CSVN – Với diện tích cao su phần lớn nằm trong vùng ven biển, Công ty CPCS Bà Rịa chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng vườn cây. Để hoàn thành các chỉ tiêu được Tập đoàn giao, ngoài việc thực hiện tốt công tác về tiền lương, lao động, thực hiện nghiêm quy trình thu hoạch mủ… công ty kết hợp các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng vườn cây.
Thực đồng bộ nhiều giải pháp
Cao su Bà Rịa đã hợp tác với Phòng Nghiên cứu Sinh lý khai thác thuộc Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam áp dụng các cải tiến kỹ thuật, quy trình khai thác, tổ chức tốt công tác sản xuất mang lại hiệu quả tích cực ngay từ đầu năm 2024. Ông Đinh Ngọc Ánh – Trưởng phòng Kỹ thuật công ty cho biết, công tác thâm canh, chăm sóc và bón phân cho vườn cây được chúng tôi triển khai đồng bộ, thực hiện đúng liều lượng và chất lượng phân bón, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho vườn cây. Chấp hành nghiêm túc quy trình kỹ thuật của Tập đoàn quy định về công tác chăm sóc, phòng trị bệnh cây cao su, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.
Trong thời gian nghỉ cạo, công tác quản lý bệnh hại trên vườn cây, được bộ phận kỹ thuật từ công ty đến tổ đội, NT kiểm tra và cập nhật thường xuyên, không để vườn cây nhiễm các bệnh về lá làm giảm khả năng quang hợp và tích nhựa cho cây. Đặc biệt, không để các loại bệnh rụng lá phấn trắng, rụng lá đốm tròn, corynespora, hoặc các bệnh về rễ làm giảm khả năng hấp thụ nước và dinh dưỡng cho cây. Để bước vào mùa cạo mới, ngoài việc trang bị đầy đủ vật tư như: kiềng, chén, máng chắn nước mưa, mái che chén, máng hứng mủ… để tránh thất thoát sản lượng trong mùa mưa bão, công ty đã triển khai đồng bộ đến các tổ đội, NT thực hiện linh động việc chọn vị trí miệng cạo tại vườn cây khai thác, làm sao để giúp cây cho sản lượng mủ cao mà không vi phạm quy trình kỹ thuật. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ sử dụng hóa chất, nhất là các chất kích thích mủ phù hợp với từng loại cây.
Quản lý tốt nguồn lao động hiện có
Để khắc phục tình hình thiếu hụt lao động, công ty đã vận động công nhân cạo thêm phiên, triển khai công tác cạo bù để bảo đảm đủ và thừa số nhát cạo trên cây so với quy trình quy định ( D3: 100 nhát, D4: 75 nhát). Đảm bảo cạo đúng, cạo đủ, khai thác tối ưu sản lượng, tiềm năng hiện có của vườn cây.
Công ty đã và đang đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho lực lượng công nhân, nhất là những công nhân mới tiếp nhận từ các vùng lân cận. Tiếp tục duy trì phong trào luyện tay nghề chọn thợ giỏi, đảm nhiệm tốt công tác khai thác tại vườn cây, nhất là những diện tích mới đưa vào khai thác. Triển khai đồng bộ việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nguồn lao động tại các đơn vị trực thuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động NLĐ, công nhân nâng cao nhận thức, chấp hành tốt nội quy, quy chế của công ty.
Bên cạnh đó, kiện toàn lực lượng bảo vệ, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ sản phẩm mủ và tài sản trên vườn cây, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong sản xuất. Duy trì thực hiện tốt công tác đối thoại với NLĐ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để giải quyết kịp thời, phù hợp các chế độ chính sách cho NLĐ, ổn định và phát triển sản xuất.
Với diện tích vườn cao su khai thác hơn 6.000 ha, năm 2024 Cao su Bà Rịa được Tập đoàn giao sản lượng khai thác 9.250 tấn, năng suất bình quân 1,52 tấn /ha. Công ty sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao.
VŨ PHONG
Related posts:
- Giá trị từ những lô cao su trồng xen canh
- Cao su Lộc Ninh sơ kết công tác sản xuất kinh doanh quý I
- MDF VRG Kiên Giang xây dựng 3 "lớp phòng thủ" chống dịch Covid - 19
- Đón dòng nhựa trắng nơi vùng biên
- Cao su Tân Biên: 36% diện tích đất cao su sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng
- Sôi động hội thi bàn tay vàng cấp công ty
- Giá cao su thấp, trộm mủ giảm hẳn
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su thực hiện tốt công tác đào tạo ngắn hạn
- Vui buồn nghề chống cháy mùa nghỉ cạo
- Thu nhập bình quân Thủy điện Geruco Sông Côn trên 23,6 triệu đồng/người/tháng