CSVNO – Đó là chỉ đạo của ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG tại Hội thảo “Đánh giá cơ cấu giống cao su giai đoạn 2018 – 2020, định hướng cơ cấu giống giai đoạn 2023 – 2030” được VRG tổ chức tại Viện Nghiên cứu CSVN, vào ngày 15/6.
Tại hội thảo, Ban Quản lý Kỹ thuật VRG đã báo cáo công tác quản lý giống cao su trong cơ cấu giống giai đoạn 2018 – 2022; ưu nhược điểm trong công tác quản lý giống; đề xuất giải pháp nhằm phát huy tiềm năng giống; Đánh giá hiện trạng và thành tích năng suất của giống PB 260, RRIV 124 của toàn Tập đoàn đến năm 2022.
Giai đoạn 2018 – 2022, Tập đoàn đã thực hiện tái cơ cấu vườn cây tập trung ở khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và một số diện tích tại Công ty CPCS Việt Lào. Tập đoàn đang quản lý 382.162 ha cây cao su KTCB và kinh doanh, gồm 66 công ty thành viên. Trong nước có tổng diện tích 267.896 ha gồm 44 công ty (chiếm 70,1%). Ngoài nước có tổng diện tích 114.266 ha gồm 22 công ty (chiếm 29,9%).
Tính đến nay, có gần 60 loại giống khác nhau đang được trồng và sản xuất đại trà (không tính một số giống theo dõi thí nghiệm). Về tổng thể cơ cấu giống vườn cây trong toàn ngành còn tồn tại một số giống được khuyến cáo trồng với diện tích lớn ở các giai đoạn trước đây và trong một thời gian dài như PB 260 (73.819 ha), RRIV 124 (72.531 ha) với tổng diện tích đã trồng 2 giống này đến thời điểm hiện nay là 146.350 ha (chiếm tỷ lệ 40% tổng diện tích toàn ngành). Sau thời gian và qua thực tiễn sản xuất các giống này bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là PB 260 năng suất thấp.
Nhìn chung, công tác quản lý giống cao su của Tập đoàn trong thời gian qua đã đảm bảo chất lượng và số lượng của giống cao su trồng tại các đơn vị theo cơ cấu ban hành theo từng năm, khu vực, từng giai đoạn, đảm bảo các giống cao su trồng đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo QTKT ban hành, các tiêu chuẩn về khả năng chống chịu, sinh trưởng, chất lượng theo khuyến cáo của Viện Nghiên cứu CSVN.
Công tác tuyển chọn giống, tái cơ cấu vườn cây được Lãnh đạo Tập đoàn và các công ty đặc biệt quan tâm. Trong đó bộ phận quản lý kỹ thuật các đơn vị rất chú trọng tuyển chọn giống trồng theo cơ cấu nhằm đảm bảo giống trồng phù hợp với tiểu vùng khí hậu và thổ nhưỡng tại công ty, giúp nâng cao sản lượng, hiệu quả trong trồng, SXKD cao su.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh 10 tham luận về tình hình thực hiện cơ cấu giống cao su giai đoạn 2018 – 2022 của Viện Nghiên cứu Cao su VN và các công ty Tây Ninh, Đồng Phú, Phú Riềng, Đồng Nai, Chư Prông, Krông Buk, Việt Lào.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG nhận định giống là yếu tố quan trọng và quyết định ngay từ đầu trong tái cơ cấu vườn cây, ảnh hưởng đến cả chu kỳ của vườn cây trên 20 năm. Ban Quản lý Kỹ thuật Tập đoàn luôn theo dõi sát sao số liệu thống kê 5 năm liền kề về giống, sản lượng, năng suất vườn cây và bắt đầu xây dựng kế hoạch năm 2024. Dự kiến năm 2023, VRG sẽ vượt kế hoạch sản lượng khai thác 6,5%.
“Công tác tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm trong sử dụng cơ cấu giống cây cao su trồng trong từng giai đoạn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tuyển chọn ra những giống cao su có năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt, chịu được bệnh hại và thích ứng phù hợp với khí hậu, vùng trồng khác nhau, từ đó tuyển chọn ra những giống cây cao su tiên tiến, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường kinh doanh cao su” – ông Lê Thanh Tú, nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả kinh doanh cây cao su, ông Lê Thanh Tú, chỉ đạo: “Công tác giống cần phải được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Các công ty phải thường xuyên phối hợp với Viện Nghiên cứu CSVN trong công tác tuyển chọn giống trồng, xác nhận giống trước khi trồng, thanh lọc giống trên vườn ươm và vườn nhân rất quan trọng và có tính quyết định, đảm bảo mục tiêu trồng đúng giống, thuần giống trên vườn cây. Ngay từ đầu các công ty cần xác định rõ mục tiêu của quá trình tuyển chọn giống cao su cho mục đích sử dụng như trồng giống có năng suất cao, khả năng chống chịu các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, khả năng kháng bệnh, chất lượng sản phẩm, cùng các chỉ tiêu về lý tính, chỉ số công nghệ hay mục tiêu trữ lượng gỗ, “gỗ – mủ”, “mủ – gỗ” để chọn giống trồng phù hợp mục đích…”.
THIÊN HƯƠNG – HẰNG NY
Related posts:
- Binh đoàn 15 gặp mặt báo chí dịp kỷ niệm 34 năm ngày thành lập
- Ban lãnh đạo Cao su Dầu Tiếng đối thoại với CNLĐ
- Cao su Lộc Ninh nghiệm thu 2 đề tài nghiên cứu khoa học
- Cao su Dầu Tiếng: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
- TCT cao su Đồng Nai: 10 cá nhân được tuyên dương người tốt, việc tốt
- Cao su Krông Buk về trước kế hoạch sản lượng 32 ngày
- Cao su Chư Sê khen thưởng 72 tập thể và cá nhân khai thác mủ
- Thống Nhất giữ vững ngôi đầu thi Bàn tay vàng Cao su Chư Prông
- Đồng chí Huỳnh Thị Cẩm Hồng giữ chức Bí thư Đảng ủy Cao su Dầu Tiếng
- Tổng doanh thu Cao su Quảng Trị tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023