trồng lúa, ngô lại cho thu hoạch sớm hơn nên mọi người chưa tin và chưa ủng hộ.

Đứng trước những khó khăn đó, xã đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành và Công ty CPCS Lai Châu tuyên truyền tới người dân về chủ trương; chính sách hỗ trợ trồng, chăm sóc; giá trị mà cây cao su mang lại và vận động người dân tham gia góp đất để trồng cao su. “Mưa dầm thấm lâu”, bà con ai nấy đều tin tưởng, tình nguyện tham gia góp đất để trồng chăm sóc diện tích cao su trên địa bàn. Hy vọng vào tương lai không xa những dòng “vàng trắng” sẽ giúp họ thoát nghèo”.

Được biết, để người dân có thêm thu nhập và tin tưởng hơn về dự án, VRG đã ký kết với địa phương về phương án phân chia sản phẩm cao su; thực hiện phương án nhận đất đến đâu tiến hành chi trả tiền và thuê bà con phát dọn thực bì, giao khoán diện tích cho bà con.

Cuộc sống khá hơn nhờ cây cao su

Đang phát dọn thực bì, anh Lò Văn Đớng – CN Nông trường Noong Hẻo, quệt vội dòng mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt rám nắng, chia sẻ với chúng tôi: “Trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng và mấy nương ngô, chỉ đủ ăn chứ không dư giả gì. Từ khi có dự án trồng cao su trên địa bàn, tôi tình nguyện góp hơn 1 ha đất đồi để trồng cây cao su. May mắn hơn, năm 2010 tôi được công ty nhận vào làm công nhân, công việc được giao khoán, làm bằng nào được hưởng bằng đó. Trung bình mỗi tháng cũng có hơn 3 triệu đồng tiền lương, số tiền đó để nuôi con ăn học và sắm sửa đồ đạc trong gia đình. Thời điểm này, cây đã lớn nên công nhân chúng tôi chỉ chăm sóc, phát dọn thực bì trung bình 1 năm 2 đợt, thời gian còn lại vẫn có thể phụ giúp gia đình làm ruộng, nương để có thêm thu nhập”.

Đến nay, toàn xã có hơn 1.276 ha cây cao su (100% do người dân góp đất trồng) là xã có diện tích cao su lớn thứ 2 của huyện Sìn Hồ. Trung bình mỗi cây có vòng vanh đạt từ 40 – 60 cm, dự kiến đến cuối năm 2017, đầu năm 2018 những diện tích cao su trồng từ năm 2009 sẽ cho khai thác mủ. Người dân càng vững tin hơn vào loại cây trồng mới này khi đầu tháng 8/2016 hơn 71 ha cao su tại NT Lùng Thàng và Nậm Cuổi đã cho thu hoạch, với năng suất đạt 7 – 8 tạ mủ/ha, đem lại thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Hồng Thắng – TGĐ Công ty CPCS Lai Châu cho biết, dự án đã tạo việc làm và thu nhập ổn định, giúp đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Noong Hẻo dần đẩy lùi đói nghèo. Năm 2018, VRG sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sơ chế cao su tại xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ), từ đó nhiều lao động dân tộc thiểu số sẽ trở thành công nhân và mở ra chặng đường mới, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển .
Hy vọng và tin tưởng, những cánh rừng cao su xanh tốt sẽ đem lại dòng “vàng trắng”, giúp những nông dân nghèo đổi đời, giúp Noong Hẻo ngày càng khởi sắc.

Phương Ly