Hiệu quả của công tác phun phòng trị bệnh phấn trắng

phấn trắngĐể đánh giá lại tính hiệu quả trong công tác phòng trị bệnh phấn trắng, ngày 29/5, tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, VRG đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phun phòng bệnh phấn trắng (PPPT) năm 2014 khu vực Tây Nguyên – Duyên hải miền Trung và tại Lào.

Những năm qua dưới áp lực tăng trưởng của vườn cây, công tác nông nghiệp được quan tâm đặc biệt, nhất là đối với dịch bệnh phấn trắng vào những ngày đầu vụ. Dưới sự chỉ đạo của VRG, các đơn vị thành viên đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng chống bệnh nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của bệnh đến kế hoạch khai thác.

Mở đầu hội nghị, ông Lê Minh Châu – Phó TGĐ VRG đã khẳng định: “Nhìn những tán lá không đốm trắng, phát triển xanh tươi như thế này chúng ta phần nào khẳng định được rằng bệnh phấn trắng đã được đẩy lùi một cách có hiệu quả, đây là minh chứng và cũng là thực nghiệm giúp chúng ta tin tưởng hơn trong việc phun phòng trị bệnh”.

Hội nghị lần này thật sự là một trải nghiệm quan trọng cho những người làm công tác nông nghiệp, bởi qua đây những nhà lãnh đạo, cán bộ quản lý kỹ thuật thực sự đã được chia sẻ, học tập những đơn vị đi trước, có nhiều kinh nghiệm trong công tác PPPT.

Tại hội nghị, nhiều đơn vị đã lần lượt trình bày tham luận về công tác PPPT của đơn vị mình. Với kinh nghiệm nhiều năm Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã có một bài tham luận hết sức ấn tượng, cộng với sự chuẩn bị kỹ càng về nội dung và hình thức, đặc biệt là sự phân tích trong quá trình thực hiện, có sự so sánh qua nhiều năm đã tạo được sự chú ý của nhiều đại biểu. Theo báo cáo của Công ty Kon Tum, qua theo dõi trong việc phun thuốc năm 2012 diện tích phun có năng suất bình quân và năng suất cá thể cao hơn so với các lô đối chứng lần lượt là 82 kg/ha và 0,12 kg/cây. Năm 2013 sản lượng tăng ngay từ những tháng đầu mùa cạo, tháng 5/2013 đạt 7,13% kế hoạch, tháng 6 đạt 12,14% kế hoạch, cao hơn mức bình quân những năm trước lần lượt 2% và 4%. Đến 31/5/2014 toàn công ty đã khai thác được 17,56% kế hoạch và hoàn toàn có thể thực hiện mục tiêu khai thác vượt 15.000 tấn mà công ty đã đề ra từ đầu năm.

Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, ông Bùi Duy Đốc cho biết: “Nếu phân tích cụ thể như Công ty Kon Tum thì tôi cho rằng mỗi ha chi phí một lần phun trung bình khoảng 500 ngàn, trong năm phun 3 đợt tốn khoảng 1,5 triệu đồng/ha nhưng sản lượng lại tăng 1,5 tạ. Với giá bán 30 triệu đồng/tấn thì 1,5 tạ bán được 4,5 triệu đồng, trong khi chi phí phun thuốc là 1,5 triệu đồng. Như vậy, rõ ràng là hiệu quả gấp 3 lần.

Đối với công ty chúng tôi, năm 2013 diện tích phun chỉ trên 2.000 ha, nhưng sang 2014 con số này đã tăng lên 3.900 ha. Tính về hiệu quả tháng 4/2013 công ty chỉ khai thác được 90 tấn, tháng 4/2014 công ty đã khai thác được 243 tấn. Còn tháng 5/2013 chúng tôi khai thác được 470 tấn thì trong tháng 5/2014 toàn công ty đã khai thác được gần 650 tấn, đây rõ ràng là có sự khác biệt trong việc PPPT”.

Nói thêm về kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng, ông Lê Khả Liễm, TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum chia sẻ, “Thời điểm phun cực kỳ quan trọng, chúng tôi phun khi vườn cây ra lá hơn 10% và thực hiện phun từ 16 giờ ngày hôm trước đến 9 giờ sáng hôm sau, việc phun thuốc đạt hiệu quả tốt nhất là đúng thời điểm, tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong BVTV là “đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng”. Đồng thời, phải chủ động tạo ra đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, dồi dào để có thể đảm bảo sự thay thế khi cần thiết thì mới có thể thực hiện công việc một cách liên tục”.

Tuy nhiên với điều kiện thời tiết bất ổn và khắc nghiệt như ở Tây Nguyên thì mỗi đơn vị đạt những hiệu quả khác nhau, có công ty chỉ phun 1-2 đợt đã thấy bệnh giảm rõ rệt nhưng có công ty phun đến 3 – 4 đợt, đặc biệt Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh phun đến 5 đợt mới thấy bệnh có tiến triển tốt.

Bên cạnh việc chi phí, một trong những vấn đề quan trọng được đề cập nhiều chính là năng lực quản lý. Lãnh đạo VRG cho rằng các đơn vị cần phát huy hơn nữa năng lực quản lý, quản lý tốt không chỉ phát huy được hiệu quả cao nhất trong phòng và trị bệnh mà còn theo dõi sát sao cũng như giảm được những chi phí đáng kể.

Văn Vĩnh – Kim Sơn

NĂM THÀNH CÔNG TRONG VIỆC PHUN PHÒNG PHẤN TRẮNG TẠI TÂY NGUYÊN

Từ đầu năm đến nay, tổng diện tích đã phun là 35.465 ha, hầu hết đều phun 3-4 lần, riêng Công ty Chư Păh phun 5-6 lần. Kết quả trên thực tế cho thấy những vườn có phun bộ lá xanh ổn định đưa vào cạo sớm 20 ngày so với năm trước, sản lượng thu hoạch vượt gần 8% so với cùng kỳ. Ban Quản lý Kỹ thuật (QLKT) cũng đã khẳng định hiệu quả kinh tế kỹ thuật của biện pháp thông qua các thông số định tính và định lượng bước đầu.

Tại hội nghị, ông Lê Minh Châu – Phó TGĐ VRG kết luận: Biểu dương Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum – đơn vị đăng cai đã phối hợp tốt với Ban QLKT VRG tổ chức tốt buổi Hội thảo đầu bờ và Hội nghị tổng kết lần này. Từ kết quả hội thảo, công tác PPPT năm 2014 thu được kết quả nhiều mặt, thực hiện đúng chủ trương, biện pháp khoa học, phối hợp quyết liệt về quản lý. Khẳng định đây là năm thành công trong việc PPPT khu vực Tây Nguyên. Kết quả vườn cây tốt, lá ổn định, sản lượng cao hơn, mở cạo sớm.

Về chi phí phun thuốc các công ty có giá thành khác nhau, các công ty cần tập trung phun vào những vườn cây có năng suất cao, cây KTCB chuẩn bị đưa vào cạo. Các công ty trao đổi với Viện NCCS để sử dụng loại thuốc phù hợp hơn, có giá thành rẻ hơn thuốc nhập ngoại. Thời gian phun thuốc các công ty cần chú ý phải đúng thời điểm, khoảng cách theo khuyến cáo và số lần phun tối đa 3 lần.

Trong đánh giá hiệu quả, cần xem xét đánh giá thêm tác dụng của PPPT đến phòng các bệnh Corynespora, nứt vỏ Botryodiploidia trên vườn cây vùng ảnh hưởng. Giao Ban QLKT phối hợp với Viện NCCS tổng kết, đánh giá và nghiên cứu ban hành quy trình phòng trị phấn trắng bổ sung vào Quy trình Kỹ thuật để các công ty có cơ sở xây dựng chi phí sản xuất.

P.V