Chư Mom Ray – “đất lành” của người lao động

CSVN – Thấm thoát đã 10 năm. Đến nay, dòng nhựa trắng đã chảy trên vùng biên cương Chư Mom Ray, giúp bao con người chọn nơi đây làm mảnh đất lập thân, lập nghiệp từng bước thoát khỏi cuộc sống khó khăn.
Làng công nhân Cao su Chư Mom Ray
Làng công nhân Cao su Chư Mom Ray

Còn nhớ, trong lần đến thăm khu dân cư công nhân (CN) người dân tộc Thái, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về quá trình lập thân, lập nghiệp của những con người khi chưa là CN cao su.

Anh Lò Văn Ngũ – CN tổ 4, NT Mo Rai I chia sẻ: “Chúng em từ huyện Thanh Chương, Nghệ An vào đây  làm cao su, lúc đầu chưa biết gì về nó nên cũng vất vả. Ở ngoài quê miền núi chúng em khổ lắm, thậm chí còn thiếu ăn nhiều ngày, chỉ biết lên núi săn bắt thú rừng làm thức ăn, làm nương rẫy kiếm sống qua ngày”.

Tiếp lời anh Ngũ, CN Vi Thị Túc nói thêm: “Lúc trước ở ngoài quê, đi làm cả tháng không được 1 triệu đồng, bây giờ vào đây làm CN cao su tháng nào cũng có lương từ 3 – 4 triệu đồng, gia đình nào chịu khó cũng dư được một ít gửi về quê cho ông bà nuôi con giúp”.

Nhằm giữ chân CN và tạo dựng cuộc sống tốt hơn cho người lao động, ngay khi mới tuyển lao động vào làm CN trồng mới, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray đã xây dựng hàng chục căn nhà gỗ cấp cho các hộ gia đình. Riêng thanh niên được sắp xếp vào ở chung một căn nhà tập thể rộng rãi.

Nhà trẻ được xây dựng để con em công nhân có nơi học hành.
Nhà trẻ được xây dựng để con em công nhân có nơi học hành.

Thuở ban ban đầu tuy hết sức gian khổ. Trong 2 – 3 năm đầu tiên rất nhiều lao động vào vùng biên giới này tháng trước vào tháng sau bỏ về. Người chịu đựng được lâu hơn thì năm trước vào năm sau bỏ về. Nguyên nhân là nơi đây chưa có cơ sở vật chất phục vụ đời sống công nhân như nhà trẻ, trung tâm y tế, nước sạch, đường giao thông đi lại thì chưa có, điện thắp sáng cũng không, lương thực, thực phẩm thì thiếu thốn…

Do vậy, để công nhân yên tâm lao động sản xuất, công ty đã hỗ trợ một phần tiền từ nhiều nguồn quỹ khác nhau để xây dựng lán trại, nhà ở trong vùng dự án. Bằng sự quyết tâm cao để giữ chân lao động, lãnh đạo công ty đã tích cực làm việc với các ngân hàng trên địa bàn để tìm nguồn tài chính cho người lao động vay vốn, nhất là ngân hàng Chính sách Xã hội và Vietcombank. 2 ngân hàng này đã hỗ trợ hàng tỷ đồng để người lao động xây dựng nhà cửa, cải thiện đời sống. Cùng với đó, các đơn vị này đã hỗ trợ cho công ty hàng tỷ đồng để trang bị máy móc hiện đại cho trung tâm y tế, cung cấp vốn để xây dựng nhà trẻ, mở rộng giao thông, kéo điện lưới quốc gia…

Ông Huỳnh Ngọc Hưng – Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Hiện trên địa bàn công ty có rất nhiều mô hình kinh tế gia đình của người CN để cải thiện đời sống như trồng xen cà phê, chanh dây, bơ, mì (sắn) ở NT I hay trồng bí đỏ, tiêu, lạc (đậu phộng), bắp, khoai lang ở khe suối, hợp thủy tại NT II, hay trồng bắp, lúa ở NT III… Cuộc sống của những gia đình này hiện đang từng ngày khá lên, làm tấm gương cho nhiều CN khác trong công ty làm theo. Chúng tôi cũng có chủ trương sẵn sàng giúp đỡ và khuyến khích hộ gia đình nào tham gia làm kinh tế phụ, công ty sẽ tạo mọi điều kiện, để công nhân tăng gia sản xuất.

Bài, ảnh: Văn Vĩnh