CSVNO – Khi cái nắng oi ả tan biến dần là lúc mưa vào mùa, đây là thời khắc cây cao su bắt đầu cho sản lượng.Vấn đề đặt ra là nắng thì không có mủ, mưa thì sợ mủ trôi, nấm bệnh gây hại cho miệng cạo, từ đó công việc làm máng che mưa cho cây cao su ra đời, và mùa mưa bắt đầu cũng chính là mùa làm máng.
Ứng dụng phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất
Máng che mưa bắt đầu xuất hiện cách đây hàng chục năm nhằm chống nước mưa chảy theo thân cây xuống miệng cạo làm ẩm ướt miệng cạo, đồng thời một phần chống nước chảy vào mủ theo miệng cạo làm tràn mủ trên tô. Việc làm máng che mưa cây cao su cũng hạn chế được các loại nấm bệnh và làm cho miệng cạo khô nhanh sau cơn mưa để tiến hành khai thác, không làm ảnh hưởng đến nhịp độ khai thác, máng che mưa cũng có nhiều loại, nhiều chất liệu và các làm cũng khác nhau tùy theo từng vùng, từng nơi mà người công nhân ứng dụng phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất.
Hàng năm, khi bắt đầu mùa mưa người trồng cây cao su và các đơn vị bắt đầu tiến hành làm máng che mưa, công việc được gấp rút thực hiện đảm bảo tiến độ vừa khai thác, vừa làm máng sao cho kịp thời đối phó với mùa mưa. Đối với công nhân mỗi người gồm 3 đến 4 phần cây, tùy theo chế độ cạo của từng đơn vị, số lượng làm máng có thể lên đến hơn 4.000 cây cao su, do đó mỗi khi tiến hành làm máng người công nhân phải huy động thêm người phụ việc hoặc thuê mướn thêm để đảm bảo tiến độ của đơn vị. Công đoạn đầu tiên để gắn mắng che mưa là phải dùng nạo vệ sinh sạch phần da cây chuẩn bị gắn máng, sau đó dùng nhựa đường lỏng bắt thành sợi dán lên chỗ đã được vệ sinh thường gọi là bắt keo. Công đoạn này đòi hỏi người công nhân phải khéo léo, làm nhanh tay thì phần nhựa đường mới đều và sẽ có tác dụng chống thấm về sau. Để cho nhựa đường không bám dính vào tay người công nhân phải sử dụng các loại xà phòng để làm ướt tay trước khi bắt keo, sau khi bắt keo dùng máng dán lên phần nhựa đường và dùng đinh ghim để bấm cố định, đối với những cây cạo đục, cạo thanh lý, người làm máng phải bắc thang, hoặc dùng dụng cụ chuyên dụng tự chế để gắn máng che mưa, phần máng che mưa sau khi được gắn lên cây sẽ được lớp nhựa đường và đinh ghim dính chặt tạo thành một rãnh dẫn nước mưa chảy ra ngoài khỏi miệng cạo.
Phát huy tính sáng tạo trong lao động
Từ việc làm máng che mưa, người lao động phát huy sáng tạo như sáng kiến dụng cụ gắn máng trên cao, thang chữ A chống trượt khi đặt vào cây cao su và cả sáng tạo ra cách dùng xà phòng chống dính tay. Qua đó đã có nhiều đề tài sáng kiến được các đơn vị công nhận là sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lao động, góp phần tăng năng suất lao động cho đơn vị.
Qua làm máng che mưa tại đơn vị, người lao động có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật tốt đảm bảo được chất lượng của máng che mưa từ đó người lao động có thể làm thêm cho công nhân trong đơn vị hoặc tranh thủ làm thuê cho vườn cao su tiểu điền để có thêm thu nhập. Đồng thời, nhiều người lao động ngoài ngành cũng được chia sẻ kinh nghiệm, tay nghề để lập thành những đội, nhóm chuyên làm máng che mưa cho các doanh nghiệp hoặc hộ tiểu điền, thành một nghề mới, tạo nhiều việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Cùng hiệu quả kinh tế mang lại, mùa làm máng cũng là mùa để người lao động trong ngành thể hiện tinh thần đoàn kết, phát huy tính sáng tạo trong lao động. Bên cạnh đó cũng là dịp để người lao động có thêm việc làm, tăng thu nhập. Công việc này thể hiện nét văn hoá lao động đặc thù của người lao động ngành cao su.
CHI MAI
Related posts:
- VRG và Quân đoàn 4: Nâng mối quan hệ lên tầm cao mới
- "VRG thực hiện bài bản chiến lược phát triển bền vững"
- Nông trường Xà Bang nhất đồng đội Hội thi "Bàn tay vàng" Cao su Bà Rịa
- Cao su Sa Thầy xây dựng 6 giải pháp để khai thác vườn cây bền vững
- Tổ chức lễ kỷ niệm 89 năm ngày truyền thống ngành long trọng, tiết kiệm
- Trao sổ hưu cho Phó TGĐ Lê Minh Châu và Nguyễn Hồng Phú
- 6 tháng đầu năm Cao su Chư Pah khai thác trên 2.800 tấn mủ
- Cao su Lai Châu 2: Nỗ lực vượt sản lượng
- Cần bảo tồn các ngôi nhà cổ của phu công tra
- Trường Cao Đẳng Cao su đạt giải nhất Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc