Cần bảo tồn các ngôi nhà cổ của phu công tra

CSVN – Trước đây, Làng 2 xã Bến Củi (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) được biết đến là ngôi làng cổ hiếm hoi gồm có khoảng 7, 8 căn nhà đơn và song lập còn sót lại của phu cao su xưa. Qua thời gian, nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, giải tỏa, hiện chỉ còn vài căn còn sót lại.
Một trong những căn nhà cổ còn sót lại tại làng 2, NT bến Củi. Ảnh: Phan Thắng
Một trong những căn nhà cổ còn sót lại tại làng 2, NT bến Củi. Ảnh: Phan Thắng

Cuối tháng 9, chúng tôi có dịp ghé thăm NT Bến Củi, Công ty CPCS Tây Ninh, thăm lại ngôi làng cổ của phu công tra cao su trực thuộc NT. Mùa này đang là mùa mưa, xe đi qua những hàng cây cao su xanh thẳm ven đường uốn cong mình như một bức tranh đẹp mắt.

Lãnh đạo NT dẫn chúng tôi ghé thăm nhà bà Nguyễn Thị Mùi tại địa chỉ số 28, ấp 2, xã Bến Củi. Đây là một trong những căn nhà của phu cao su xưa còn sót lại của ngôi làng này. Thời xưa, người dân cao su Bến Củi vẫn còn quen gọi nơi mình ở là làng 1, làng 2, làng 3 và làng 4, là nơi ở của người dân từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung vào làm công nhân cao su thời Pháp thuộc. Những căn nhà này được Pháp xây dựng từ khoảng những năm 1927 – 1930, phu cao su quen người làng nào thì ở làng nấy.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cổ gần 100 năm, bà Nguyễn Thị Mùi, 89 tuổi cho biết, bà là thế hệ phu cao su trước đây, đi cạo cho chủ Tây từ năm 14, 15 tuổi, tại đồn điền cao su Bến Củi. Những thế hệ gia đình bà đã sinh sống trong căn nhà này. Sau này có điều kiện, tích cóp tiết kiệm, con cháu bà đã xây dựng ngôi nhà khác rộng hơn ngay sát cạnh bên để tiện sinh hoạt. Ngôi nhà cổ có 1 cửa chính, cửa phụ và 1 cửa sổ, xây khá thoáng mát. Hiện đã xuống cấp, nên gia đình đã gia công và lợp tôn để khỏi mưa dột.

Tuổi già, lúc nhớ lúc không, bà Mùi cũng không còn nhớ rõ những sự việc xưa kia. Chỉ thỉnh thoảng nhớ lại chút ít trong ký ức rồi kể lại cho con cháu. Chồng bà là liệt sĩ Phạm Văn Sinh, mất năm 1962. Thời đó, ông cũng đi cạo mủ cao su rồi xung phong tham gia hoạt động cách mạng.

Anh Đoàn Phi Long, sinh năm 1969, là cháu ngoại của bà Mùi, thế hệ thứ 3 trong gia đình gắn bó với ngành cao su, hiện đã nghỉ việc. Anh Long trước đây cũng là một trong những thợ giỏi có tiếng ở NT. Anh cho biết: “Tôi theo bà ra lô khi còn nhỏ, bà thường chỉ dạy cho tôi cách cạo như thế nào cho đúng. Ngày xưa, làm cho Pháp, bà cũng là một trong những thợ giỏi được chủ Tây khen thưởng”.

Đại diện Công đoàn NT Bến Củi (bên phải) đến thăm và tặng quà cho gia đình bà Nguyễn Thị Mùi.
Đại diện Công đoàn NT Bến Củi (bên phải) đến thăm và tặng quà cho gia đình bà Nguyễn Thị Mùi.

Anh Long xúc động kể: “Hồi nhỏ, nghe bà và mẹ tôi kể chuyện, biết ông tôi tham gia cách mạng, ngụy quyền đã bắt bà ngoại lên tra khảo. Bà một hai nhất quyết không khai. Chúng dùng đòn tra tấn đổ nước vào mũi bà tôi, nhưng bà vẫn quyết không khai. Lúc đó, mẹ tôi là bà Phạm  Thị  Thanh  Vân mới 12 tuổi và cậu Phạm Văn Minh (hiện đã mất) chỉ mới 10 tuổi chạy vào đồn ôm mẹ khóc, tụi nó mới động lòng thả về. Sợ quá, cả 3 mẹ con chạy vào rừng một thời gian vì sợ bị bắt lại tra khảo tiếp”. Cô Phạm Thị Thanh Vân, sinh năm 1948, con gái bà Mùi cho biết, nối tiếp mẹ mình, cô xin vào làm y tá cho NT Bến Củi. Cô đã nghỉ hưu được 19 năm, các con trước đây đều làm cho NT Bến Củi. Hiện còn một người con là anh Lê Đình Chiêu, sinh năm 1986, đang làm công nhân ở Đội C1.

Cô Vân kể lại, theo trí nhớ của bà Mùi thuật lại cho con cháu, thời Pháp, cạo phạm là bị phạt, cạo tốt thì được chủ thưởng. Người nào cạo phạm nhiều thì bị cắt lương, cắt thưởng, có người bị trừ hết không còn đồng nào. Có người bị phạt phải gánh mủ cao su từ trong lô ra chỗ nộp mủ, thời đó làm gì có xe chở mủ như bây giờ, gánh rộp cả hai vai. Có người lén đổ mủ để gánh cho khỏi nặng, bị đánh thừa sống thiếu chết… Thời đó nghỉ chế độ thai sản được có 45 ngày, sau đó công nhân vùng lên đấu tranh đòi quyền lợi mới cho nghỉ lên 2 tháng. Chủ Tây phát gạo đen cho ăn, công nhân đấu tranh đòi quyền lợi phát gạo trắng, nhiều người bị chủ Tây đánh chết…

Theo người dân nơi đây, trong sách “Truyền thống cách mạng xã Bến Củi và Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, lao động và Công đoàn Tây Ninh (1945-1975)” do Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh xuất bản tháng 4/2000 đều xác định Đồn điền Cao su Bến Củi có từ năm 1906. Trong sách có nói: “Năm 1906 Công ty Cao su Ðông Dương đã lập ra hàng loạt đồn điền trong đó có Đồn điền Cao su Bến Củi… Tiếp theo là các Đồn điền Vên Vên, Trà Võ, Hiệp Thạnh, Cầu Khởi (1913) và Arnaud, Oconen (1915)…”

Năm 1936 đã có những cuộc đấu tranh đầu tiên của công nhân cao su đòi “Dân sinh, Dân chủ”. Ngày 25/8/1945, Cách mạng tháng Tám diễn ra ở Tây Ninh, thì các đồn điền cao su Bến Củi và phụ cận đã thuộc về tay công nhân cách mạng.

Ông Nguyễn Văn Tài – GĐ NT cho biết, tiền thân của NT Bến Củi là Đồn điền Cao su Bến Củi của Pháp để lại. Những ngôi làng cổ của phu công tra thời Pháp xây dựng cho công nhân ở qua thời gian hiện đã xuống cấp. Hiện nay, NT đã xin chủ trương để giải tỏa, chỉ còn lại 1, 2 căn nhà còn nguyên bản, nguyên gốc. Hàng năm, lãnh đạo NT thường xuyên quan tâm, thăm hỏi đến động viên từng gia đình để duy trì bảo tồn những căn nhà này.

Đây cũng là cách để bảo tồn những giá trị lịch sử cho thế hệ tiếp theo biết và tự hào về giai cấp công nhân, về những giá trị truyền thống ngày xưa còn lưu giữ được cho đến bây giờ. Hiện nay, ở NT Bến Củi chỉ còn vài căn nhà cổ phu công tra xưa. Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp khắc phục bảo trì cộng với công tác chỉ đạo, bảo tồn, lưu giữ, trùng tu thì thời gian tới các căn nhà cổ này cũng sẽ xuống cấp, hư hại.

MINH TÂM