Nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành cao nhất kế hoạch 2022

CSVN – Đó là ý kiến chỉ đạo của TGĐ VRG Lê Thanh Hưng tại buổi làm việc với các trưởng, phó ban chuyên môn, đánh giá kết quả 10 tháng đầu năm và định hướng một số giải pháp triển khai nhiệm vụ 2 tháng cuối năm, ngày 28/10.

Đảm bảo hiệu quả tối đa thu hoạch trên vườn cây kinh doanh. Ảnh: Vũ Phong
Dự kiến đạt 105,5% kế hoạch sản lượng

Dự kiến đến ngày 31/10 toàn Tập đoàn khai thác được 318.679 tấn đạt 79,5% kế hoạch sản lượng (KHSL) năm 2022, tiến độ cao hơn cùng kỳ năm 2021 0,6% (về lượng khai thác nhiều hơn 23.249 tấn). Dự kiến đến 31/12 khai thác được 426.178 tấn đạt 105,5% KHSL và năng suất bình quân đạt 1,58 tấn/ ha, so với cùng kỳ 2021 Tập đoàn khai thác được nhiều hơn 23.260 tấn.

Để đảm bảo mục tiêu hoàn thành và vượt KHSL năm 2022, đại diện Ban Quản lý kỹ thuật cho rằng, cần tiếp tục chú trọng tăng cường các giải pháp kỹ thuật và quyết liệt trong việc thực hiện KHSL năm 2022 bằng các giải pháp như: Vận động cạo khoán, cạo choàng, cạo bù những ngày không cạo được do ảnh hưởng mưa bão; có chế độ chính sách thu hút lao động, đảm bảo hiệu quả tối đa thu hoạch trên vườn cây kinh doanh có thể; chuyển chế độ cạo phù hợp với điều kiện lao động có thể; đồng thời thường xuyên kiểm tra gia cố dây dẫn mủ, máng chắn mưa, tấm che chén đảm bảo hiệu quả phục vụ tốt cho công tác thu hoạch mủ trong những ngày mưa; tăng cường công tác quản lý và quyết liệt bảo vệ sản phẩm mủ ngoài vườn cây, tận thu hết mủ phụ trên lô…

Về công tác tái canh (TC), theo Ban QLKT, tổng diện tích thực hiện TC năm 2022 là 5.765,26 ha (trong đó Đông Nam Bộ TC hơn 4.440 ha, Tây Nguyên hơn 1.278 ha và Duyên hải miền Trung hơn 46 ha). Công tác TC còn gặp một số khó khăn khách quan tập trung ở khâu cưa cắt thanh lý vườn cây; chưa có phương án sản xuất, tiêu thụ gỗ đối với các diện tích cây cao su thanh lý để TC ở nước ngoài (Lào) dẫn đến chưa thúc đẩy được công tác cưa cắt TC….

Về công tác tiêu thụ, đại diện Ban Thị trường kinh doanh cho biết, tính đến 20/10, toàn Tập đoàn tiêu thụ 339.849 tấn cao su các loại, đạt 71,4% kế hoạch (KH 476.240 tấn). Trong đó, hợp đồng dài hạn (HĐDH) 130.156 tấn đạt 38,3% sản lượng tiêu thụ; tổng HĐDH đã ký đến 15/9 là 178.891 tấn đạt 37,6% KH tiêu thụ (giảm 704 tấn so với tháng 9/2022). Trong đó, Công ty mẹ Tập đoàn đã ký kết HĐ đầu ra các loại: 51.065 tấn; đã giao hàng 22.381 tấn, tăng 3.683 tấn so với tháng 9.

Một trong những các giải pháp kịch bản trong trường hợp tiêu thụ khó khăn cho các tháng còn lại cuối năm 2022 của Công ty mẹ Tập đoàn, là tập trung tìm kiếm khách hàng để tiêu thụ sản phẩm, thương thảo để ký kết các HĐDH, HĐNH và HĐ chuyến cho năm 2023; tham mưu các đơn vị chủ động tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo tiêu thụ đạt và vượt số lượng Tập đoàn đã giao.

“Trong trường hợp cuối năm đơn vị còn tồn kho hàng hóa nhiều ảnh hưởng tới khả năng thanh khoản và các hoạt động của đơn vị. Ban TTKD tính toán khả năng đề xuất lãnh đạo Tập đoàn phương án quyết định khối lượng mua hàng hóa của đơn vị thực sự khó khăn cuối năm để giải quyết các hoạt động thường nhật. Tập đoàn mua hàng thanh toán và vận chuyển về Việt Nam lưu kho để chuyển kinh doanh trong năm 2023 trường hợp thị trường không thuận lợi vào tháng 12…”, đại diện Ban TTKD đề xuất.

Chất lượng sản phẩm mủ cao su VRG ngày càng được nâng cao. Ảnh: Vũ Phong
Nêu cao tinh thần trách nhiệm của các ban chuyên môn

Đối với công tác chế biến, 9 tháng đầu năm 2022 toàn Tập đoàn chế biến được hơn 309.059 tấn, đạt 65,5% so với KH, đạt 104% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu sản phẩm mủ SVR10, 20 đạt 49% tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu sản phẩm.

Đại diện Ban Công nghiệp cho biết, tiếp tục bám sát kế hoạch Chương trình phát triển bền vững năm 2022, xây dựng kế hoạch cho quý IV/2022 với các nhiệm vụ trọng tâm như: triển khai các hoạt động trong lộ trình tái kết nối với FSC về trách nhiệm môi trường – xã hội, ngăn chặn vi phạm chính sách FSC và xây dựng sự tin cậy; tiếp tục phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế để tập huấn, hướng dẫn cho các đơn vị thành viên thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và các chứng chỉ về bền vững, theo dõi và hỗ trợ thực hiện chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm cho các nhà máy chế biến mủ/gỗ cao su…

Điều hành về công tác nông nghiệp, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG khẳng định, hiện nay theo số liệu tính toán mức độ hợp lý chắc chắn sẽ đạt 5,7 – 6% và sẽ đạt mức 6% là tốt nhất. Đối với việc thực hiện kế hoạch sản lượng, các đơn vị năm nay sản lượng sẽ vượt nhiều, dự phòng cho các yếu tố bất thường về thời tiết, lấy sản lượng bù vào giá và chính sách lợi nhuận của Tập đoàn…

Về công tác tái canh, năm nay rất chậm so với các năm trước trong việc cưa cắt. Đề nghị TGĐ có chỉ đạo để các ban liên quan, chủ trì là Ban KHĐT, Ban TCKT, Ban QLKT có đánh giá, sự chuẩn bị từ khâu cây giống, đất đai, đến kế hoạch, khả năng thanh lý, dự báo cả thị trường gỗ…

“Tuy nhiên lưu ý dòng tái canh hàng năm có số tương đối để đảm bảo cơ cấu vườn cây hợp lý, nếu chúng ta làm gấp trong 1 năm không có tái canh hợp lý sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cơ cấu, độ tuổi vườn cây, ảnh hưởng quá trình khai thác. Ngoài ra, tích cực chỉ đạo Ban QLKT rà xét sớm tái cơ cấu giống vườn cây…”, ông Tú đặc biệt lưu ý.

Về vấn đề này, TGĐ VRG Lê Thanh Hưng chỉ đạo, “Thống nhất cao về công tác tái cơ cấu giống. Quy trình Tập đoàn đã có về trồng dặm, nhưng theo tôi trồng dặm năm thứ 2 hiệu quả không cao. Đề nghị tiếp tục chỉ đạo, mặc dù quy trình chung nhưng thực hiện theo ý kiến chỉ đạo. Riêng Tập đoàn công tác trồng, chăm sóc và khai thác rất tiến bộ so với nhiều nước trên thế giới, vì vậy phải trồng, định hình ngay từ năm đầu tiên…”.

Trong công tác chế biến, ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG nhấn mạnh, Ban Công nghiệp tiếp tục tập trung chỉ đạo chế biến cho được 470 ngàn tấn mủ cao su (vừa thu mua vừa khai thác) dự kiến đến cuối năm, kể cả khoảng 5% vượt sản lượng như Ban QLKT đã trao đổi. Trong đó có 363 ngàn tấn cao su mang thương hiệu VRG theo yêu cầu của HĐQT Tập đoàn; phối hợp với các ban liên quan đặc biệt Ban Xây dựng cơ bản đưa dây chuyền 2 của Phước Hòa K, Chư păh K, CRCK hoạt động vào cuối năm đúng tiến độ như đã thống nhất…

Về môi trường, ông Trung đề nghị: “Ban cần sớm rà soát lại quy chế quản lý và bảo vệ môi trường Tập đoàn đã ban hành năm 2019, để điều chỉnh cho phù hợp Luật Môi trường và Nghị định, Thông tư mới ban hành. Tập trung chỉ đạo xây dựng phương án phát triển rừng bền vững, chứng chỉ rừng theo kế hoạch đã được HĐQT phê duyệt đầu năm…”.

Kết luận buổi làm việc, ông Lê Thanh Hưng thống nhất cao báo cáo 10 tháng và phương hướng 2 tháng cuối năm của các ban chuyên môn và ý kiến chỉ đạo của các thành viên Ban TGĐ. TGĐ cho rằng, thời gian còn hơn hai tháng, công việc cuối năm rất nhiều. Quý IV là quý nước rút, đề nghị các ban chuyên môn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy những việc đã làm, khắc phục những tồn tại, nỗ lực cố gắng, quyết tâm hoàn thành cao nhất kế hoạch 2022.

NGUYỄN LÝ