CSVN – Mở đầu cuốn truyện xoay quanh một hiện tượng bí ẩn trên thế giới: “Tương truyền rước công nguyên, các nhà bác học Hy Lạp cổ ra một bí mật trong bộ não của đứa trẻ lên ba. Bằng một số thủ thuật, họ thành công trong việc biến bộ não của đứa trẻ thành công cụ lưu trữ thông tin. Thông tin này được bảo tồn nguyên vẹn, có thể tồn tại qua hàng thế hệ. Hiện tượng này được gọi là Clio”.
Thông qua hiện tượng Clio, các tác giả khéo léo lồng ghép, đan xen hai tuyến truyện. Một bé gái của năm 2014 tên Ánh My có khả năng nhớ những việc của quá khứ, và cô bé kể về chuyện xảy ra vào năm 1279, bối cảnh ở phủ Thiên Trường, huyện Tây Chân.
Trong đám cưới của con gái quan huyện, một vụ ám sát bí ẩn đã xảy ra. Người duy nhất chứng kiến vụ án lại là Long – một cậu bé nghèo khổ, ăn cắp vặt, rách rưới. Sau khi kiên cường chống trả lại mọi hình thức tra tấn, Long cùng các bạn đã có một cuộc vượt ngục mạo hiểm và thành công. Hai tuyến truyện hiện tại và quá khứ đan xen, bổ sung, tương trợ nội dung cho nhau và cùng nhau tạo ra một cốt truyện lôi cuốn.
Các tác giả đã khéo léo khi khơi gợi trong độc giả nhiều câu hỏi: Vì sao tiểu thư Lan lại bị bắt cóc trong đám cưới? Tại sao một lão tướng tài ba như lão Kình lại bị ám sát bởi một mũi tên bắn nhẹ? Động lực nào khiến một chú bé con như Long vượt qua mọi hình thức tra tấn khủng khiếp và tin rằng sẽ có người cứu mình? Tri huyện phu nhân có vai trò gì trong vụ ám sát? Sự xuất hiện của Lê Hán dẫn dắt câu chuyện đi tới đâu?
Lấy bối cảnh từ năm 1279 đến 1285, truyện tranh Long Thần tướng liên quan tới giai đoạn lịch sử, được tiết lộ là giai đoạn đấu trí căng thẳng giữa nhà Trần với nhà Nguyên, kể về chiến thắng vang dội của nhà Trần trước quân Nguyên Mông. Đây là quãng thời gian diễn ra nhiều sự kiện lớn như Hội nghị Bình Than, Hội nghị Diên Hồng, sự xuất hiện của“Hịch tướng sĩ”…, nhưng phần lớn các nhân vật được hư cấu. Tuy là câu chuyện dã sử, nhưng hình ảnh, văn hóa, ngôn ngữ đời sống lại mang hồn cốt của người Việt xưa.
Trong truyện có thể thấy các nhân vật nhuộm răng đen, người để tóc dài, người cạo trọc đầu. Người Việt được vẽ với hình ảnh cởi trần, đóng khố, lại có cả người xăm mình. Những hình ảnh đó được sự cố vấn của Trần Quang Đức, một trong những nhà nghiên cứu trẻ tuổi, thông thạo Hán Nôm, mang những kiến thức về văn hóa sử mà anh am hiểu cố vấn cho các tác giả, đặc biệt là những góp ý trên phương diện trang phục và ngôn ngữ.
Long Thần tướng được vẽ theo phong cách mới. Cách vẽ và tạo hình nhân vật ước lệ, tinh giản, từng trang vẽ không quá cầu kỳ nhiều chi tiết mà vẫn toát lên tinh thần muốn truyền tải.
Truyện tranh Long Thần tướng được thực hiện bằng hình gây quỹ cộng đồng, kêu gọi độc giả chung tay ủng hộ. Trong lần gây quỹ đầu tiên cho tập một, sau hai tháng phát động, nhóm thực hiện đã nhận được 330 triệu đồng, vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra. Sau khi phát hành tập một, nhóm đã kêu gọi gây quỹ để làm tiếp tập hai của bộ truyện.
Dù phong cách dã sử của Long Thần tướng chưa hẳn đã thuyết phục được công chúng khó tính, nhưng người Việt trẻ làm sách về lịch sử cho người Việt trẻ là một hoạt động đáng hoan nghênh! Và, đó là một tín hiệu tích cực cho dòng tranh truyện lịch sử VN.
Như Ngọc
Related posts:
- Bữa cơm ấm áp
- Khèn Mông xuống chợ
- Lo
- Di tích đồn điền Michelin: Địa chỉ "đỏ" hành trình về nguồn
- Gặp người thổi hồn vào tượng nhà mồ
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975): Kiềm chế dịch bệnh
- Nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp: "Nghe tiếng vọng về từ quá khứ"
- "Gia phả của đất” - Góc nhìn mới về nông thôn, nông dân
- Khu di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến: Một thời và mãi mãi!
- Cao su Bà Rịa tổ chức giải bóng chuyền nam