VRG phấn đấu lợi nhuận năm 2023 đạt 4.855 tỷ đồng

CSVN – Dự báo năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành cao su, VRG đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 4.855 tỷ đồng. Đó là một trong những chỉ tiêu quan trọng được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của VRG – Công ty cổ phần được tổ chức vào ngày 16/6.

Ông Trần Công Kha – Chủ tịch HĐQT VRG báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn, vào ngày 16/6. Ảnh: Vũ Phong
Chi 1.400 tỷ đồng để chia cổ tức

Kết quả SXKD năm 2022 vừa qua, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt hơn 28.000 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch (KH); lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 5.700 tỷ đồng, bằng 116,3% KH. Riêng Công ty mẹ – Tập đoàn, doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt gần 3.900 tỷ đồng và hơn 1.700 tỷ đồng, tương ứng với 107,41% và 143,03% KH. Chia cổ tức 3,5%; tương đương 1.400 tỷ đồng. Đặc biệt, VRG đảm bảo việc làm và thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/ người/tháng cho hơn 80.000 lao động, mức thu nhập này tăng hơn 14% so với kế hoạch tiền lương được duyệt.

Về kế hoạch năm 2023, ông Trần Công Kha – Chủ tịch HĐQT VRG chia sẻ, dự báo năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành cao su. Những thay đổi bất lợi về thời tiết, lãi suất và các yếu tố chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá cả của cao su và gỗ chưa có chuyển biến tích cực so với năm 2022… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả chung của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Hoạt động SXKD của VRG dự kiến có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn do giá bán mủ cao su, sản phẩm chính của ngành liên tục suy giảm và khó tiêu thụ; khối công nghiệp cao su hoạt động khó khăn do giới hạn về công suất thiết kế, chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước; khối thủy điện hiện có quy mô nhỏ, giới hạn bởi công suất thiết kế, nguồn nước, giờ phát điện; khối các công ty khu công nghiệp hiện nay cơ bản đã hết quỹ đất sạch để cho thuê.

Bên cạnh đó, gỗ và các sản phẩm từ gỗ cao su sẽ tiếp tục gặp khó do ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế của các nước, cạnh tranh từ nước bạn Trung Quốc, Malaysia. Hơn nữa, chi phí đầu vào của doanh nghiệp như tiền thuê đất, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương… liên tục tăng.

Đây là khó khăn chung và HĐQT Tập đoàn đã nhìn nhận nên thống nhất trình Đại hội đồng cổ đông thông qua với phương án kế hoạch năm 2023 có giảm nhẹ so với thực hiện của năm 2022.

Nỗ lực cho mục tiêu năm 2023

Nhìn nhận những khó khăn trước mắt, VRG thống nhất thông qua phương án kế hoạch năm 2023 có giảm nhẹ so với thực hiện của năm 2022. Theo đó, mục tiêu kế hoạch năm 2023 của Tập đoàn là doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 27.527 tỷ đồng và gần 4.855 tỷ đồng; của Công ty mẹ Tập đoàn doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 3.792 tỷ đồng và 1.395 tỷ đồng.

TGĐ VRG Lê Thanh Hưng cho biết, để đạt được mục tiêu về kế hoạch, Tập đoàn sẽ bám sát 5 lĩnh vực lớn. Qua đó, chỉ đạo thực hiện hoàn thành vượt mức về khối lượng khai thác, chế biến, tiêu thụ… nhằm đảm bảo nguồn thu ngay cả khi giá bán có sự suy giảm. VRG cũng sẽ kiểm soát chặt chi phí, giá thành theo hướng phải cân đối được giá bán đầu ra để đảm bảo thực hiện được lợi nhuận kế hoạch.

Tại các đơn vị thành viên, Tập đoàn tiếp tục quán triệt quan điểm thực hiện đầu tư các hạng mục, dự án có hiệu quả kinh tế cao nhằm gia tăng năng lực sản xuất, hạn chế các khoản đầu tư làm phát sinh thêm chi phí gián tiếp; nguồn vốn cân đối được trong năm tập trung trả nợ ngân hàng để giảm áp lực về tài chính.

Tại Công ty mẹ Tập đoàn sẽ tập trung đầu tư phát triển các dự án KCN, cụm công nghiệp; các dự án chế biến gỗ quy mô lớn. VRG hiện có tiềm năng lớn ở lĩnh vực KCN, cụm công nghiệp và đô thị, dịch vụ. Theo đó, Tập đoàn đã báo cáo các Bộ, Ngành TW hiện có 5 KCN với quy mô lớn đã và đang quyết liệt triển khai, gồm dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II (Bình Dương); Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN (Bình Phước); Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN Rạch Bắp mở rộng (Bình Dương); Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Hiệp Thạnh – giai đoạn 1 (Tây Ninh); Dự án KCN Minh Hưng III mở rộng (Bình Phước).

Ông Phạm Văn Thành – HĐQT VRG cũng nhấn mạnh trong năm 2023, VRG sẽ cố gắng chuyển đổi một phần diện tích đất cao su để phát triển công nghiệp, KCN. Tuy nhiên, hiện nay vẫn vướng các quy định, pháp lý nên dự kiến đến cuối năm 2023 mới giải tỏa được một số dự án. Lãnh đạo VRG hy vọng doanh thu Tập đoàn thời gian tới sẽ tăng trưởng mạnh, phát huy tối đa những gì đã có, đẩy mạnh chuyển đổi số và các hoạt động xuất khẩu.

Bên cạnh đó,Tập đoàn và các đơn vị thành viên tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ngành hữu quan; Thực hiện thật tốt công tác khai thác mủ và tái canh cao su; Theo dõi sát tình hình thực hiện sản lượng để kịp thời có phương án phù hợp.

VRG cũng sẽ tăng cường công tác thu mua để tăng doanh thu, phát huy công suất các nhà máy chế biến, giảm giá thành và tăng việc làm, tiền lương cho công nhân. Tăng cường công tác tiếp thị, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ có hiệu quả các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm mủ và gỗ cao su. Theo dõi diễn biến của thị trường để điều hành giá sàn phù hợp, kịp thời, hiệu quả…

Ngoài ra, thời gian tới, VRG cũng sát sao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Tập đoàn tại các địa phương ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên tiếp tục chủ động giữ gìn tốt trật tự an ninh chính trị trên địa bàn đứng chân, đảm bảo an toàn cho hoạt động SXKD.

MINH TRÍ