Xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam năm 2024 kỳ vọng tạo nên sự đột phá

CSVN – Trong khó khăn, các công ty gỗ trực thuộc VRG luôn nhạy bén, kiên trì, không ngừng áp dụng các giải pháp, liên tục đổi mới, cố gắng biến “nguy” khi thị trường giảm tốc thành cơ hội để tái cấu trúc sản xuất, tạo đà tăng tốc khi thị trường phục hồi.

Bà Lê Thị Xuyến – TGĐ Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An: “TIẾT GIẢM CHI PHÍ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM TẠO NÊN SỨC CẠNH TRANH VÀ HIỆU QUẢ KINH DOANH”

Có thể nói, Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An (TAC) là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chế biến gỗ trực thuộc Tập đoàn. Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, công ty đã khẳng định được vị thế của mình, khi đã chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, châu Âu, đây là những thị trường chính của công ty trong nhiều năm qua.

Có thể khẳng định, các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của công ty nhiều năm liền cạnh tranh về mặt chất lượng với các nước trong khu vực và thế giới. Chính vì vậy, chúng tôi luôn duy trì thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015, quản lý chuỗi hành trình sản phẩm FSC-COC, phát huy hiệu quả hoạt động của dự án Score với đề tài nghiên cứu “Sản xuất tinh gọn”, “Loại bỏ lãng phí trong ngành gỗ”, tuân thủ bộ quy tắc ứng xử BSCI đáp ứng yêu cầu của pháp luật về trách nhiệm xã hội, thiết lập môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, đảm bảo tính minh bạch, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra cho chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để NLĐ yên tâm làm việc, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu, thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường khó tính, là tiền đề để gia tăng sự hợp tác và thu hút khách hàng mới đến với công ty.

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành chế biến gỗ xuất khẩu, khi tình trạng thiếu đơn hàng vẫn còn tiếp diễn. Xu hướng thị trường đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng cao trong khi giá bán sản phẩm đầu ra giảm mạnh. Có thể nói cuộc cạnh tranh đơn hàng không chỉ là cạnh tranh về giá. Để hoàn thành tốt kế hoạch năm 2024, TAC tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí để có giá thành tốt nhất nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm thêm khách hàng mới qua nhiều kênh như: tham gia hội chợ triển lãm, sàn thương mại điện tử. Gần đây nhất, từ ngày 6 – 9/3, công ty chúng tôi đã tham gia Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất TP. HCM năm 2024. Tại đây chúng tôi đã gặp gỡ và làm việc với các khách hàng tiềm năng; giới thiệu được các sản phẩm mẫu do chính TAC tự thiết kế. Đặc biệt, khi tham gia hội chợ chúng tôi đã thành công trong công tác quảng bá sản phẩm của công ty trên các trang của hội chợ ngành gỗ… từ đó có thêm khách hàng mới, đơn hàng mới đảm bảo kế hoạch SXKD và tạo việc làm cho NLĐ. Bên cạnh đó trang web của công ty thường xuyên cập nhật những thông tin, mẫu mã, sản phẩm mới công ty tự thiết kế lên Showroom 3D nhằm giới thiệu và mang sản phẩm của công ty đến gần hơn với khách hàng, thúc đẩy cơ hội tìm kiếm đơn hàng, khách hàng mới.

Chính những giải pháp đó không chỉ giúp cho đơn vị chúng tôi giữ chân được khách hàng truyền thống mà còn tìm kiếm thêm được những khách hàng mới đến với công ty, tuy số lượng đơn hàng mới chưa nhiều nhưng đây cũng là những tín hiệu khả quan về tình hình đơn hàng trong thời gian tới.

NG. CƯỜNG (ghi)

Ông Lê Tuấn Linh – GĐ Công ty TNHH MTV Chế biến Gỗ Đông Hòa:ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU LÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Chúng tôi đã và đang thực hiện các giải pháp “triển khai các mẫu sản phẩm đáp ứng yêu cầu nhanh của khách hàng”, đồng thời rút ngắn thời gian làm mẫu từ 2 đến 3 tuần xuống còn 7 đến 10 ngày. Không chỉ thế, sản phẩm của Rubico Đông Hòa được triển lãm tại nhiều thị trường khác nhau như: Hội chợ Hawa Expo Quận 7, TP.HCM; Hội chợ triển lãm đồ gỗ Shanghai tại Trung Quốc, Hội chợ triển lãm ngành gỗ Sydney ở Úc, Newzerland, Trung Đông ở Doha của Qatar, thị trường Mỹ ở High Point của bang Carolina và Canada. Từ cách tiếp cận thị trường như vậy, số lượng khách hàng gửi đơn hàng thường xuyên tăng từ 5 lên 8 khách hàng.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất những mặt hàng gỗ nội thất giả cổ cung cấp cho thị trường Mỹ, hiện công ty đã tuyển dụng mới 40 lao động, nâng tổng số lao động toàn công ty lên 282 người với mức thu nhập bình quân trên 8,5 triệu đồng/người/tháng. Bước đầu, số lao động này đã đủ để duy trì ổn định sản xuất những đơn hàng đã ký từ đầu năm. Dự kiến, công ty sẽ tuyển thêm khoảng 30 lao động để thực hiện các đơn hàng tiếp theo.

VŨ PHONG (ghi)

Ông Nguyễn Anh Tuấn – TGĐ Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang: “GIỮ CHÂN KHÁCH HÀNG BẰNG CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM”

Bên cạnh việc phát triển các dòng sản phẩm mới thay thế hàng nhập khẩu, chúng tôi tiếp tục duy trì tốt việc cung cấp hàng cho các khách hàng hiện tại. Với phương châm giữ khách hàng bằng cách duy trì đảm bảo chất lượng để có được sự tín nhiệm và thường xuyên gửi đơn hàng. Ngoài ra, MDF Kiên Giang còn chấp nhận sản xuất các lô hàng đặc biệt có công thức riêng với số lượng nhỏ (các công ty khác không thể chạy ở sản lượng nhỏ do điều kiện thiết bị, đây là ưu điểm của công ty), cũng như sắp xếp kế hoạch chạy hàng linh động nhằm đáp ứng thời gian giao hàng đúng tiến độ. Riêng thị trường Campuchia trong tương lai rất có tiềm năng nên sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Hiện nay, dây chuyền sản xuất của công ty đang hoạt động với công suất trên 120.000 m3 năm vượt nhiều so voi thiết kế 75.000 m3 ván/năm. Để duy trì sản xuất ổn định, theo phương thức sản xuất liên tục, tập thể 309 CB.CNV LĐ được chia làm 3 ca, 4 kíp đảm bảo cho nhà máy được hoạt động liên tục, đáp ứng đủ nguồn cung gỗ ván MDF cho khách hàng.

VŨ PHONG (ghi)