CSVN – Trải qua 40 năm, cây cao su đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng người dân huyện Ea H’leo. Ban đầu, cây cao su được ví như cây xóa đói, giảm nghèo, lâu dần cây cao su trở thành cây phát triển kinh tế xã hội cho địa phương. Giờ đây, với xu thế phát triển chung, nhiều địa phương đã và đang có những dự án, khu công nghiệp lớn đưa kinh tế địa phương phát triển. Trước tình hình đó, cây cao su và đời sống NLĐ bị ảnh hưởng ra sao, Cao su Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Hà – Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk về vấn đề này.
– Có thể nói, 40 năm qua cây cao su đã gắn bó và đóng vai trò quan trọng trong đời sống NLĐ đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Ea H’leo, vậy ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của ngành cao su đối với huyện nhà thời gian qua?
Ông Nguyễn Văn Hà: Trước hết, xin khái quát một chút về huyện Ea H’leo để mọi người có cái nhìn tổng thể về địa phương chúng tôi. Đây là một huyện ở phía Bắc của tỉnh Đăk Lăk, giáp với 4 huyện của tỉnh Gia Lai, diện tích rộng khoảng 1.334 km2, trong đó có khoảng 80 ngàn ha là đất đỏ bazan, một loại đất rất phù hợp với cây công nghiệp, trong đó có cây cao su, dân số xấp xỉ 150 ngàn người và có 29 dân tộc anh em sinh sống.
Trải qua gần 40 năm hình thành, phát triển của Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo và cùng song hành với đó là gần 44 năm thành lập huyện Ea H’leo (3/4/1980), tức huyện ra đời trước công ty 4 năm. Chặng đường song hành của công ty và địa phương có thể nói là 2 bên có nhau, công ty có huyện và ngược lại. Ở đây, tôi muốn nói đến sự phối hợp, sự hợp tác và chia sẻ, trách nhiệm với nhau.
Trong gần 40 năm đó, Cao su Ea H’leo đã làm được rất nhiều việc, đó là tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương. Thời điểm những năm tháng đầu, khi mới thành lập huyện, công ty đã giúp huyện bảo vệ an ninh chính trị trên địa bàn rất tốt và lúc bấy giờ lao động ở đây cũng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho gần 1.500 lao động trên địa bàn huyện, trong đó có gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, có thu nhập ổn định trong điều kiện giá cả các mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu, điều đều xuống thấp, nhưng công nhân cao su vẫn duy trì việc làm, thu nhập ổn định và được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định là một sự cố gắng, nỗ lực rất đáng ghi nhận của tập thể ban lãnh đạo công ty.
Bên cạnh đó, công ty còn giúp đỡ cho địa phương rất nhiều về vấn đề phát triển hạ tầng cũng như các hoạt động xã hội hóa khác. Cụ thể, công ty đã làm hơn 150 km đường giao thông nội vùng, hỗ trợ làm nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, giúp các xã, bản làng sớm đạt mục tiêu chuẩn hóa nông thôn mới. Không những thế, vào các dịp lễ, Tết… công ty đều có sự chia sẻ với người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong 40 năm công ty đứng chân trên địa bàn, đơn vị đã giúp địa phương rất tốt trong vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai.
Có thể khẳng định, đất đai khi giao cho công ty cao su quản lý thì được bảo vệ tốt, không có tình trạng người dân xâm lấn và chúng tôi vẫn hay nói vui với nhau rằng đấy chính là nguồn đất dự trữ tốt để sau này địa phương có thể tranh thủ xin hay lấy lại một phần nhằm tạo quỹ đất phục vụ công tác an sinh xã hội, bố trí đất sản xuất cho công nhân hay người dân trên địa bàn còn khó khăn, thiếu đất sản xuất.
Những gì Cao su Ea H’leo đã và đang làm chính là sự khẳng định trách nhiệm, nghĩa vụ của công ty đối người dân trong huyện và cũng là sự khẳng định vị trí của một doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hàng đầu trên địa bàn huyện Ea H’leo cũng như một doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk. Chúng tôi thấy tự hào, vui mừng vì trên địa bàn một huyện biên giới ở Tây Nguyên có một doanh nghiệp cao su lớn, trực thuộc VRG đứng chân.
– Với lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn lao động dồi dào, huyện Ea H’leo được xem là điểm sáng về thu hút đầu tư. Với lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có cao su, huyện kỳ vọng gì và định hướng, tạo môi trường kinh doanh như thế nào để doanh nghiệp quan tâm, đồng hành và cùng phát triển?
Ông Nguyễn Văn Hà: Chúng tôi đã có nhiều nhà đầu tư lớn đang đầu tư trên địa bàn huyện, điển hình như Tập đoàn Trung Nam với dự án điện gió. Sắp tới đây, địa phương chúng tôi có khoảng 30 nhà đầu tư khác về điện, năng lượng tái tạo, điện mặt trời… Tuy nhiên, trong định hướng phát triển của địa phương về phát triển công nghiệp chúng tôi cũng xác định phải luôn hài hòa, gắn bó với phát triển nông nghiệp.
Ngoài công ty cao su ra, trên địa bàn chúng tôi có khoảng 5.000 ha cao su tiểu điền và cùng với việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó chúng tôi vẫn xác định cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu hay mắc ca vẫn là những cây trồng chủ lực, người nông dân hay công nhân cao su muốn làm giàu thì vẫn phải đi lên từ nông nghiệp.
Có thể nói, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng như UBND huyện đã và sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo thực hiện các định hướng, kế hoạch phát triển của mình trên địa bàn huyện. Đó cũng chính là sự hợp tác để công ty và địa phương cùng phát triển, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và củng cố an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện biên giới.
Hơn ai hết, những người công nhân của công ty chính là những người dân của huyện và chúng tôi cũng có định hướng đối với công ty. Đó là tận dụng tối đa nguồn lao động tại chỗ, tuyển dụng con em là người dân bản địa vào làm công nhân cao su cho các nông trường, đội sản xuất.
Chúng tôi cũng xác định, công ty có phát triển thì huyện nhà cũng phát triển. Ngoài những diện tích hiện có của công ty, chúng tôi khuyến khích công ty mở rộng thêm diện tích ở một số vùng nơi cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn trên địa bàn.
Thứ hai là chúng tôi cũng có định hướng khác cho công ty, đó là công ty phải giữ được mình là trụ cột của một doanh nghiệp lớn trên địa bàn để thu mua sản phẩm cho bà con tiểu điền cũng như hướng dẫn về mặt kỹ thuật để người dân phát triển cây cao su. Đối với bà con nông dân, việc thu mua thường bị thương lái ép giá, việc công ty tổ chức thu mua sẽ giúp địa phương bình ổn được thị trường cao su tiểu điền. Bù lại, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để công ty tiếp tục mở rộng diện tích và thuê đất ở những vị trí tốt nếu công ty có nhu cầu triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng như triển khai các nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm chuyên sâu từ cây cao su có giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, việc tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các gia đình đồng bào dân tộc địa phương làm công nhân cao su là chủ trương từ lâu mà công ty và huyện vẫn đang thực hiện.
Chúng tôi cam kết và sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để công ty đứng chân trên địa bàn huyện luôn xem địa phương như nhà của mình, giống như NLĐ của công ty luôn xem công ty là nhà của mình, tài sản của công ty chính là tài sản của gia đình mình.
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
VĂN VĨNH (thực hiện)
Related posts:
- Cao su Ea H’leo kỷ niệm 40 năm thành lập
- VRG và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác cùng phát triển
- Cao su Chư Prông, Chư Sê và Chư Mom Ray công bố các quyết định về công tác cán bộ
- Cao su Lộc Ninh tổ chức Hội nghị chủ chốt lấy phiếu giới thiệu các chức danh chủ chốt giai đoạn tới
- Thư ngỏ vận động tài trợ, đóng góp cho “Hội khuyến học 28/10” năm 2023
- Đoàn viên, người lao động ngành cao su sẵn sàng vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế của VRG trong g...
- Cao su Đồng Nai: Thách thức và cơ hội trên hành trình phát triển
- Giá trị từ những lô cao su trồng xen canh
- Kết nối cung cầu hướng tới sản xuất cao su thiên nhiên bền vững
- Đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ cho các đơn vị thành viên