CSVN – Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, ông Trần Thanh Phụng – Phó TGĐ VRG đã chia sẻ với Cao su Việt Nam về công tác tiêu thụ cao su của các đơn vị thành viên VRG trong năm 2023 và dự báo thị trường tiêu thụ cao su trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
– Năm 2023 là một năm vô cùng khó khăn đối với ngành cao su, ông nhận xét như thế nào về công tác tiêu thụ cao su của các đơn vị thành viên VRG trong năm vừa qua?
Ông Trần Thanh Phụng: Trước hết, hãy trở lại đánh giá về thị trường cao su năm 2023 của VRG vào thời điểm đầu năm. Thị trường cao su năm 2023 theo dự báo trước đó còn phụ thuộc vào diễn biến của các yếu tố phi cơ bản (lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế, đồng Dollar tăng giá và các chính sách vĩ mô khác). Yếu tố lạm phát trên thế giới hiện nay có vẻ như đang đạt đỉnh và thị trường đang hướng tới một hệ quả tiếp theo là nguy cơ suy thoái kinh tế được dự báo sẽ rơi vào năm 2023. Bên cạnh đó, tình hình diễn biến địa chính trị trên thế giới vẫn còn phức tạp nên diễn biến của các yếu tố phi cơ bản là không thể lường trước. Từ các phân tích trên, có thể thấy rằng thị trường cao su năm vừa qua vẫn còn chịu áp lực trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung không mấy tích cực. Tuy nhiên, đối với ngành cao su, các yếu tố cơ bản thuận lợi như nguồn cung đang trở nên cân bằng so với nhu cầu, giá dầu ở mức cao… sẽ hỗ trợ cho thị trường cao su. Thị trường cao su có cơ hội phục hồi khi các yếu tố phi cơ bản chuyển biến tốt hơn. Nếu xét riêng các yếu tố cơ bản, thị trường cao su sẽ có cơ hội bước sang thập niên của chu kỳ phục hồi sau chu kỳ suy giảm vừa qua.
Thực tế diễn biến thị trường cao su năm 2023 cho thấy, bất chấp mối lo ngại về nguồn cung cao su ngày càng giảm, thấp hơn nhu cầu; giá dầu vẫn ở mức cao, giá cao su bình quân cả năm 2023 tiếp tục giảm thấp hơn đáng kể so với năm 2022, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8/2023. Nguyên nhân chính đúng như đánh giá từ đầu năm của VRG. Các yếu tố phi cơ bản tiếp tục diễn biến phức tạp và tiêu cực hơn mức dự báo do các căng thẳng địa chính trị diễn ra trong năm gây ra. Để đánh giá về công tác tiêu thụ của các đơn vị thành viên của VRG năm 2023, trước hết xin nhắc lại quan điểm của lãnh đạo Tập đoàn về công tác tiêu thụ ngay từ đầu năm 2023. Ở đây xin nhấn mạnh thêm một khía cạnh góp phần quan trọng trong vấn đề nâng cao khả năng thích nghi với các biến động của thị trường, đó là khả năng tiếp nhận thông tin phân tích, dự báo. Thông tin phân tích cần phải được cập nhật thường xuyên và điều chỉnh dự báo trên mối quan hệ logic khi các biến số khác xuất hiện. Điều đó sẽ gúp cho lãnh đạo các đơn vị chủ động các chính sách thích nghi một cách kịp thời, không bị động, bất ngờ khi thị trường thay đổi.
Từ quan điểm này, công tác phân tích, dự báo thị trường năm 2023 đã được nhấn mạnh, tập trung sâu để điều chỉnh giá sàn linh hoạt, phù hợp nhất với thị trường và xu hướng thị trường từng thời điểm. Bên cạnh đó, cũng như đánh giá của lãnh đạo Tập đoàn hồi năm ngoái, hầu hết các đơn vị thành viên của VRG trong quá trình SXKD đã từng trải qua các giai đoạn thăng trầm của thị trường cao su nên hầu hết cũng tích lũy những bài học kinh nghiệm nên biết cần phải làm gì để tồn tại và phát triển một cách bền vững. Nhờ đó, năm 2023 toàn Tập đoàn đã tiêu thụ hơn 520.000 tấn (vượt 2% KH). Điều đặc biệt là mức tồn kho thường xuyên của Tập đoàn luôn duy trì ở mức ổn định và hợp lý trong cả năm thấp hơn mức trung bình so với nhiều năm trước đó, mặc dù giá cao su liên tục giảm sâu từ tháng 3 đến tháng 8/2023. Xét theo khía cạnh số lượng tiêu thụ và duy trì mức tồn kho năm 2023 trong bối cảnh thị trường suy giảm, nhu cầu yếu thì công tác tiêu thụ năm vừa qua của Tập đoàn được xem như đã thành công trong việc ứng phó phù hợp với diễn biến của thị trường. Tuy nhiên, do giai đoạn 9 tháng đầu năm giá bán mủ cao su thiên nhiên liên tục giảm mạnh đã làm cho giá bán bình quân toàn Tập đoàn chỉ đạt 30,5 triệu đồng/tấn, giảm 5,8 triệu đồng/tấn (tương ứng 15,9%) so với giá bán năm 2022.
– Ông dự báo như thế nào về thị trường tiêu thụ cao su năm 2024 và những năm tiếp theo?
Ông Trần Thanh Phụng: Xét trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới hiện nay chắc chắn sẽ còn tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 và suy thoái kinh tế ở các nước phát triển, thị trường hàng hóa nói chung và cao su nói riêng trong năm 2024 sẽ không mấy tích cực và không nhiều triển vọng. Theo dự báo của S&P Global Market Intelligence, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ ở mức 2,3% (thấp hơn mức ước tính 2,7% của năm 2023). Trong khi đó, con số Công ty Fitch Ratings đưa ra là 2,1% trong năm 2024 so với mức dự báo đã được điều chỉnh 2,9% của năm 2023. Theo Fitch Ratings, kinh tế Hoa Kỳ giai đoạn tới dự kiến sẽ chậm lại như những gì đã thấy ở nhiều khu vực khác, bao gồm cả Châu Âu, với hầu hết các nước ở khu vực Tây Âu đã rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, các chuyên gia tại Fitch Ratings kỳ vọng khu vực đồng tiền chung Châu Âu sẽ “phục hồi nhẹ” trong năm 2024. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho toàn cầu trong năm 2024 và sẽ có những khác biệt quan trọng trong khu vực này, nhất là tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc.
Xét ở khía cạnh các yếu tố cơ bản, theo các báo cáo của các chuyên gia có uy tín trên thế giới, sản lượng khai thác năm 2024 dự kiến đạt 14,941 triệu tấn, tăng 600.000 tấn (tương đương 4,2%) so với năm 2023. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ năm 2024 dự kiến đạt 15,528 triệu tấn, tăng 608.000 tấn (tương đương 4,1%) so với năm 2023. Như vậy, dự báo trong năm 2024 nhu cầu cao su thiên nhiên vẫn tiếp tục cao hơn so với khả năng khai thác. Bên cạnh đó, giá dầu được dự báo sẽ giữ mức cao cũng là yếu tố cơ bản hỗ trợ cho giá cao su. Trong ngắn hạn, giá thị trường cao su trong quý I và quý II năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi hơn so với mức hiện nay do nguồn cung thấp. Sau đó, thị trường sẽ phụ thuộc vào các biến động phức tạp không thể lường trước.
Những diễn biến của thị trường cao su từ năm 2022 đến nay cho thấy, thị trường cao su đang chịu tác động chủ yếu bởi các yếu tố phi cơ bản như đã nói ở trên. Xét về yếu tố cơ bản, nếu các yếu tố phi cơ bản giảm mức tác động tiêu cực, thị trường sẽ bắt đầu một chu kỳ phục hồi do yếu tố cơ bản cung cầu đang cân bằng và dự báo thiếu hụt nguồn cung trong những năm tới, giá dầu vẫn duy trì ở mức cao trong nhiều năm tới, nhu cầu tăng trưởng mạnh ở nhiều quốc gia… sẽ là triển vọng chính cho ngành cao su trong những năm tới miễn là các căng thẳng địa chính trị thế giới không lan rộng và được xử lý để tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu.
– Thời gian tới, ngành cao su tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, các đơn vị thành viên VRG phải chuẩn bị gì để ổn định thị trường tiêu thụ cao su năm 2024, thưa ông?
Ông Trần Thanh Phụng: Đối với công tác tiêu thụ năm 2024, xét trong bối cảnh như đã phân tích ở trên, lãnh đạo Tập đoàn vẫn tiếp tục chủ trương như năm 2023. Nhấn mạnh một khía cạnh góp phần quan trọng trong vấn đề nâng cao khả năng thích nghi với các biến động của thị trường, đó là khả năng tiếp nhận thông tin phân tích, dự báo.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu trong tình hình thế giới hiện nay, chi phí xuất khẩu ngày càng tăng do cước phí vận chuyển và bảo hiểm đều tăng mạnh, nhu cầu cao su ở các quốc gia phát triển giảm… tình trạng thiếu container vẫn còn tiếp diễn, tiêu thụ cao su của Tập đoàn bên cạnh việc duy trì các khách hàng truyền thống cần tăng cường tiêu thụ cao su trong nước bao gồm các nhà máy săm lốp trong nước như Casumina, VN Tirte, Cao su Đà Nẵng… Các nhà máy săm lốp nước ngoài đã đầu tư ở Việt Nam như: Kumho, Chengsin, Sailun, Yingyu và sắp tới là nhà máy săm lốp Haohoa.
Tất nhiên, những yếu tố khác đã và đang thực hiện trong toàn Tập đoàn vẫn là nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững như: công tác quản lý chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất, giảm giá thành… cần phải được duy trì. Thời gian tới, VRG tiếp tục tiên phong trong chiến lược phát triển bền vững từ các chương trình mở rộng diện tích có chứng nhận PEFC, tiếp tục tái chứng nhận FSC, tham gia vào thị trường Cacbon…
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
TUỆ LINH (thực hiện)
Related posts:
- Linh hoạt giải pháp để khắc phục khó khăn
- Nông trường An Lộc "lội ngược dòng" ngoạn mục
- Người thợ giỏi và khát khao chiến thắng
- Quyết tâm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống ngành
- Ngành gỗ thắng Covid
- "Đồng vợ, đồng chồng" giành "vàng"
- Xây dựng cơ chế thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới
- Lãi suất tiền gửi bất ngờ tăng trở lại
- VRG đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nghề tại Bình Dương
- Công ty Dầu Tiếng xuất khẩu gần 25.350 tấn mủ