Kinh tế gia đình – chìa khóa nâng cao đời sống

CSVN – Nông sản mất mùa, mất giá, giá mủ cao su thấp nhiều năm…là những khó khăn mà lao động ở các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên phải đối mặt, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước hoàn cảnh đó, phát triển kinh tế gia đình chính là chìa khóa để người lao động nâng cao đời sống.

Lãnh đạo Cao su Chư Prông và Nông trường Hòa Bình đến tham quan mô hình “3 trong 1” của anh Rlan Kim
Từ cải thiện đời sống đến làm giàu

Sau khi được Hội phụ nữ xã Ya Chim, các tổ chức đoàn thể NT Ya Chim, Cao su Kon Tum tư vấn, tuyên truyền vận động, chị Y Thảo một công nhân người Jarai quyết định đến ngân hàng chính sách của xã để vay 50 triệu đồng mua 2 con bò giống. Để hiểu rõ hơn, chúng tôi tìm đến nhà Y Thảo đúng lúc chị đi cạo về. Chưa kịp mở cửa nhà, thay y phục, Y Thảo đã vội lấy rơm cho bò ăn. Trong khi cho bò ăn, Y Thảo chia sẻ với chúng tôi: “Tiền lương làm công nhân chỉ đủ chi tiêu cho gia đình, những con bò này là tài sản quý để mình trả nợ ngân hàng, dành dụm lo cho con đi học, sửa nhà và mua sắm thêm đồ dùng, cải thiện đời sống”.

Đến nay, sau 3 năm gia đình Y Thảo đã có được đàn bò với 6 con, đủ điều kiện để trả nợ ngân hàng khi đến hạn 5 năm và có thể tích lũy cho kế hoạch lâu dài như làm nhà mới, cho con đi học và mua sắm các vật dụng sinh hoạt hiện đại phục vụ cho cuộc sống gia đình.

Không chỉ mô hình chăn nuôi mang lại nguồn lợi kinh tế cho NLĐ đồng bào dân tộc thiểu số, mà mô hình trồng ghép cà phê kết hợp với chanh leo, xen hồ tiêu cũng có thể giúp NLĐ làm giàu. Điển hình là mô hình của anh Rlan Kim ở NT Hòa Bình, Cao su Chư Prông. 25 năm làm bảo vệ vườn cây, anh Kim đã tích lũy khá nhiều kinh nghiệm không chỉ trong công việc mà còn cả cách làm kinh tế gia đình khi học hỏi được từ những cán bộ lãnh đạo, công nhân ở NT. Giờ đây, nhiều người vẫn nói vui rằng Rlan Kim là người giàu nhất làng Mút Thong ở xã Ia Băng.

Thăm vườn cà phê xen chanh leo, hồ tiêu của anh Kim, ai cũng phải mê mẩn với cây cà phê trĩu quả, bên trên là những dây chanh leo chằng chịt quả. Đưa tay kiểm tra vài quả chanh leo trên cây cà phê khoe với chúng tôi, anh Kim cho hay: “Đây là năm thứ 3 gia đình mình thu hoạch chanh leo, năm đầu giá chanh leo cao nhà mình lời nhiều, mình vui lắm, nhưng năm nay giá thấp, tuy vậy vẫn còn nguồn thu khác từ cà phê, tiêu để cải thiện cuộc sống cho cả gia đình”.

Nhà anh Kim có tổng cộng 4 ha đất, trong đó anh dành 3 ha để trồng cao su, hiện đang thu hoạch năm thứ 7, số đất còn lại anh trồng cà phê, quanh bờ rào anh trồng hồ tiêu, gần 1.000 gốc cà phê anh trồng chanh leo. Vì thế, gia đình anh quanh năm có nguồn thu. Ngoài tiền lương, thu nhập từ việc làm kinh tế gia đình, mỗi năm anh Kim có thể thu khoảng 300 – 400 triệu đồng, gần như là một tỷ phú ở làng Mút Thong.

Vài năm trở lại đây, đời sống NLĐ ở các công ty trên địa bàn Tây Nguyên khá phát triển với các mô hình kinh tế gia đình như trồng cây ăn quả trong cùng một diện tích hay nuôi gia súc, gia cầm thả vườn… Trường hợp của Y Thảo hay anh Rlan Kim không phải là hiếm, nhưng là những nhân tố điển hình trong việc phát triển kinh tế gia đình nhằm cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Khách hàng đến vườn ươm của anh Bình tìm hiểu, lựa mua cây giống
Thêm động lực để gắn bó với vườn cây cao su

Trong bối cảnh giá mủ giảm, duy trì mức thấp nhiều năm liền, mô hình vừa làm cao su, vừa trồng thêm cây trồng khác hay chăn nuôi… đã góp phần giúp công nhân cải thiện kinh tế. Đến Đội Dliê Yang, Cao su Ea H’leo một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp được lãnh đạo cơ sở chia sẻ về những đổi mới trong đời sống NLĐ thời gian qua. Ông Trịnh Đình Hùng – Đội trưởng Đội Dliê Yang cho biết, những năm gần đây, khi giá mủ cao su thấp, nhiều công nhân trong đội phải tìm giải pháp để tăng thêm thu nhập ngoài cạo mủ. Hầu hết công nhân đều chọn phát triển kinh tế gia đình, canh tác thêm các loại cây trồng khác hoặc chăn nuôi. Đưa chúng tôi đến vườn ươm cây sầu riêng giống Thái của anh Bàn Tuấn Bình – Tổ trưởng Tổ 2, ông Hùng cho biết: “Bình là một công nhân người đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu, áp dụng hiệu quả mô hình kinh tế gia đình tại đơn vị”.

Anh Bàn Tuấn Bình là người dân tộc Dao, năm 2012 anh vào làm công nhân chăm sóc tại Tổ 2. Sáu năm sau, nam công nhân lên làm tổ trưởng. Trao đổi với chúng tôi, anh Bình cho biết: “Giai đoạn năm 2014 – 2015, ngành cao su gặp khó, giá mủ liên tục giảm, ảnh hưởng đến thu nhập công nhân. Thời điểm đó, nhiều lần tôi trăn trở muốn từ bỏ công việc. Thế rồi, nhận sự động viên, hỗ trợ kịp thời từ lãnh đạo đơn vị, tôi đã nỗ lực để phát triển kinh tế gia đình với việc mở một vườn ươm cây sầu riêng giống Thái”.

Giữa năm 2015, anh Bình thuê đất, mua giống, bắt đầu thử nghiệm mô hình ươm, cung cấp sầu riêng giống. Từ một vườn ươm diện tích khoảng 2.000 m², sau 5 năm, anh Bình tăng cây giống, mở rộng thêm vườn thứ hai, cách đó 2 km. Mỗi vườn hiện có khoảng 6.000 gốc sầu riêng. Giá mỗi gốc đang dao động từ 45.000 – 60.000 đồng. Năm nay, trừ đi chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vườn ươm của anh cũng mang về lợi nhuận từ 150 – 200 triệu đồng.

Nói về lý do chọn sầu riêng để thực hiện mô hình kinh tế gia đình, anh Bình cho rằng giống cây này mang nhiều triển vọng. Theo anh, giống sầu riêng Thái dễ trồng, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu vùng Tây Nguyên. Cây phát triển khỏe cho năng suất cao, trái to, thơm, cơm dày, hợp thị hiếu của khách hàng hiện nay. Hơn nữa, những năm gần đây, người dân có xu hướng tăng diện tích trồng cây ăn quả nên rất nhiều khách hàng đến tìm hiểu, mua giống sầu riêng về trồng.

Vì vậy, việc ươm giống sầu riêng bán có thể đón đầu xu thế. Bạn hàng chủ yếu là người dân trong xã, huyện, ngoài ra cũng còn có nhiều đồng nghiệp trong đơn vị. Đa số khách hàng mua lẻ, mỗi đơn hàng tầm 20 – 30 cây. “Cũng nhờ có vườn sầu riêng giống này, chi tiêu hàng ngày được san sẻ rất nhiều, kinh tế gia đình ngày một ổn định hơn, nhà cửa hiện tại cũng đã khang trang. Dự kiến, sắp tới bán thêm vài đợt là gia đình chúng tôi năm nay ăn Tết khá”, anh Bình tâm sự. Ngoài ươm sầu riêng, anh Bình còn trồng thêm khoảng một ha cà phê, mỗi năm thu hoạch khoảng 3 – 5 tấn nhân. Theo thời giá hiện nay, vườn cà phê của anh sẽ thu về cho gia đình khoảng 150 – 200 triệu đồng.

Những năm gần đây, mô hình phát triển kinh tế gia đình được đông đảo NLĐ ngành cao su khu vực Tây Nguyên hưởng ứng và mang lại hiệu quả tích cực. Lợi nhuận từ vài trăm cây cà phê, điều, sầu riêng hay heo, gà… đã phần nào chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, từ đó giúp công nhân ổn định, an tâm gắn bó với vườn cây cao su.

VĂN VĨNH – HOÀNG KHẢI