CSVN – Ông Nguyễn Ngọc Son – nguyên Trưởng Phòng Kỹ thuật Tổng Công ty (TCT) Cao su VN, tuy đã nghỉ hưu 18 năm, nhưng luôn theo dõi Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ cao su do Tập đoàn tổ chức. Theo ông, công tác tổ chức, khen thưởng cũng như quy mô Hội thi những năm gần đây lớn mạnh, nâng cao hơn rất nhiều so với trước.
Ông chia sẻ :”Tôi vui mừng khi thấy Hội thi của ngành ngày càng phát triển. Và nhất là 2 năm gần đây Hội thi được nâng lên tầm quốc gia, thu hút đông đảo thợ giỏi ở các nơi, thuộc các thành phần khác nhau tham dự. Về công tác tổ chức, quy mô Hội thi, công tác khen thưởng, thì hiện đại và lớn mạnh hơn rất nhiều so với trước đây”.
Với cương vị Trưởng phòng kỹ thuật, khi còn công tác, ông tham gia tổ chức rất nhiều Hội thi thợ giỏi của ngành. Theo ông, thời trước cao su còn khó khăn, quy mô Hội thi không lớn nhưng mỗi lần Hội thi diễn ra cũng rất vui tươi, phấn khởi, thật sự là ngày hội của CN cạo mủ. “CN cao su có truyền thống rất đáng quý, đó là luyện tay nghề, thi thợ giỏi. Qua hàng chục năm, thi thợ giỏi trở thành nét đẹp truyền thống của ngành. CN nào được đơn vị chọn đi thi cấp ngành đều thấy vinh dự và tự hào về nghề nghiệp mình làm” ông Son đánh giá.
Thời nào cũng vậy, yếu tố đảm bảo quy trình kỹ thuật, mỗi người thợ giỏi phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, tùy từng giai đoạn, có sự khác biệt về yếu tố kỹ thuật, tỷ lệ hao dăm, chế độ cạo… “Trước đây, chu kỳ kinh tế cây cao su kéo dài từ 25 đến 30 năm, còn bây giờ khoảng trên 20 năm nên vấn đề hao dăm, độ sâu miệng cạo, quy hoạch bảng cạo có khác nhau”, ông Son nói
Theo ông Son, đặc trưng nghề nghiệp của người thợ thu hoạch mủ cao su là yếu khâu nào luyện khâu đó: “Anh yếu trong kỹ thuật cạo thì luyện cách cạo, yếu tốc độ thì cố gắng làm nhanh hơn. Nếu thấy mình hạn chế khâu nào, cố gắng khắc phục chỗ đó. Mỗi CNcó thể học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp, cán bộ kỹ thuật hay rút kinh nghiệm qua các Hội thi. Mỗi nhát dao, từng đường cạo được tính bằng đơn vị milimét. Để có tay nghề giỏi, mỗi CNphải thường xuyên rèn luyện, trao dồi nghề nghiệp”, ông Son khuyên.
Ông Son nhắn nhủ: “Mỗi cuộc thi đều phải có người chiến thắng và chưa thắng. Đối với đội không đạt giải, các cấp lãnh đạo cần quan tâm, động viên để họ cố gắng. Còn phía đơn vị tham gia dự thi, phải động viên tinh thần thí sinh và tham gia Hội thi trọn vẹn. Các đội không nên đặt nặng chuyện thắng – thua, nếu đội bạn giỏi hơn, mình phải học hỏi, thế mới tiến bộ. Là ngày hội, hãy để mỗi người thợ giỏi được hưởng trọn vẹn không khí vui tươi trong ngày tôn vinh nghề nghiệp đầy ý nghĩa”.
“Trong lúc giá cao su giảm, ngành gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Tập đoàn vẫn duy trì tổ chức Hội thi có quy mô lớn, điều này có ý nghĩa động viên CNLĐ rất nhiều. Riêng bản thân tôi, mong muốn Hội thi toàn ngành sẽ mãi được duy trì và ngày càng phát triển hơn nữa”, ông Son bày tỏ.
Bài, ảnh: Phan Thắng
Related posts:
- Nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả tổng hợp
- Kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng (kỳ 2)
- Cao su Chư Prông đảm bảo cây giống chất lượng cho vụ trồng mới
- Cao su Lộc Ninh góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới
- Hiệu quả của công tác phun phòng trị bệnh phấn trắng
- Đánh giá hiệu quả chuyển đổi nhịp cạo D3 sang D4
- Xí nghiệp Chế biến K’Dang cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất
- Mô hình trồng xen cây họ đậu (*)
- Quy trình sản xuất mủ tờ của công ty cao su Lộc Ninh
- Xử lý nước thải không dùng hóa chất