Gởi tình yêu vào đất…

CSVN – Xin mượn lời bài hát “Khát vọng” của cố nhạc sỹ Thuận Yến  để nói về tình yêu và niềm tin của những chàng kỹ sư lâm sinh tuổi đời còn rất trẻ mà chúng tôi gặp tại dự án trồng rừng nguyên liệu nhà máy gỗ MDF VRG Kiên Giang.

Kỹ sư Danh Thanh Tiền bên vườn ươm giống tràm Úc
Gian nan nghề trồng rừng…

Bỏ lại sau lưng phố xá sầm uất, cách thành phố Rạch Giá gần 40 cây số, theo quốc lộ 80 chúng tôi đến xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất – nơi có diện tích 2.500ha (rừng phòng hộ và rừng sản xuất) trồng rừng tràm nguyên liệu của nhà máy. Được biết tại đây công ty đang thực hiện trồng thử nghiệm 20 ha giống tràm Úc do nhóm kỹ sư lâm sinh Danh Thanh Tiền phụ trách từ việc chọn giống – vườn ươm – trồng và chăm sóc.

Trong mênh mang nắng và gió, chúng tôi xuống vỏ lãi Composite xuyên kênh KH9 để vào dự án. Hai bên bờ kênh bạt ngàn tràm – đặc sản của vùng đất phèn chua. Át cả tiếng sóng, gió và động cơ máy, anh Phan Hiền – Kỹ sư lâm sinh cười “giòn tan” cho biết, đặc sản của vùng đất này ngoài cây tràm ra, còn là nắng, là gió và vị chua của đất phèn. “Cái nghề trồng rừng vốn quen với gian khổ, cuộc đời làm bạn với cây và đất, do vậy nắng cỡ nào cũng không hề hấn gì, bởi đã “miễn dịch” nên da cũng không thể đen hơn”.

Trời xanh, nước trong, dưới dòng kênh chỉ là cỏ năn bám đỏ màu của đất phèn. Thỉnh thoảng, những đàn cò trắng bay vụt lên không trung khi vỏ lãi xé nước chạy qua. Trông xa, vài cụm bông súng nở bung rung rinh theo nhịp sóng, đỏ rực trên mặt kênh khiến lòng tôi lắng lại bao nỗi niềm về những gian nan của nghề trồng rừng của thuở khai hoang mở đất…

Băng theo dòng kênh, đi qua cống ngăn mặn, lâu lâu anh lái vỏ dặn với lên “nhớ vịn chặt vào thành vỏ không sẽ văng xuống kênh nghen!” –  Đó là lúc vỏ lãi phải “phóng” qua những cái đập mà vào mùa này nước cạn khô. Mỗi lần như vậy, chúng tôi “sợ chết khiếp”, nhưng với anh kỹ sư trẻ trong đoàn thì đó là “Một cảm giác rất Yomost”. Tiếng cười lan tỏa, vang vọng trong khu rừng tràm mênh mang.

Hơn 30 phút chúng tôi cũng đã đến nơi cần đến. Cái nắng gần đúng ngọ tại vùng đất Tây Nam của Tổ quốc thật lạ, nó không gay gắt như tôi nghĩ, có lẽ chính sự hăm hở lên đường, tinh thần hăng hái trong công việc của những người trẻ nơi đây đã khiến cho cái nắng dịu lại chăng?

Anh Nguyễn Văn No – Kỹ sư lâm sinh, chống vỏ ra đưa chúng tôi đến khoảnh 12 nơi đang trồng thử nghiệm giống cây tràm Úc trên vùng đất vừa khai thác. Nụ cười tỏa nắng trên khuôn mặt rám đỏ đã nói lên nhiều điều về công việc mà anh đang gắn bó. Anh kể hào hứng về công việc giám sát trồng rừng, vệ sinh rừng, bảo vệ rừng của mình với giọng đầy tâm huyết. Với anh, từ khâu chọn giống trồng đến chăm sóc nếu thực hiện đúng yêu cầu thì cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại năng suất cao.

“Khoảng cách giữa các cây rất quan trọng. Nếu trồng dày khi cây phát triển, không gian sống hẹp sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Còn nếu trồng thưa sẽ lãng phí đất. Khi trồng phải tuân  thủ đúng thước tấc, độ nông sâu và mật độ 20.000 cây/ha chắc chắn cây sẽ phát triển tốt hơn”, anh No chia sẻ.

Nhìn đôi bàn tay thuần thục của những người nông dân nhận giao khoán trồng rừng, cũng đủ biết họ có “thâm niên” trong công việc. Vừa trao đổi với anh Tiền về kỹ thuật xuống giống, bác Sáu Hồng hồ hởi cho biết: “ 65 năm tuổi đời, gắn bó với nghề trồng rừng cũng hơn 15 năm, tui thuộc từng khoảnh đất như thuộc “đường đi nước bước”. Cũng gian nan, cực thân nhưng riết rồi quen. Mần hoài cũng ghiền, cứ có tiền xài là vui rồi!”.

Kiểm tra công tác xuống giống tại khu rừng trồng thử nghiệm
…để nhà máy ngang trời khói tỏa

Đứng trên liếp đất “bằng rang”, những chồi non đang “cựa mình” trong nắng. Mỗi người theo đuổi một nỗi niềm, nhưng có lẽ niềm vui chung trong tương lai  không xa công ty sẽ  có  nguồn giống đạt  chất  lượng, giảm giá thành, không qua khâu trung gian, đảm bảo đủ nguồn giống, để thực hiện công tác trồng mới gần 500ha vào năm 2021. Và với trên 3.900ha rừng tràm Úc và keo lai ở Hòn Đất và An Minh sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho nhà máy chế biến ngang trời khói tỏa cứ miên man…

Trên đường về, chúng tôi ghé thăm chốt bảo vệ – Văn phòng làm việc của dự án. Một nhà ăn tập thể đang đi vào hoàn thiện. Một chòi quan sát chống cháy toàn khu rừng cao 25m bằng bê tông cốt sắt đang được xây dựng để thay chòi cũ vươn cao giữa nền trời rộng lớn với mênh mang màu xanh của rừng tràm…

Vâng, khó khăn còn nhiều, gian nan thử thách vẫn còn phía trước. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, tâm huyết của những người trồng rừng như anh Hiền, anh Tiền, anh No và cả những trăn trở của ban lãnh đạo về nguồn giống đạt chất lượng, từng bước giúp công ty chủ động hơn về công tác giống, giảm giá thành, năng suất cao gởi vào khu vườn thử nghiệm.

Chính nơi này, công việc của những người ươm cây trên vùng đất khó đã giúp chúng tôi hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng của các anh. “Đây  là kết quả của nhóm kỹ sư sau một năm mày mò, nghiên cứu và thực hiện. Giống cây mua từ Viện khoa học Lâm nghiệp miền Nam, được thử nghiệm tại vườn ươm công ty, khoán trồng và giao bảo vệ tự chăm sóc. Hy vọng với chi phí đầu tư thấp, giống cây chống chịu với vùng đất phèn sẽ sinh trưởng tốt, cho năng suất cao” – anh Tiền nâng niu từng bầu cây trước khi trồng xuống đất, trải lòng.

Xuân đang về trên những cánh rừng ở vùng đất cực Nam Tổ quốc, đi trong hương tràm, đâu đó trong gió ngàn những ca từ vang vọng ngân xa: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”. Lòng xốn xang khi những tấm gỗ “MDF VRG Kiên Giang – Nỗ lực – Bứt phá – Chất lượng vươn xa” đang xuất xưởng đi khắp muôn nơi.

NGUYỄN LÝ