Lịch sử phong trào đấu tranh của công nhân cao su ghi nhận dấu ấn của những cá nhân mà thế hệ sau này cần nắm vững. Chuyên mục “Tự hào 85 năm truyền thống ngành cao su” kỳ này xin giới thiệu một số tên tuổi nổi bật.
Lê Đức Anh – người lãnh đạo cuộc chiến đấu chống Nhật giành chính quyền ở đồn điền Lộc Ninh trong Cách mạng tháng Tám.
Ông Lê Đức Anh quê tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm 1944, ông tổ chức và phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh. Sáng ngày 24-8, ông chỉ huy lực lượng cách mạng đánh chiếm đồn Nhật tại Lộc Ninh, bọn lính Nhật bắn vào lực lượng tự vệ công nhân làm một số người bị thương và hy sinh, nhưng nhiều đội viên vũ trang dũng cảm nhảy qua tường lao vào đồn địch. Sau 15 phút chiến đấu, tiêu diệt được 18 tên Nhật, những tên còn lại đầu hàng. Lực lượng cách mạng thu được 40 súng và một số quân trang, quân dụng.
Toàn bộ đồn điền Lộc Ninh về tay công nhân. Đồng chí Lê Đức Anh sau này là Chủ tịch nước.
Ngô Gia Tự – người trực tiếp chỉ đạo phong trào công nhân cao su ở Nam kỳ những năm 1928 – 1929
Ngô Gia Tự (1908 – 1935) là một Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh tại làng Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1927, ông tham gia lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc. Sau đó thực hiện chủ trương “vô sản hóa” Ngô Gia Tự đã vào Sài Gòn làm phu đẩy xe than, làm công nhân khuân vác ở các bến tàu.
Qua công việc, ông đã giác ngộ được nhiều công nhân lao động về con đường cách mạng. Tháng 3-1929, ông giúp thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam kỳ. Ngô Gia Tự đã chỉ đạo một số cán bộ vào các đồn điền hoạt động trong phong trào công nhân, trong đó có đồn điền Phú Riềng.
Nguyễn Xuân Cừ – Bí thư Chi bộ của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (được thành lập tháng 4-1928) ở đồn điền cao su Phú Riềng
Nguyễn Xuân Cừ quê ở Bắc Ninh, cùng quê và là anh em họ của Ngô Gia Tự. Nguyễn Xuân Cừ là học sinh trường Bưởi, có bằng tú tài, nói tiếng Pháp khá thạo, sớm giác ngộ cách mạng và gia nhập tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.
Khoảng đầu năm 1928, Nguyễn Xuân Cừ đến hoạt động ở đồn điền Phú Riềng. Nguyễn Xuân Cừ đã truyền đạt cho Trần Tử Bình và các công nhân tích cực ở đây, những kinh nghiệm và phương pháp đấu tranh cụ thể, thông báo cho họ những tin tức về phong trào cách mạng của công nhân thế giới và về đất nước Liên Xô.
Tháng 4-1928, Trần Tử Bình và 3 người nữa là Tạ, Hồng, Hòa được Nguyễn Xuân Cừ tổ chức kết nạp vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội và Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Phú Riềng được thành lập với 5 hội viên do Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư.
Trần Tử Bình – tác giả của cuốn sách “Phú Riềng đỏ” nổi tiếng ghi lại tình cảnh và cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng
Trần Tử Bình tên thật là Phạm Văn Phu, sinh năm 1907, trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo Thiên chúa, tại xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Vì tham gia phong trào yêu nước, vận động giáo sinh ở Chủng viện Hoàng Nguyên (giáo phận Hà Đông) để tang cụ Phan Chu Trinh nên cuối năm 1926 ông bị đuổi học.
Năm 1927, ông ký hợp đồng vào Nam Bộ làm phu đồn điền cao su Phú Riềng. Tại Phú Riềng, ông được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tháng 10 năm 1929, là Đảng viên Đông dương Cộng sản Đảng tại Chi bộ Phú Riềng.
Cuối năm 1929, Trần Tử Bình làm Bí thư Chi bộ. Đầu năm 1930, Chi bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi quyền sống của 5.000 công nhân Phú Riềng, làm nên phong trào “Phú Riềng đỏ” lịch sử. Sau đó, ông bị bắt, bị kết án 10 năm tù, bị đày ra Côn Đảo.
Sau Cách mạng tháng Tám ông đã được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ của Quân đội và là một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Hồi ký “Phú Riềng đỏ” được Nhà xuất bản Lao Động xuất bản năm 1965, tái bản 1971 và Đại học Ohio, Mỹ tái bản với tựa đề “The red Earth”, năm 1985.
P.V (trích từ bộ đề Hội thi tìm hiểu 85 năm)
Related posts:
- "Kết nối tin yêu - Vẹn tròn hạnh phúc"
- “Vang mãi bài ca CN cao su”: Chủ đề Hội thi “Tiếng hát CN cao su” 2015
- Tổng kết
- "Cờ Tổ quốc biên cương" đến với vùng biên giới Bình Phước
- Cúp bóng chuyền nữ Ia H’Drai lần thứ nhất đã về với Cao su Sa Thầy
- Bác sĩ Yersin quan tâm đến cây cao su vì mục đích gì?
- Nơi địa đầu Tổ quốc
- Biến đất hoang thành vườn hoa
- 239 trại sinh tham gia trại hè tại Đà Lạt
- Sớm hoàn thành sách Ký ức người lính ngành cao su