Kỷ niệm một mùa Xuân

Đường về ngày cuối năm. Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Sơn
Đường về ngày cuối năm. Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Sơn

CSVN Xuân – Đầu năm 1985, nhân tiến tới kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/1985), tôi được tòa soạn phân công đi viết một bài báo Xuân về Công ty Cao su Bình Long. Đến Bình Long thì các anh giới thiệu xuống Nông trường Lợi Hưng, lúc ấy do ông Nguyễn Văn Khảm tức Ba Khảm làm Giám đốc.

Tôi chạy chiếc xe Lam-đầu-bò cổ lỗ sỉ xuống, đi từ đầu giờ sáng đến gần trưa mới tới. Do vượt qua cả trăm cây số nên cả người lẫn xe mù mịt bụi đường. Đến nơi, việc đầu tiên là tôi xin được rửa qua tay chân mày mặt trước cái đã. Anh em ở cơ quan nông trường chỉ tôi xuống nhà bếp phía sau. Tôi bước vào, thấy có một cái chảo lớn bằng gang chứa đầy nước nhìn trong trẻo lắm, liền lấy cái ca gần đó múc nước rửa mặt. Nào ngờ, vừa rửa xong gáo nước, hai mắt tôi bỗng cay xè rồi đỏ ngầu lên, rất đau rát với nước mắt chảy ràn rụa. Tôi buộc phải nhắm mắt lại cho bớt khó chịu và thỉnh thoảng mới hé mở một chút để định hướng cảnh vật xung quanh. Tôi định ngồi chờ một chút xem mắt có đỡ không, nhưng xem ra càng lúc càng thêm đau, rát! Thế là chuyến công tác của tôi đã bị hỏng ngay từ đầu. Anh Ba Khảm liền nói anh Thanh, một nhân viên văn phòng lấy xe máy chở tôi về, còn chiếc xe của tôi thì gởi lại nông trường.

Anh Thanh chạy chiếc Honda 67 chở tôi vượt con đường đất đỏ dài cả chục cây số để ra quốc lộ. Tôi ngồi sau xe lắc lư theo nhịp dằn xóc, hai mắt nhắm tịt, vì mở ra thì nắng lọt vào, rất rát. Anh Thanh bảo với tôi:

– Anh cố lên, còn khoảng hơn cây số nữa là ra tới quốc lộ 13 rồi, sẽ đón xe cho anh về đỡ cực hơn.
Tôi nói lời cảm ơn rồi mở mắt ra nhìn quanh một chút. Vừa lúc đó bỗng có một người dân tộc từ ven đường nhảy ra chặn đầu xe chúng tôi. Anh ta nói với vẻ đầy căng thẳng:
– Vợ tôi sắp sinh rồi, tôi đưa nó đi từ sáng sớm mà không kịp tới bệnh viện. Xin các anh giúp chuyển dùm vợ tôi ra viện kẻo nó chết mất.
Anh ta nói rồi nhìn vào ven đường, nơi có một phụ nữ đang ôm bụng nhăn nhó, rên la dữ dội. Hai vợ chồng họ là người Stiêng, cỡ trên dưới ba mươi. Thời điểm ấy vùng này còn hoang sơ lắm, rất ít có phương tiện cơ giới di chuyển trên đường, nên trong thế bí, anh buộc lòng phải chặn xe chúng tôi. Anh Thanh vội nói:
– Anh thông cảm, tôi còn phải chở ông nhà báo này đi cấp cứu, ông ấy bị đau ở hai mắt, nặng lắm!
Nghe lời từ chối của anh Thanh, anh chồng tái mặt, còn người vợ chừng như lả đi, nằm gục xuống ven đường. Anh chồng cố nài nỉ:
Xin anh thương dùm, đó là đứa con đầu lòng của chúng tôi…
Trước tình cảnh quá chừng thê thảm của hai vợ chồng người dân tộc, tôi liền nói:
– Anh Thanh hãy giúp hai vợ chồng họ đi. Từ đây ra đường lớn còn không xa, tôi ráng lội được mà.
Tôi nói rồi liền bước xuống xe, lò mò phụ người đàn ông đưa vợ lên yên xe rồi đẩy anh ta ngồi kẹp phía sau. Anh Thanh thấy tôi nhiệt tình quá và cũng chẳng còn phương án nào khác. Anh nói:
– Thôi anh cố tự túc nhé, tôi đưa họ ra bệnh viện huyện đây.
Chiếc Honda 67 bò chầm chậm trên con đường đất đỏ ngoằn ngoèo rồi khuất dần. Phần tôi cứ đi cứ đi, thỉnh thoảng mở mắt định hướng xung quanh rồi lại bước liêu xiêu giữa trưa nắng gắt. Khoảng hơn nửa giờ đồng hồ sau tôi mới ra được tới quốc lộ. Tôi đón vội một chiếc xe đò về thành phố.
Về đến nhà, đi khám bệnh, tôi được vị bác sĩ chẩn đoán có thể trước đó đã có một con sâu mang nhiều độc tố bò qua chảo nước, vừa lúc tôi múc nước rửa mặt nên mới bị đau mắt cấp tính như vậy. Sau một tuần điều trị, mắt tôi đã khỏi và khoảng chục ngày sau tôi lên lại nông trường. Lúc ấy đã là giáp Tết, đã nghe râm ran tiếng pháo nổ khắp nơi. Anh Thanh hoan hỉ báo tin:
– Thật may là vẫn còn kịp khi tôi đưa sản phụ tới bệnh viện. Mẹ tròn con vuông cả rồi, một bé gái nặng tròn 3 ký! Anh chồng mừng lắm, gửi lời cảm ơn anh thật nhiều!
Nghe vậy tôi cũng mừng, liền hỏi:
– Vậy rồi anh có biết thêm gì về họ nữa không?
Sau đó, anh chồng là Điểu Đớ xin vào làm công nhân nông trường mình. Anh nói: “Người cao su tốt quá nên mình theo họ”. Anh còn nói khi vợ là Thị Xum cứng cáp cũng sẽ xin vào công nhân luôn.
Chuyện kể của anh Thanh làm tôi náo nức. Anh Thanh thấy tôi xúc động quá nên rủ tới thăm hai vợ chồng. “Nhà họ chỉ cách đây non cây số thôi mà”, anh nói. Tôi vui vẻ đi cùng anh.

xxx

Nhà của vợ chồng Điểu Đớ chủ yếu làm bằng lồ ô, tuềnh toàng xiêu vẹo mọc lên trên nền đất đỏ Ba dan màu mỡ. Khi chúng tôi đến thì thấy anh đang hí hoáy bên một khoảnh cao su non nho nhỏ, mà theo anh Thanh thì đây là “vườn thực tập” của Điểu Đớ. Chả là thấy anh khéo tay, khi trước đi làm thuê chuyên trồng mới cao su, cà phê khá tốt nên nông trường bố trí anh làm việc ở Đội lai tháp. Đứng gần bên là vợ anh, chị Thị Xum đang bế một bé gái gần tròn một tháng tuổi, rất mũm mĩm. Hai vợ chồng mừng rỡ khi nhận ra tôi. Trong khi anh Điểu Đớ bắt tay tôi thì chị Thị Xum khoe:
– Con gái của mình đây, tên nó là Thị Nư, ông xem có xinh không nào!
Chị Thị Xum nói trong nét mặt ngời ngời hạnh phúc. Tôi khen bé xinh lắm, rồi quay qua hỏi Điểu Đớ:
– Được biết anh vừa vào công nhân, thật tuyệt! Và anh đang làm gì với đám cao su non này vậy?
– Tôi đang tập tháp cây theo cách cải tiến của cô Lê Thị Hạnh.
Thấy tôi có vẻ thắc mắc, anh Thanh giải thích:
– Lê Thị Hạnh là một thợ tháp trẻ ở Đội lai tháp Nông trường Xa Cát. Tháng 2/1984 cô đã đoạt giải nhất trong Hội thi tháp cao su của Công ty cao su Bình Long khi vừa tròn 20 tuổi.
– Còn trẻ vậy mà “siêu” quá! Cô ấy đã làm cách nào vậy? – Tôi hỏi.
– Cô ấy đã đạt thành tích xuất sắc như vậy là nhờ đã có sáng kiến cải tiến hai động tác tháp cây cơ bản. Ở động tác cắt mặt tháp, cô không rọc trước hai đường song song hai bên mắt tháp mà dùng dao đẽo thẳng lấy mắt tháp ra. Cách làm này giúp mắt tháp ít bị lẹm và tiết kiệm nhiều thời gian khi giảm được thao tác rọc hai đường song song, giúp tăng năng suất. Ở động tác bóc mắt tháp, cô đặt mắt lên đầu gối, dùng ngón tay cái chận, ngón trỏ bóc. Nếu làm theo cách thông thường, cầm mắt tháp trên tay bằng ngón cái ép vào bốn ngón còn lại thì mắt dễ bị giập. Đây đây, ông xem tôi “biểu diễn” bóc mắt tháp theo cải tiến của cô Hạnh đây.
Vẻ rất hứng chí, Điểu Đớ xen vào rồi cầm một cành giống lên, dùng ngón cái chận, ngón trỏ bóc, bóc lấy một mắt tháp thật nhanh gọn. Anh Thanh vỗ tay, khen:
– Điểu Đớ học việc mau quá, kỳ này ra vườn ươm làm là ngon lành rồi!
Chúng tôi bật cười vui vẻ. Bé Thị Nư nghe chẳng rõ chuyện chi cũng nhoẻn miệng cười theo thật dễ thương!
Điểu Đớ vui quá liền bảo cần phải “liên hoan” mừng hạnh ngộ. Rượu của anh là một chai rượu bắp được ngâm ủ đã lâu, còn “mồi” thì là một chú gà choai vừa trổ ít lông trên đôi cánh. Anh bảo: “Nhà chỉ còn đàn gà con này, thôi mình nhắm đỡ”. Anh Thanh liền can: “Nó còn nhỏ lắm, nên để dành cho năm tới, để mình lo mồi cho”. Anh Thanh nói rồi chạy ù ra chợ Quản Lợi, lát sau quay về cùng một con gà mái dầu béo mập.
Vợ Điểu Đớ cho bé Thị Nư vào nôi, phụ làm gà, chế biến rồi dọn ra nhà sàn. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau, đơn sơ mà ấm áp khi mùa Xuân đang nhẹ bước đến bên thềm. Anh Thanh là người đưa vợ chồng Điểu Đớ đi bệnh viện sinh con nên được mời chung rượu thứ nhất, còn tôi là người “nhường” chỗ được mời chung thứ hai. Người thứ ba là chị Thị Xum, và sau cùng mới là Điểu Đớ. Phong tục người dân tộc, phụ nữ là chủ gia đình mà.
Vợ chồng Điểu Đớ cứ luôn miệng cảm ơn, bảo nếu không có nghĩa cử của tôi và anh Thanh hôm ấy thì chắc họ đã chẳng có được bé con mũm mĩm này. Tôi liền nói:
– Thưa chẳng có chi đâu ạ, mình chỉ chia sẻ cùng nhau lúc hoạn nạn thôi. Nay thì hai bạn lại vào công nhân cao su thì coi như mình là người chung một đại gia đình rồi!
Cứ thế, chúng tôi “rượu vào lời ra” đầy phấn khích. Khi sắp tàn cuộc vui, chị Thị Xum bước đến một góc nhà, đưa tay lục soạn một túi xách máng trên vách rồi lấy ra một gói giấy nhỏ, bước đến bên tôi:
– Vợ chồng tôi có món quà nhỏ tặng ông. Chúc ông và gia đình năm mới phát tài!
Tôi cũng chúc lại gia đình Điểu Đớ một năm mới no đủ, an lành, cảm ơn rồi cất món quà vào túi xách.
Đêm ấy, tôi về tới thành phố lúc gần 12 giờ. Công việc đầu tiên của tôi khi ngồi trong căn phòng quen thuộc là lấy “món quà nhỏ” mở ra xem.
Đó là một… chiếc nanh heo rừng!
A! Đây là một vật rất được tôn quý của đồng bào dân tộc. Họ tin rằng đeo chiếc nanh heo rừng là sẽ gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Và ai được tặng nanh là người được bà con quý trọng.
Tôi vân vê chiếc nanh heo rừng, thấy mùa Xuân này đã đến với tôi đầy ý nghĩa!

Sáu Vườn Ươm