Ông Lưu Bình Nhưỡng: ‘Nông nghiệp vừa là bà đỡ, vừa là chị nuôi, bác sĩ’

CSVNO – Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 29/3, nhiều đại biểu dành những ý kiến tâm huyết, mong Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp.
Cần xây dựng Việt Nam trở thành cường quốc về nông nghiệp

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) chia sẻ: Chúng tôi rất ấn tượng với những quyết định sáng suốt của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, chẳng hạn như khi người dân băn khoăn về môi trường bị tàn phá thì Thủ tướng đã khẳng định là “không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế”.

Khi nhân dân Tây Nguyên băn khoăn về những cánh rừng bị tàn phá thì Thủ tướng đã chỉ đạo là kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, với khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”, “Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép” của Chính phủ đã được nhân dân đồng tình ủng hộ và đó là sức mạnh của niềm tin, sức mạnh của cả dân tộc và khẳng định sự đúng đắn trong điều hành của Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng: “Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016 – 2020 được đánh giá rất cao và đã về đích sớm trước hai năm là một thành tích đáng tự hào”.

Đại biểu của Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ cần phải quan tâm tới việc làm sao để hình ảnh nông thôn Việt Nam không bị đô thị hóa một cách toàn diện và nông thôn phải giữ được hồn cốt của làng xã Việt Nam.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: “Cần đặc biệt quan tâm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu xây dựng vị trí là một cường quốc nông nghiệp”.

Ông cho rằng, cần tận dụng mọi tiềm năng nguồn lực sẵn có và thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ để tổ chức một nền nông nghiệp tiên tiến, hữu cơ, nông nghiệp sạch, có đẳng cấp cao, phục vụ nhu cầu ngày càng cao, an toàn trong nước và thế giới.

“Tôi coi nông nghiệp vừa là bà đỡ, vừa là chị nuôi, vừa là người bác sĩ. Đặc biệt trong những lúc mà đất nước ta bị tổn thương”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Nhận xét kết quả công tác trong nhiệm kỳ vừa qua của các Bộ, ngành, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tổng kết ngắn gọn: “Bộ NN-PTNT đã rũ bùn đứng dậy chói lòa. Bộ Y tế kiên cường chống dịch. Một Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội luôn quan tâm đến đời sống an sinh của nhân dân. Bộ Công an kiên quyết, khôn khéo để bảo vệ sự bình an cho đất nước. Bộ Quốc phòng đã làm hết sức mình để đất nước hòa bình. Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương đã mở ra được những đại lộ khai phong cho Việt Nam hội nhập hiệu quả. Bộ Tài nguyên Môi trường trăn trở lăn lộn với môi trường rừng núi. Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch với sự tiến bộ vượt bậc về thể thao, về bóng đá, sự thăng hạng liên tục của du lịch Việt Nam…”.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An). Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Cần cởi trói chuyển đổi đất lúa, phát triển hạ tầng

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh tăng cường hơn nữa phân cấp, phân quyền cho địa phương. Tránh tình trạng nhiều công việc ùn tắc, chậm trễ, kém hiệu quả. Nữ đại biểu tỉnh Long An ví dụ:

Các tỉnh, thành phố chỉ được quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha, còn từ trên 10 ha trở lên phải trình cho Thủ tướng Chính phủ quyết định. Quy định này nhiều lúc đã kéo dài thời gian chờ đợi, thậm chí lỡ mất cơ hội đầu tư. Trong khi đó, các địa phương đã nhiều lần đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền nội dung này cho các tỉnh, thành phố.

Liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế – xã hội khu vực Tây Nguyên, đại biểu Võ Đình Tín (Đăk Nông), nhận định: Việc Chính phủ báo cáo “hạ tầng giao thông, nhất là vùng miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội” là chưa đủ và thiếu vùng Tây Nguyên. Vì Tây Nguyên cũng là địa bàn rất cần sự đầu tư về hạ tầng giao thông để làm động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội ở vùng này.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Ngô Trung Thành (Đăk Lăk) cho biết: Tây Nguyên có thế mạnh lớn về cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều, tiêu, có khả năng đóng góp giá trị lớn cho nền kinh tế đất nước. Ví dụ, như đối với cà phê, nước ta có sản lượng cà phê đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD/1 năm nhưng chủ yếu chúng ta xuất khẩu cà phê nguyên liệu, chưa có chế biến sâu nên giá trị thấp, hiệu quả không cao.

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn Đăk Lăk).

“Chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu cà phê mang tầm quốc tế, chưa có doanh nghiệp cà phê đủ lớn để tham gia có hiệu quả trong việc điều tiết giá cà phê, dẫn đến nông dân Tây Nguyên luôn rất khổ sở với tình trạng được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần phải có giải pháp chiến lược để phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có này của vùng Tây Nguyên hơn là đi tìm kiếm, phát huy những tiềm năng, thế mạnh khác mà mình không có”, Đại biểu Đăk Lăk nói.

Cũng theo đại biểu Ngô Trung Thành, đối với Tây Nguyên còn vấn đề lớn tồn tại từ nhiều năm nay mà chưa được tháo gỡ. Đó là vấn đề đất đai nông, lâm trường. Đất Tây Nguyên có thế mạnh to lớn trong trồng cây công nghiệp giá trị cao. Tuy nhiên, hiện nay diện tích đất không nhỏ đang do các nông, lâm trường quản lý, sử dụng nhưng thực sự không hiệu quả, dẫn đến rất lãng phí.

Đặc biệt còn có tình trạng yếu kém trong quản lý dẫn đến tranh chấp gây mất ổn định an toàn trật tự ở cơ sở, trong khi đó nhân dân lại thiếu đất sản xuất.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ kiên quyết sớm cho phá sản, giải thể các công ty nông, lâm nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, giao đất về địa phương quản lý để nhân dân có thêm đất sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tránh lãng phí nguồn lực to lớn này.

Ông cho rằng: “Để đất nước cất cánh được thì các vùng, các địa phương phải cất cánh. Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng, nhưng Tây Nguyên không thể cất cánh được nếu như vùng Tây Nguyên chưa được kết nối thuận lợi cho thông thương hàng hóa”.

theo MINH PHÚC (Báo Nông nghiệp Việt Nam)