CSVN – Trong 3 ngày, từ 28 – 30/8, các chuyên gia của Tổ chức GFA tiến hành đánh giá tái chứng nhận hệ thống Quản lý rừng bền vững (QLRBV) theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC ST 1003: 2019 cho toàn bộ diện tích của Cao su Bình Long đang quản lý. Qua kiểm tra hệ thống tài liệu, các hồ sơ và thực địa hiện trường, các chuyên gia đánh giá cao những kết quả đơn vị đạt được với chu kỳ chứng nhận lần thứ nhất khi tuân thủ nghiêm ngặt, toàn diện các chỉ số của bộ tiêu chuẩn.
Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long hiện quản lý trên 14.800 ha và toàn bộ diện tích này đã được cấp chứng chỉ QLRBV theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC. Trong 5 năm (2019 – 2023), bình quân hàng năm công ty khai thác trên 19.000 tấn mủ, năng suất vườn cây khai thác theo quy trình kỹ thuật của Tập đoàn là trên 2 tấn/ha/ năm, chế biến và tiêu thụ hơn 22.000 tấn. Tổng doanh thu hàng năm của công ty trên 1.000 tỷ đồng, tạo thu nhập bình quân khoảng 3.500 lao động với mức trên 11 triệu đồng/người/tháng. Công ty được đánh giá là một trong những đơn vị Top đầu về thực hiện phát triển bền vững của VRG.
Với sự lựa chọn ngẫu nhiên, các chuyên gia của GFA đã đến đánh giá hiện trường tại Tổ 5, NT Quản Lợi. Ông Nguyễn Ngọc Thạch – Tổ trưởng cho biết, từ khi thực hiện chương trình QLRBV ý thức của công nhân được nâng lên rõ rệt. Sau khi giao mủ xong, các dụng cụ sản xuất đều được công nhân tráng rửa ngay tại trạm, sàn tiếp nhận mủ cũng được rửa sạch sẽ. Toàn bộ lượng nước thải này được gom về hố gạn mủ để tận thu mủ còn sót lại và xử lý sơ bộ nước thải, qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Minh chứng cho nỗ lực kiên định với chiến lược phát triển bền vững, vì con người, Cao su Bình Long được vinh danh trong Top 10 Doanh nghiệp bền vững năm 2022 theo Chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam. Trong suốt hành trình phát triển, bên cạnh duy trì nhiệm vụ SXKD hiệu quả kinh tế cao, ban lãnh đạo công ty xác định nhiệm vụ bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của công ty, mà còn là trách nhiệm của cộng đồng, chính quyền các cấp nơi công ty đứng chân. Vì vậy, công ty phối hợp với chính quyền các cấp kết hợp chương trình xây dựng nông thôn mới, để tuyên truyền cho người dân về công tác bảo vệ môi trường. Là một trong những đơn vị đầu tiên được Tập đoàn chọn triển khai chương trình QLRBV đầu tiên của Tập đoàn từ năm 2019, Cao su Bình Long xây dựng và xin cấp chứng chỉ hệ thống QLRBV theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC khoảng 4.000 ha. Đến năm 2021, toàn bộ diện tích do công ty quản lý đã được cấp chứng nhận QLRBV VFCS/PEFC-FM.
Quan trọng hơn, công ty đã xây dựng triển khai thực hiện các giải pháp sản xuất tuần hoàn: Tái sử dụng nước thải sau xử lý trong sản xuất đạt khoảng 70% và tiến tới 100%; sản xuất khoảng 1.000 tấn phân hữu cơ vi sinh từ toàn bộ bùn thải của các hệ thống xử lý nước thải, bằng công nghệ trùn quế, để thay thế dần phân hóa học bón cây cao su.
Công ty đã xây dựng 3 hệ thống xử lý nước thải tại hai xí nghiệp với công suất 2.000 m3/ngày đêm; lắp đặt 2 hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục, để truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên Môi trường. Nước xả thải ra môi trường luôn đạt cột A QCVN 01-MT:2015/BTNMT. Công ty đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ công nghệ nuôi trùn quế với chi phí trên 2 tỷ đồng, công suất 1.000 tấn/năm. Từ đó, tận dụng để tạo ra chu trình sản xuất khép kín theo hướng sản xuất tuần hoàn.
NGUYỄN BẢO
Related posts:
- Cao su Chư Sê công bố các quyết định về cán bộ
- Nông trường Cồn Tiên đạt giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Quảng Trị
- Cao su Hòa Bình về trước kế hoạch 25 ngày
- Cao su Đồng Nai đặt mục tiêu tuyển dụng 150 lao động tại Cao Bằng
- Cao su Tây Ninh: Hoàn thành tái canh sớm nhất
- Cao su Bình Long diễn tập sự cố hoá chất, phòng cháy chữa cháy năm 2024
- Cao su tiểu điền sống ổn dù giá thấp
- Cao su Lộc Ninh tổ chức Hội nghị chủ chốt lấy phiếu giới thiệu các chức danh chủ chốt giai đoạn tới
- Nông trường Bãi Lau (Cao su Sa Thầy) về đích sản lượng sớm nhất trong công ty
- Cao su Bà Rịa cần phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa các kế hoạch đề ra