Thiếu tướng Trần Tử Bình và những đóng góp to lớn trong phong trào công nhân cao su

“Lúc cha mất, tôi còn là một cậu bé 8 tuổi. Khi vào đại học, lần đầu tiên học môn lịch sử Đảng thì sự kiện Phú Riềng Đỏ đã làm tôi bất ngờ khi cha mình là một trong những nhân vật gắn chặt vào sự kiện ấy”. Đó là cảm xúc của ông Trần Việt Trung – Con trai Thiếu tướng Trần Tử Bình, người cộng sản kiên trung, người viết nên trang sử hào hùng của phong trào công nhân cao su.

Từ phu công tra

Thiếu tướng Trần Tử Bình tên thật là Phạm Văn Phu, sinh năm 1907 trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo Thiên chúa tại xã Tiêu Đồng, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Vì tham gia phong trào yêu nước vận động giáo sinh cùng để tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh nên cuối năm 1926 ông bị buộc thôi học.

Để vào được Nam Kỳ, ông quyết định tham gia mộ phu do tư bản thực dân Pháp thực hiện. Trong hồi ký của ông có viết: “Khắp các ngả đường quán chợ dán la liệt những tờ mộ phu đi “tân thế giới”, đi Nam Kỳ làm phu đồn điền. Thực dân Pháp đang khan hiếm nhân công cho kế hoạch khai thác bóc lột. Vì vậy những tờ thông báo đầy những lời đường mật như: đi thời hạn 3 năm, hết hạn sẽ được về quê, mọi phí tổn tàu xe được trả hết; nào là cơm ăn hằng ngày ba bữa no nê, có thịt bò, có cá…”. Những lời dụ ngọt ấy đã đánh lừa được hàng trăm nông dân đến từ các tỉnh Hà Nam Ninh lúc bấy giờ đồng ý ký hợp đồng với tư bản thực dân Pháp.

Để làm tại “tân thế giới”, tất cả số phu tham gia này được tập trung đi bằng đường thủy xuất phát từ Hải Phòng. Sau khi tàu đến Sài Gòn – Gia Định, thực dân Pháp chia tách từng nhóm người để đến với nhiều đồn điền khác nhau tại Nam bộ. Ông cùng 150 người từ Hà Nam được đưa đến đồn điền Phú Riềng.

Nói về việc đi phu đồn điền cao su, nhà văn Nguyễn Công Hoan trong hồi ký “Nhớ gì ghi nấy” có viết: “ Đồn điền cao su nổi tiếng là nước độc. Phu làm rất khổ, sinh ra ốm yếu, rồi chết trốn không thoát”, còn trong tác phẩm “Chuyện cũ Hà Nội” nhà văn Tô Hoài có viết: “Cảnh đi phu cao su cơ cực. Ở làng tôi, đã có người đi rồi mất tích”. Ông Trần Tử Bình là lớp công nhân đầu tiên đó, trong hồi ký ông kể: “Bản thân tôi đã chứng kiến có 7 người bị đánh, bị trói và bị bỏ rơi 1 tuần đến khi có người mới vào thì 7 người đã bị chết. Những mạng người đó lại bị mang ra bón gốc cao su”. Theo quy luật, ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh, trong địa ngục trần gian thúc đẩy công nhân vùng lên đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình. Các phong trào đấu tranh bắt đầu diễn ra ở khắp các đồn điền. Riêng ở Phú Riềng, vào năm 1927 đến năm 1929 diễn ra 3 cuộc đấu tranh với nhiều nội dung khác nhau để đưa ra những yêu sách thiết thực nhằm đòi quyền lợi cho chính họ. Tuy nhiên hầu hết các phong trào này đều diễn ra một cách nhỏ lẻ, tự phát không có đường lối phương pháp đúng đắn, thiếu phối hợp hành động nên đều thất bại. Và lúc này, ông Trần Tử Bình vẫn chưa tìm ra được con đường đúng đắn để đấu tranh mang tính cách mạng.

Trong giai đoạn này Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (do Nguyễn Ái Quốc thành lập tại Quảng Châu, Trung Quốc) đã huấn luyện 75 học viên với chủ trương vô sản hóa. Trong số 75 học viên ấy có đồng chí Ngô Gia Tự. Ông được cử vào Nam kỳ để hoạt động. Đại tá Vũ Tang Bồng – Chuyên viên cao cấp Viện Lịch sử quân sự Việt Nam chia sẻ: “Đồng chí Ngô Gia Tự là bậc tiền bối của Đảng và cũng là người thay mặt cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đứng ra xây dựng 3 tổ chức ở 3 địa điểm nổi tiếng ở Nam bộ lúc bấy giờ: một là ở Phú Riềng, hai là ở Nhà máy Đóng tàu Ba Son, ba là nhà máy chế biến nông sản ở Mỹ Tho”.

Tái hiện cảnh phu cao su làm việc tại Khu di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Nguyễn Lý
Đến người cộng sản kiên trung

Lúc này đồng chí Nguyễn Xuân Cừ – Hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Kỳ bộ Bắc kỳ được được đồng chí Ngô Gia Tự cử vào Đồn điền Cao su Phú Riềng để xây dựng cơ sở. Tại đây, Nguyễn Xuân Cừ đã liên lạc với Trần Tử Bình (lúc này đang là công nhân cao su) để xây dựng phong trào đấu tranh có tổ chức. Chỉ trong thời gian ngắn, 2 ông đã xây dựng thành công Nghiệp đoàn Cao su với hàng ngàn công nhân tham gia. Từ khi ra đời, nghiệp đoàn đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ mà cụ thể là đòi tăng lương, giảm giờ làm, cấm đánh đập, chống cúp lương; đòi bồi thường tai nạn và phải trả lương cho phụ nữ sinh con.

Cũng trong thời gian này, vào đêm 28/10/1929, được sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự – Đại diện Ban chấp hành Đông dương Cộng sản Đảng, tại khu vực Làng ba Chi bộ Cao su Phú Riềng được thành lập với 6 đảng viên gồm: Nguyễn Xuân Cừ, Trần Tử Bình, cùng các đồng chí Tạ, Hồng, Hoa, Doanh. Trong đó, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ được bầu làm bí thư, đồng chí Trần Tử Bình được phân công phụ trách tổ chức thanh niên sự thay đổi. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở vùng Đồng Xoài – Bà Rá nói riêng và của miền Đông Nam bộ nói chung, đồng thời cũng là chi bộ đầu tiên của ngành cao su Việt Nam.

Theo phân tích của PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà – Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, từ nòng cốt 6 thành viên đã gây dựng cơ sở, vận động quần chúng tốt cử đi các đồn điền khác để nhân rộng các hoạt động, tạo dựng phong trào đấu tranh rộng rãi. Sau khi được thành lập, chi bộ đã vận động quần chúng đấu tranh có tổ chức như: trước khi bãi công phải chuẩn bị trước lương thực, thực phẩm, hội họp, phân công cụ thể… Đó là sự đấu tranh có chuẩn bị về đường hướng và tổ chức”.

Tình thế dần được xoay chuyển, và những điều có lợi đã nghiêng về phía chi bộ Đảng Phú Riềng. Tuy nhiên diễn biến vẫn phức tạp và khó lường. Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ bị trục xuất ra Bắc. Trước tình hình đó, đồng chí Trần Tử Bình được đề cử thay làm bí thư chi bộ tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh với nhiều hình thức đa dạng phong phú, có hiệu quả và rất thiết thực. Vào thời điểm đó, các phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nhân dân cả nước diễn ra vô cùng sục sôi. Đây là cơ hội vàng của những người cộng sản ở Phú Riềng. Không khí đấu tranh tại các làng công nhân ở Phú Riềng, Đồng Xoài rất sôi nổi, nhiều làng còn chuẩn bị những vũ khí tự tạo sẵn sàng cho cuộc khởi nghĩa.

Cuộc đấu tranh mang tên Phú Riềng Đỏ diễn ra đúng sáng mùng một Tết Canh Ngọ – ngày 30/1/1930 bằng cuộc biểu tình thị uy dưới hình thức chúc Tết chủ đồn điền (hay còn gọi là chủ đất) của hàng ngàn công nhân tham gia đòi yêu sách và tuyên bố bãi công sau 3 ngày nghỉ Tết nếu yêu sách không được giải quyết. Và đúng như kế hoạch đã định, ngày mùng 5 Tết (3/2/1930) là ngày làm việc trở lại, hơn 5.000 công nhân cao su Phú Riềng đã thực hiện cuộc tổng bãi công. Trước tình hình đó, bọn chủ đồn điền ra lệnh bọn cai thẳng tay đàn áp rất dã man. Sáng mùng 6 Tết (4/2/1930) Nghiệp đoàn tổ chức cuộc biểu tình lớn, mặc dù bị đàn áp nhưng công nhân cao su đã đấu tranh quyết liệt khiến chủ đồn điền và bọn cai khiếp sợ bỏ chạy. Lúc này, lực lượng công nhân bắt sống 5 tên, thu 7 súng, trang bị cho đội xích vệ hiên nganh tiến thẳng vào dinh tên Xu – Ma – Nhắc, buộc chúng phải mở cửa điều đình chấp nhận ký biên bản cam kết thực hiện yêu sách của công nhân.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà nhận định: “Phong trào này đã trở thành ngọn cờ mà tiếng vang của nó đã được lan rộng. Và coi Phú Riềng là ngọn cờ đầu trong phong trào đấu tranh và chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã dựa vào lực lượng công nhân làm nòng cốt để xây dựng tổ chức”.

NGUYỄN CƯỜNG (tổng hợp)