Cao su Kon Tum: tiến tới tinh gọn, hiệu quả

CSVN – Theo đề án tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, trước khi sắp xếp, toàn công ty có 13 nông trường, 4 xí nghiệp, 2 nhà máy và 1 Trung tâm y tế, 1 Trường mầm non cùng 8 phòng ban nghiệp vụ, sau sắp xếp tinh giản còn 7 nông trường, 5 phòng ban, 1 nhà máy. Chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Khả Liễm – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum về ý nghĩa và hiệu quả của công tác này.

Ông Lê Khả Liễm – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum

– Xin ông cho biết ý nghĩa của việc xây dựng đề án cán bộ nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp vào thời điểm này?

Ông Lê Khả Liễm – TGĐ công ty: Công ty Kon Tum đang quản lý 10 ngàn ha, tuy không lớn so với các đơn vị trong ngành. Nhưng cái khó là diện tích nằm trên 8 huyện, thị của tỉnh. Từ đó, hình thành nhiều đầu mối quản lý, dẫn đến bộ máy cồng kềnh. Thứ hai là nằm ở 3 mô hình là công nhân, hộ nhận khoán và liên kết nên việc quản lý cần nhiều con người.

Từ những yếu tố này, việc bố trí nhân lực, cán bộ quản lý gián tiếp tăng lên rất cao. Từ năm 2010 trở về trước, số lượng người lao động gián tiếp hưởng lương là 736 người. Trong đó, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ 284 người, riêng lực lượng bảo vệ 248 người, chiếm hơn 30% tổng số lao động. Tỷ lệ lao động gián tiếp chiếm trên 19% tổng số lao động toàn công ty, đây là tỷ lệ quá cao so với quy định.

Chính vì vậy, lãnh đạo công ty đã có những tính toán đến việc tái cơ cấu ngay từ giai đoạn đó. Do việc tinh giản bộ máy gián tiếp, sắp xếp và bố trí cán bộ cần có quá trình nên hàng năm công ty đều có sự điều động, phân công cán bộ và sắp xếp lại bộ máy quản lý.

Trước khi tiến hành tái cơ cấu, toàn công ty có  13 nông trường, 4 xí nghiệp, 2 nhà máy và trung tâm y tế, trường mầm non cùng 8 phòng ban nghiệp vụ. Đến nay, việc sắp xếp lại bộ máy đã tinh giản còn 7 nông trường, 5 phòng ban, 1 nhà máy, giải thể 2 xí nghiệp, trung tâm y tế và trường mầm non. Tổng số LĐ gián tiếp còn lại 398 người, giảm gần 50% so với ngày đầu xây dựng đề án tái cơ cấu.

Đề án tái cơ cấu này sẽ giải quyết được 2 mô hình hộ nhận khoán và liên kết, diện tích của các hộ này sẽ được công ty trả lại sau khi kết thúc chu kỳ và thu hồi vốn khi thanh lý vườn cây, sau đó sẽ nhận lại chính những hộ này làm công nhân. Sau này khi họ trở thành công nhân sẽ có ý thức, trách nhiệm và tác phong làm việc khác, từ đó hiệu quả công việc sẽ tốt hơn, năng suất lao động, sản lượng được tăng lên.

– Lộ trình công tác tái cơ cấu và hiệu quả sau khi sắp xếp sẽ thế nào, thưa ông?

Ông Lê Khả Liễm – TGĐ công ty: Về lộ trình thì năm 2020 chúng tôi đã tiến hành một số công việc, đến năm 2021 sẽ hoàn tất. Tiến trình thực hiện cũng sẽ diễn ra nhanh chóng, bởi mọi công tác chuẩn bị đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Công tác ổn định tư tưởng cho cán bộ cũng được lãnh đạo chuẩn bị từ nhiều năm trước, do vậy sẽ không có sự xáo trộn, dao động tư tưởng đối với những cán bộ thuộc diện quy hoạch và sắp xếp lại.

Trước kia tỷ lệ lao động gián tiếp của công ty khoảng 19%, tuy nhiên quyết tâm của chúng tôi là phải đưa tỷ lệ này xuống dưới 10%, để hiện thực hóa mục tiêu là tinh gọn và hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số cơ sở đã xây dựng sẽ thanh lý, bán để thu hồi vốn nhằm giảm bớt áp lực khấu hao tài sản, quản lý và đầu tư bảo vệ từ đó hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ cao lên, năng suất lao động tốt hơn, giá thành sản phẩm sẽ hạ và lợi nhuận tăng lên. Một trong những vấn đề đạt được ở đề án tái cơ cấu này chính là sẽ giảm được mô hình hộ nhận khoán và liên kết thì sẽ làm giảm được rất nhiều chi phí quản lý, bởi thông thường chi phí tiền lương cho một tấn sản phẩm chiếm 30%, nhưng với hộ nhận khoán và liên kết là trên 45% và 49% từ đó làm cho giá thành tăng lên.

– Xin cảm ơn ông!

VĂN VĨNH (thực hiện)