CSVN Xuân – Tiếng gà gáy trong lô cao su mỗi sớm mai khi những giọt sương đêm còn thấm đẫm, như tiếng chuông báo thức quá đỗi thân quen với biết bao thế hệ công nhân (CN) cao su.
Trong tuyển tập văn học nghệ thuật “30 năm cao su Dầu Tiếng”, thơ Trịnh Bằng có đoạn:
“Khi mỗi sớm mai
Em thức dậy cùng tiếng gà gáy trong lô
Cây cao su đang vào mùa trẩy hạt
Em khơi dòng nhựa trắng dâng đời”.
(Phải không em)
Tiếng gà gáy trong lô cao su mỗi sớm mai khi những giọt sương đêm còn thấm đẫm, như tiếng chuông báo thức quá đỗi thân quen với biết bao thế hệ công nhân (CN) cao su. Và trong ký ức ấy, cô Cao Thị Nương (CN hưu trí ở NT Trần Văn Lưu, Cao su Dầu Tiếng, nhớ mãi: “Tôi làm CN cao su sau giải phóng, lúc đó tôi 18 tuổi và gắn bó cả đời với cây cao su cho đến khi nghỉ hưu. Tiếng gà gáy mỗi sáng mai thường vào lúc hai, ba giờ sáng. Tiếng gà gáy râm ran, con nọ nối tiếp con kia gáy xôn xao cả xóm. Tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới và người CN cạo mủ chúng tôi tất tả ra lô bắt tay vào việc. Cho đến bây giờ, tôi vẫn giữ thói quen thức dậy mỗi khi gà gáy sáng, muốn ngủ cũng không chợp mắt được”.
Nói về tiếng gà gáy với những người làm cao su, ông Võ Văn Nuôi – nguyên Giám đốc NT Minh Hưng, Cao su Bình Long, tâm sự: “Không giống những con vật biết gáy khác, tiếng gà gáy trong ngày có thể chia thành ba thời khắc: sáng, trưa và xế chiều. Cuộc sống, công việc của người dân quê, của người CN cao su gắn liền với tiếng gà gáy như chiếc đồng hồ đều đặn mỗi ngày.
Thông thường, buổi sáng từ 2 giờ đến 5 giờ, những chú gà bắt đầu gáy, khi đã có một tiếng gáy cất lên phá vỡ bầu không gian im ắng thì sau chốc lát sẽ có những tiếng gáy nối đuôi liên hồi của những chú gà hàng xóm. Lúc này người CN cao su bắt đầu những đường cạo đầu tiên. Buổi trưa gà thường gáy vào tầm từ 10 giờ đến 12 giờ. Người CN cao su bắt đầu trút mủ. Và buổi chiều những chú gà thường gáy từ 18 giờ đến 20 giờ. Là thời điểm kết thúc một ngày làm việc”.
Có tiếng gà làm người nôn nao. Lại có tiếng gà làm người quặn nhớ quê nhà. Rồi lại có tiếng gà lay động thời thơ ấu trong lòng người tuổi tác. Cái chất quê mộc mạc trong mỗi con người đất Việt đều ít nhiều gắn với âm thanh của tiếng gà gáy. Cái âm thanh thân thuộc, da diết ấy nằm sâu trong tiềm thức từ những ngày thơ bé.
Đến khi trưởng thành đi qua nhiều vùng đất, bất chợt tiếng gà vang lên từ một góc xa xôi nào đó cũng đủ khiến người ta thổn thức nhớ nhung cái hồn quê cũ. Ông Trương Văn Tươi – nguyên TGĐ Tổng cục Cao su VN, kể: “Nhớ thời còn thơ ấu, tôi thường chơi với những chú gà nho nhỏ với bộ lông vàng mượt trong lô cao su thời Pháp thuộc. Tiếng kêu chiêm chiếp và đôi mắt tròn xoe ngơ ngác của những chú gà con giữa thế giới muôn vàn hình sắc và âm thanh đã giúp tôi kéo dài tuổi thơ.
Thời thơ ấu của chúng tôi lúc đó chỉ quanh quẩn trong sân nhà, sát bên những lô cao su thẳng tắp. Sau này lớn lên làm công nhân, tiếng gà gáy báo thức mỗi buổi sáng gắn bó với tôi suốt quãng đời tuổi trẻ. Và trong tâm thức của tôi, tiếng gà gáy quá đỗi thân quen. Giờ đây, mỗi lần nghe tiếng gà gáy, ký ức trong tôi lại tràn về với những khuôn mặt chất phác, thân tình…”
Chủ tịch CĐ Cao su VN Phan Mạnh Hùng, chia sẻ: “Những ai từng sống ở trong cảm giác thân thuộc với tiếng gà gáy mỗi ngày mới thấu hiểu cảm giác hẫng hụt khi tới những phố thị đất chật người đông. Cái âm thanh trữ tình kia trở nên xa xỉ và hiếm hoi. Tìm đâu ra những làng trong phố, tìm đâu ra tiếng gà trưa gáy khan rã rời, tìm đâu ra những buổi sáng bắt đầu bằng một tiếng gà mạnh mẽ ngân vang? Thổn thức lắm!”
“Tôi về trong lặng im
Nghe tiếng gà xưa gáy
Sầu muộn giăng mắt tím
Vỡ khung trời hư vô”.
(thơ Thanh Hiếu)
Trần Huỳnh
Related posts:
- Quân khu 7 hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng
- Tam ca 3 anh em “Đông – Nam – Bắc” ở Cao su Bình Thuận
- Cất cao tiếng hát người công nhân cao su miền Đông
- Tạp chí Cao su VN trao giải 2 cuộc thi sáng tác và ảnh nghệ thuật
- Rubico thi nấu ăn chào mừng 20/10
- Ngành cao su bền vững muôn năm!
- 100 em tham gia trại hè ngành cao su tại Sapa
- Văn nghệ - thể thao phát triển mạnh ở Cao su Chư Sê
- Trong khu phong tỏa...
- Sáng kiến