CSVN – Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, Cao su Việt Nam đã có buổi trò chuyện với ông Lê Thanh Hưng – Phó Bí thư Đảng ủy, TGĐ VRG về định hướng xây dựng và giải pháp thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư năm 2024 của Tập đoàn đảm bảo khắc phục khó khăn, khai thác tối đa các nguồn lực và phù hợp với thực tiễn.
– Thưa ông, xin ông cho biết những kết quả nổi bật của VRG trong một năm đầy khó khăn, thách thức vừa qua?
Ông Lê Thanh Hưng: Như chúng ta đã biết, năm 2023 kinh tế toàn cầu vẫn chịu nhiều tác động bởi nhiều yếu tố như xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina, cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, lạm phát và suy thoái ở một số khu vực… đã tác động tới nền kinh tế của Việt Nam và hoạt động của Tập đoàn. Đặc biệt giá bán mủ cao su vẫn duy trì ở mức thấp và giá bán gỗ giảm mạnh… đã ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của ngành.
Trước các yếu tố cản trở khách quan, bất khả kháng trên, Tập đoàn đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, có hiệu quả (tăng sản lượng khai thác, tiêu thụ để lấy khối lượng bù giá bán; tuyệt đối tiết kiệm chi phí ở tất cả các công đoạn sản xuất và quản lý…) nhằm đạt được kết quả cao nhất nhiệm vụ được giao về các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận; hoạt động SXKD có lãi, bảo toàn và phát triển vốn theo quy định, có đủ nguồn để chia cổ tức cho các cổ đông với tỷ lệ 3%/vốn điều lệ, tương đương 1.200 tỷ đồng.
Kết quả ước thực hiện SXKD năm 2023 của VRG, cụ thể: sản lượng cao su khai thác ước đạt 445.000 tấn (vượt 4,7% KH), tăng 3,5% (tương ứng 15.400 tấn) so với cùng kỳ năm trước; tiêu thụ 520.290 tấn cao su các loại (vượt 2,4% KH), tăng 3,8% (hay 18.968 tấn) so với cùng kỳ năm 2022. Về chỉ tiêu tài chính, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 24.485 tỷ đồng (vượt 1% KH); lợi nhuận trước thuế 4.015 tỷ đồng (vượt 1,4% KH); lợi nhuận sau thuế 1.405 tỷ đồng (vượt 0,7% KH), nộp ngân sách 1.380 tỷ đồng (vượt 0,7% KH). Duy trì việc làm ổn định hơn 83.000 lao động, trong đó lao động là người dân tộc thiểu số trên 21.000 người, lao động là người nước ngoài (Lào, Campuchia) trên 23.000 người, với thu nhập bình quân 8,24 triệu đồng/người/ tháng. Các chế độ, chính sách của NLĐ được thực hiện đảm bảo và kịp thời.
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, VRG luôn chú trọng quan tâm chăm lo đời sống NLĐ ở khắp các vùng miền trải dài cả nước, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Tập đoàn làm tốt công tác an ninh quốc phòng, an sinh xã hội trong và ngoài nước.
– VRG cần những giải pháp đột phá gì để hoàn thành kế hoạch năm 2024, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hưng: Dự báo môi trường kinh doanh năm 2024 của Tập đoàn tiếp tục có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn. Giá bán mủ cao su vẫn ở mức thấp và khó dự đoán; gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế của các nước lớn nên nhu cầu, giá bán có xu thế tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn; khối công nghiệp cao su hoạt động khó khăn, trước mắt vẫn chưa khắc phục được các vấn đề tồn tại được tích tụ trong nhiều năm; thủy điện và khu công nghiệp (KCN) hoạt động thuận lợi nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc; giải pháp gia tăng nguồn thu khác để bù đắp cho hoạt động SXKD (thoái vốn, trả đất về địa phương) dự báo còn nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Tiếp tục thực hiện các dự án tái canh với quy mô dự án nhỏ; mặc dù đã tích cực nghiên cứu nhưng chưa tìm được cơ hội đầu tư phù hợp trong lĩnh vực công nghiệp cao su, chế biến gỗ… do thị trường khó khăn, đầu tư không hiệu quả; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ bởi nhiều chính sách của Nhà nước, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng nhiều rủi ro (thị trường, kỹ thuật canh tác, sâu bệnh hại,…) nên cần xem xét theo hướng thận trọng. Giá bán mủ cao su duy trì ở mức thấp trong khi yêu cầu phải có tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước…
Với những khó khăn khách quan và nội tại nêu trên, KH 2024 của Tập đoàn được xây dựng theo hướng thận trọng với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất là 24.999 tỷ đồng (tăng 2,1% so với năm 2023), lợi nhuận trước thuế 4.104 tỷ đồng (tăng 2,2 % so với năm 2023), lợi nhuận sau thuế 3.437 tỷ đồng (tăng 0,9 % so với năm 2023). Về chỉ tiêu SXKD riêng của Công ty mẹ – Tập đoàn doanh thu đạt 3.988 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế/sau thuế 1.454 tỷ đồng, chia cổ tức 3%/vốn điều lệ. KH năm 2024 của Tập đoàn chưa đảm bảo tăng trưởng từ 6 – 6,5% (tương ứng mức tăng trưởng GDP theo Nghị quyết của Quốc hội ban hành ngày 09/11/2023). Tuy nhiên, với tỷ trọng lớn trong hoạt động SXKD của Tập đoàn là sản phẩm nông nghiệp nên mức tăng trưởng của Tập đoàn trên 3% đạt yêu cầu theo văn bản số 3924/BNN – KH ngày 16/6/2023 của Bộ NN&PTNT về việc xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2024.
Để thực hiện tốt KH 2024, ngoài các giải pháp chỉ đạo, điều hành có hiệu quả trong thời gian qua, Tập đoàn cần những giải pháp mang tính đột phá lớn như sau:
Thứ nhất, thực hiện đúng chỉ đạo của Ủy ban và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên về KH SXKD và đầu tư phát triển năm 2024. Nội dung triển khai công tác KH sẽ được quán triệt, thực hiện đồng bộ, toàn diện từ Công ty mẹ – Tập đoàn đến các đơn vị thành viên nhằm đạt được mục tiêu cao nhất KH được giao.
Thứ hai, nghiêm túc, khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban về Đề án cơ cấu lại Tập đoàn đến năm 2025; chiến lược phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2035; kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển giai đoạn 2021 – 2025 của Tập đoàn.
Thứ ba, tại các đơn vị thành viên tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, giải ngân đối với các dự án trọng điểm: KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II, KCN Nam Pleiku để tạo nguồn thu, lợi nhuận nhằm hỗ trợ cho các ngành hàng khác đang trong giai đoạn khó khăn và suy thoái, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng chung của toàn Tập đoàn trước mắt và lâu dài. Tập trung thực hiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư các KCN Rạch Bắp mở rộng, KCN Minh Hưng III giai đoạn II, KCN Nam Đồng Phú giai đoạn II, KCN Bắc Đồng Phú giai đoạn II, KCN Hiệp Thạnh. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các dự án mới, tiềm năng trong quy hoạch phát triển KCN/ CCN trên đất cao su để thực hiện đầu tư trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Thứ tư, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và có hiệu quả để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu sản xuất – tiêu thụ, đặc biệt kế hoạch khai thác – tiêu thụ mủ cao su tăng tối thiểu từ 4 – 5%; và đây cũng là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu rủi ro trong trường hợp giá bán giảm, không đạt như giá bán KH.
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
MINH TRÍ (thực hiện)
Related posts:
- Cao su Chư Sê chú trọng phát triển Đảng trong công nhân
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Công ty TNHH Cao su Việt-Lào
- Cao su Phước Hòa trao nhà tình nghĩa cho cán bộ chiến sĩ
- Miền Trung ra quân trồng mới cao su đầu năm
- Chỉ có đẩy mạnh cổ phần hóa mới tháo gỡ được nhiều khó khăn
- MDF VRG - Kiên Giang dự kiến ra sản phẩm đầu tiên vào cuối tháng 12/2015
- Khởi động chuỗi Triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành Sơn, Giấy, Cao su, Nhựa
- Lịch sử hào hùng và mục tiêu lớn lao
- Cao su Chư Păh phấn đấu khai thác vượt 7% kế hoạch sản lượng
- Ông Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệ...