Tìm về cội nguồn phong trào “Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi” cao su Việt Nam

CSVN – Ngược dòng lịch sử ngành cao su trải qua 125 năm và 93 năm truyền thống, chúng ta tìm hiểu phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi đã hình thành và phát triển như thế nào.

Ông Trương Văn Cao – TGĐ TCT Cao su VN trao thưởng cho đại diện 5 đội đạt giải tại Hội thi khu vực Tây Nguyên – Quảng Trị
vào năm 1985.
Quá trình hình thành kỹ thuật cạo mủ

Những người thợ giỏi cạo mủ cao su đang háo hức hướng về Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIII ngành cao su Việt Nam. Các đội tuyển trong toàn ngành đã chuẩn bị sẵn sàng tranh tài trong ngày hội truyền thống 2 năm tổ chức một lần. Ở đó kỹ năng nghề nghiệp, miệt mài, khổ luyện, ý chí, bản lĩnh vượt khó, sáng tạo và khát vọng của người thợ được khẳng định, được tôn vinh xứng đáng. Những bàn tay vàng, những kiện tướng bao tháng ngày một sương hai nắng chắt chiu từng giọt mủ. Cần mẫn như những chú ong thợ khơi dòng vàng trắng mật ngọt cho đời, hôm nay niềm vui vỡ òa hạnh phúc.

Hội thi là ngày hội truyền thống giao lưu học hỏi của người thợ trong toàn ngành, cũng là 2 năm sơ kết phong trào của ngành, khu vực và từng đơn vị. Đây cũng là việc làm thiết thực, hiệu quả cần tiếp tục duy trì và đổi mới cách thức tổ chức.

Ngược dòng lịch sử ngành cao su trải qua 125 năm và 93 năm truyền thống, chúng ta tìm hiểu phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi đã hình thành và phát triển như thế nào. Theo tác giả “100 năm cây cao su Việt Nam” ông Đặng Văn Vinh – Nguyên Tổng cục phó Tổng cục cao su. Trong bài viết trước đây tôi đã trích dẫn lời kể của ông về quá trình hình thành kỹ thuật cạo mủ. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu cải tiến song không khác thời Pháp là mấy. Đây là quyển sách quý đối với ngành cao su. Ông đã sống trọn đời với cây cao su từ thời Pháp thuộc ở Nam Bộ, thời miền Bắc xã hội chủ nghĩa trồng cao su ở các tỉnh từ Thanh Hóa vào tận Bình Trị Thiên bằng kiến thức kinh nghiệm của những cán bộ tập kết như ông và kinh nghiệm của Trung Quốc.

Theo tác giả, từ năm 1935 người Pháp đã đề xuất nhiều giải pháp: “Tìm cách hợp lý hóa từng động tác của người công nhân cạo mủ, thời gian di chuyển giữa 2 cây cao su. Từ đó người ta đã tìm cách hợp lý hóa từng động tác để tránh động tác thừa; hợp lý hóa các giai đoạn chuyển tiếp từ động tác này đến động tác kia nhằm tiết kiệm thời gian và cuối cùng quy định một thứ tự trong việc thực hiện động tác mà người công nhân phải theo”. Người Pháp đã tiêu chuẩn hóa động tác cạo mủ ở Công ty cao su Đất Đỏ được quy định là 7. Đến năm 1945 đưa ra 5 động tác tiêu chuẩn.

Thời ấy phu đồn điền đã cạo mủ với trình độ tay nghề mà Van Hufel – một phu tá đồn điền Đất Đỏ nhận xét: “Chúng ta có một lực lượng lao động khéo tay một cách kỳ lạ và có một ý thức bẩm sinh trong việc tiết kiệm thao tác”. Họ đã thực hiện việc kiểm tra kỹ thuật cạo mủ một cách “định hướng hóa” chất lượng cạo mủ ở các cấp quản lý. “Mỗi thông số có một hệ số đi kèm để tính điểm thưởng, phạt. Tổng số điểm, nếu dưới 20 thì được xếp vào loại ưu; từ 60 đến 70 loại trung bình; cao hơn là loại kém”. “Việc kiểm tra cạo mủ không chỉ để thúc đẩy người công nhân làm tốt công việc của mình mà số liệu kiểm tra của từng phần cây, tập hợp lại thành số liệu từng lô, thể hiện bằng biểu đồ và ghi rõ trong sổ “cạo mủ” cho phép giám đốc đồn điền, tổng giám đốc nhìn rõ tình hình cạo mủ”.

Họ đã xác định tầm quan trọng của việc kiểm tra kỹ thuật cạo mủ. “Tài sản của một đồn điền cao su tập trung vào vỏ cây cao su. Việc kiểm tra cạo mủ cao su là một cách bảo vệ cái tài sản này từ xa”. Từ thực tiễn họ đã đánh giá: “Về mặt kinh tế, việc kiểm tra cạo mủ đã mang thêm lợi nhuận cho Công ty Đất Đỏ”. Theo mốc lương của sổ kỹ thuật thì năm 1937, riêng việc cạo đúng độ sâu và độ hao dăm đã làm tăng sản lượng mủ 1.000 tấn bằng 6% sản lượng cao su khô năm ấy. Giá thành của khâu cạo mủ cao su từ năm 1936 đến năm 1938 chỉ tăng 11%, trong khi lương công nhân tăng 18% và lạm phát trong thời gian ấy cũng tăng”.

Như vậy chúng ta có thể nói rằng cơ sở lý luận và thực tiễn của việc kiểm tra kỹ thuật cạo mủ ở Việt Nam đã có từ thời ấy. Đó là điều kiện bắt buộc của “nghề cạo mủ” được kiểm tra chặt chẽ định kỳ, phân loại, ghi chép cẩn thận. Nó phản ánh trình độ tay nghề công nhân và trình độ, khả năng quản lý của từng cấp. Đồng thời nó trở thành mục tiêu cai trị của chủ Tây gắn với các hành động đàn áp, bóc lột phu đồn điền. Trong sách “Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam” (trang 38, 39) đã ghi rõ: 15 tội liên quan đến kỹ thuật cạo mủ cao su. “Trong tất cả các loại hình phạt mà chúng áp dụng đối với công nhân thì hình phạt đối với cạo phạm” là nặng nhất… “Chúng bắt người công nhân “cạo phạm” đó nằm xuống bên gốc cây cao su đó rồi đánh. Đánh xong chúng lấy mủ nước cao su dội lên đầu”.

Chị Huỳnh Thị Thu Hương – Cao su Chư Sê đạt giải nhất cá nhân Hội thi khu vực Tây Nguyên – miền Trung vào năm 1997.
Hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, để chuẩn hóa, tiên tiến, nghệ thuật hóa nghề cạo mủ

Lịch sử, quá khứ đau thương ấy đã chấm dứt từ lâu, từ ngày có Đảng, Tổ quốc thống nhất, cao su phát triển mọi miền và người công nhân trở thành người chủ của vườn cây nhà máy. Nhận thức được giá trị “cốt lõi” của nghề cao su, các thế hệ công nhân cao su Việt Nam đã giác ngộ giai cấp cách mạng, tiên phong đã luôn kiên trì, cần mẫn, bền bỉ, sáng tạo để hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, để chuẩn hóa, tiên tiến, nghệ thuật hóa nghề cạo mủ”.

Chính phong trào công nhân từ trong cuộc sống gian nan vượt khó đi lên đã sáng tạo ra phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” cạo mủ cao su. Theo dòng lịch sử và theo tác giả Đặng Văn Vinh kể lại: “Đến năm 1965 (ở các nông trường trồng cao su từ năm 1958 ở khu 4). Chúng tôi bắt đầu đào tạo công nhân cạo mủ cao su đầu tiên, những người “Thợ thủ công” của ngành cao su như người Pháp thường khen ngợi, đồng thời cũng là người bảo vệ trực tiếp “Cái vốn quý” của các nông trường quốc doanh là vỏ cây cao su”… “Chúng tôi rút kinh nghiệm quản lý khai thác của các đồn điền Pháp trước Cách mạng Tháng Tám để đào tạo công nhân cạo và xây dựng một phương pháp kiểm tra cạo mủ phù hợp với điều kiện của các nông trường quốc doanh lúc ấy. Nói chung là chặt chẽ”…

“Để nâng cao tay nghề cho công nhân cạo mủ, hàng năm có những đợt luyện tay nghề – thi thợ giỏi, từ tổ lên đội, từ đội lên nông trường và sau cùng là thi toàn ngành. Chúng tôi rút kinh nghiệm luyện tay nghề- thi thợ giỏi của ngành chè (trà) để tổ chức luyện và thi. Ngoài các thao tác cơ bản, người công nhân phải thi vấn đáp về nghề nghiệp của mình. Các thao tác cơ bản được hệ thống hoá thành “yếu lĩnh” của công việc cạo mủ”… “Luyện tay nghề -thi thợ giỏi là một cách luyện công nhân rất tốt và cũng là một cách rèn luyện bản lĩnh lãnh đạo của các giám đốc nông trường quốc doanh”…“Chúng tôi rất quan tâm quản lý kỹ thuật trong ngành cao su theo hướng: chặt chẽ, nghiêm túc, nề nếp như chúng tôi đã thấy thực hiện trong các đồn điền của Tây; có khác là chúng tôi quan tâm công tác giáo dục và kiểm tra trên tinh thần dân chủ và tôn trọng công nhân…”. Ở miền Đông Nam Bộ – thủ phủ của cây cao su Việt Nam, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, các đồn điền chúng ta tiếp quản từ các ông chủ người Pháp vườn cây, nhà máy hoang tàn bởi chiến tranh; bom mìn dày đặc phải mất 5 năm để khôi phục sản xuất với bao hy sinh mất mát và trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, gian khổ, thiếu thốn của đất nước và của ngành sau hậu chiến. Cán bộ công nhân ngành cao su đứng vững và đi lên, nhiều nông trường, nhà máy được thành lập, mở rộng diện tích, cao su bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Ban giám khảo chấm điểm thi dụng cụ tại hội thi năm 1998.
Công đoàn Cao su Việt Nam phát động phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi từ năm 1980

Theo lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam: “Đầu năm 1980, Công đoàn Cao su Việt Nam đề ra kế hoạch phát động phong trào làm cao su giỏi trong toàn ngành, phong trào kết hợp nhiều mặt (phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, hợp lý hóa tổ chức, cải tiến lề lối làm việc…) được Công đoàn và lãnh đạo từng đơn vị vận dụng và chỉ đạo thực hiện tốt…Do đó ở các nông trường, công ty đã nổi lên phong trào “Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi”, góp phần giải quyết cơ bản tình hình thiếu công nhân. Hàng năm ở các nông trường vào mùa cạo mủ… công nhân tích cực hưởng ứng phong trào này và coi đây là ngày hội của các đơn vị. Phong trào thành hoạt động thường xuyên. Công đoàn các cấp luôn đôn đốc, động viên, kiểm tra, khen thưởng kịp thời. Năm 1984 tại Đồng Nai, Tổng Công ty Cao su Việt Nam và Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam lần đầu tiên tổ chức kiểm tra tay nghề công nhân cạo mủ cao su và công nhân lai tháp. Tham dự có công nhân thợ giỏi các đơn vị miền Đông Nam Bộ. Mặc dù chưa phải là Hội thi, song là khởi đầu manh nha cho Hội thi cấp ngành.

Cùng với sự phát triển của ngành tại các đơn vị miền Đông theo chương trình hợp tác Việt – Xô. Ngành cao su mở đất phát triển cao su lên Tây Nguyên theo hình thức “Gà mẹ đẻ gà con”, rộng ra Duyên hải miền Trung. Thời kỳ sau đổi mới đến giai đoạn 1993 – 1998. Với vai trò của mình, Công đoàn Cao su Việt Nam đã phối hợp với chính quyền tổ chức các phong trào thi đua, phát huy sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nổi bật là phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi, phong trào này đã chú trọng đi vào chiều sâu, chất lượng và có hiệu quả.

Với phương châm “công nhân yếu khâu nào, luyện khâu đó”, hàng ngày, ngay trên phần cây của mình. Sức lan tỏa từ cấp tổ, đội, nông trường, công ty và toàn ngành. Từng đơn vị hàng năm đều tổ chức Hội thi từ cấp tổ đến cấp công ty, đồng thời cấp ngành tổ chức từng khu vực. Nhiều đơn vị có phong trào phát triển mạnh mẽ như Đồng Nai, Dầu Tiếng, Bình Long, Lộc Ninh, Phú Riềng, Phước Hoà hàng năm đều tổ chức Hội thi (riêng Bình Long đến năm 2022 đã tổ chức 18 lần). Đặc biệt năm 1995, Công đoàn Cao su Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty tổ chức thành công Hội thi khu vực Tây Nguyên, Quảng Trị.

Thông qua phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi hàng năm có hàng chục ngàn công nhân được xếp nâng bậc lương, công nhận thợ giỏi. Công nhân có trình độ tay nghề giỏi tăng hàng năm. Năng suất lao động, năng suất vườn cây đã tăng vượt trội.

Năm 1998, lần đầu tiên toàn ngành tổ chức Hội thi tại Phú Riềng Đỏ – Phú Riềng. Đây là mốc được tính lần thứ nhất, định kỳ 2 năm 1 lần. Năm 2022 là Hội thi lần thứ XIII, là Hội thi có quy mô lớn nhất, số đoàn và thí sinh tham dự đông nhất (miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, phía Bắc, Lào, Campuchia, các đơn vị quân đội làm kinh tế, các đơn vị doanh nghiệp của các tỉnh…)

Có thể khẳng định rằng: Phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi là một phong trào truyền thống của ngành cao su. Nên tính năm 1906 cây cao su trồng ở Việt Nam đến khi đưa vào khai thác lấy mủ năm 1914 thì đã xuất hiện một nghề mới “Nghề cạo mủ cao su”. Kỹ thuật cạo mủ cao su đòi hỏi người thợ được đào tạo bài bản và thực hành hàng ngày trên cây cao su. Tay nghề là “Cốt lõi”, tay nghề là “Tự thân”, là kỹ năng nghề nghiệp gắn với một quá trình khổ luyện để tự hoàn thiện và nâng cao. Luyện tay nghề là một nhu cầu của mỗi người thợ. Đánh giá tay nghề thông qua kiểm tra kỹ thuật trên cây cao su định kỳ. Thời Pháp thuộc người thi là nô lệ, tay nghề là miếng cơm manh áo đỡ đần đòn roi đoạ đày.

Thời đại mới công nhân làm chủ sáng tạo, tay nghề là khẳng định mình, làm chủ vườn cây, năng suất lao động và làm chủ thu nhập xây dựng cuộc sống, xây dựng nông trường, xây dựng công ty. Luyện tay nghề là quá trình, Hội thi là tổng kết trình độ. Ngày hội của người thợ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thi thố tài năng, vinh danh người thợ giỏi. Bởi vậy Hội thi thợ giỏi cạo mủ cao su theo tài liệu lịch sử hiện có thì đã cách đây 57 năm (1965) ở các nông trường trồng cao su phía Bắc.

Trải qua 12 lần Hội thi với các tên gọi khác nhau. Hội thi thợ giỏi cạo mủ cao su; Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su; và hiện nay Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su. Chúng ta luôn luôn đổi mới nội dung, hình thức tổ chức thi đáp ứng với thực tiễn sản xuất và tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nội dung cốt lõi của Hội thi: lý thuyết, thực hành trang bị vật tư với nhiều chuẩn mới tiên tiến, hiệu quả, mở mang kiến thức cho người thợ theo quy trình quản lý kỹ thuật mới năm 2020.

Từ Hội thi lần thứ X năm 2016 tại Cao su Bình long đã đổi mới hình thức vinh danh. Lần đầu tiên công nhận danh hiệu “Bàn tay vàng” 100/100 điểm; “Kiện tướng” 95,5/100 điểm. Đây là sự ghi nhận trình độ tay nghề của người thợ làm nức lòng của hơn 40.000 người thợ trong toàn ngành. Đạt được danh hiệu “Bàn tay vàng”, “Kiện tướng” là ước mơ cả đời của người thợ gian nan vất vả, khổ luyện với vườn cây, nghĩa tình gắn bó với ngành. Kể từ Hội thi đó đến nay hàng chục Bàn tay vàng, hàng trăm Kiện tướng từ cấp công ty đến cấp ngành là những người lao động xuất sắc, là những bông hoa rực rỡ của phong trào thi đua yêu nước. Họ xứng đáng được nhận bằng “Lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việc này Công đoàn Cao su Việt Nam đang xúc tiến. Đồng thời kiến nghị với Hội đồng giải thưởng Cao su Việt Nam xem xét, xét tặng giải thưởng này cho bàn tay vàng ở những thứ hạng đầu của Hội thi (nhất, nhì, ba).

Chúng ta đang ở thời đại công nghệ 4.0. Nhiều công việc của con người đã được máy móc, thiết bị, công nghệ thay thế. Cạo mủ cao su đã và đang chế tạo thành công máy móc thay con người. Dẫu vậy còn nhiều bộc lộ bất cập khi máy móc thay thế con người trên vườn cây với hàng tỷ cây và diện tích vô cùng rộng lớn. Tương lai xa đang chờ đón. Tương lai gần “Thợ cạo mủ cao su” vẫn còn tồn tại và phát huy hiệu quả của nó.

“Luyện tay nghề – thi thợ giỏi” – “Hội thi bàn tay vàng thu hoạch mủ” – Danh hiệu “Bàn tay vàng”; “Kiện tướng” vẫn còn nguyên giá trị truyền thống mang nhiều ý nghĩa và cảm xúc. Tôn vinh hình ảnh cao đẹp của người thợ cao su – ngày Hội truyền thống của công nhân cao su Việt Nam anh hùng.

TRỌNG NHÂN