CSVN – Nhìn ra rừng cao su lá bắt đầu úa vàng báo hiệu mùa Xuân sắp về. Nơi đây có những đứa con xa nhà đã lâu mong mỏi đoàn tụ Tết đến
Đoàn chúng tôi lên đường ngày 7/12, buổi sáng Trung tâm y tế ngành lấy mẫu xét nghiệm PCR cho các thành viên, tất cả âm tính với virus Covid-19. Chiều đoàn bay lên Pleiku để sáng mai sang Campuchia qua cửa khẩu Lệ Thanh bắt đầu chuyến thăm, làm việc với các dự án phát triển cao su của Tập đoàn tại Campuchia theo chủ trương của Hội đồng Quản trị VRG sau hơn 2 năm xa cách anh em bởi đại dịch Covid.
Hơn 2 năm, khoảng thời gian khá dài không có 1 đoàn nào của Tập đoàn và các Công ty Mẹ sang thăm và làm việc, anh em lao động Việt Nam không được về thăm gia đình do đóng cửa khẩu 2 nước để phòng chống dịch. Những trường hợp hy hữu, bất trắc được giải quyết cho qua lại thì phải chấp hành cách ly thời gian dài, chi phí tốn kém do quy định 2 nước khác nhau trong phòng chống dịch. Trong những tháng năm đó, lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị Công ty Mẹ đã thiết lập cầu trực tuyến để thăm hỏi, làm việc và chỉ đạo mọi mặt hoạt động của các dự án.
Cuối tháng 11/2021, khi mà tình hình dịch tại Campuchia và Việt Nam tạm thời khống chế tương đối ổn định, lãnh đạo Tập đoàn cử 5 anh em chúng tôi gồm: Anh Trương Minh Trung – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn làm trưởng đoàn; Anh Phạm Hải Dương – Trưởng ban Quản lý Kỹ thuật; Anh Huỳnh Tấn Siêu – Trưởng ban Công nghiệp; Anh Hồ Hữu Nghĩa – Chuyên viên ban Tài chính Tập đoàn và tôi sắp xếp công việc lên đường, thời gian từ 7 – 20/12. 6 giờ sáng 8/12 đến 8 giờ sáng chúng tôi có mặt tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.
Anh em Biên phòng cửa khẩu giúp chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh nhanh chóng (đối với cửa khẩu Lệ Thanh, anh em Biên phòng và anh em cao su đã có mối quan hệ kết nghĩa thâm tình, thường xuyên đi lại 2 nước để thực hiện nhiệm vụ). Đối với Công đoàn Cao su VN, năm 2020 khi đại dịch bùng phát, chúng tôi đã hỗ trợ 4 đồn cửa khẩu mỗi đồn 20 triệu đồng gồm: Cửa khẩu Xa Mát Tây Ninh; Cửa khẩu Hoa Lư Bình Phước; Cửa khẩu Lệ Thanh Gia Lai; Cửa khẩu Lao Bảo Quảng Trị. Số tiền tuy ít nhưng là trách nhiệm, nghĩa tình của công nhân cao su đối với các chiến sĩ bộ đội biên phòng nơi tuyến đầu bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia và phòng chống dịch.
Bước qua biên giới đã thấy đầy đủ anh em giám đốc các dự án đón đoàn tại cửa khẩu nước bạn. Vui mừng ôm chầm lấy nhau thật cảm động sau hơn 2 năm chỉ gặp nhau trên màn hình. Đặc biệt có ngài đại tá Keo Tài – Phó trưởng đồn quản lý xuất nhập cảnh cửa khẩu của bạn đón và trực tiếp chỉ đạo làm thủ tục nhập cảnh và test nhanh Covid (anh Tài là người Campuchia nói tiếng Việt rất giỏi – lấy vợ Việt Nam người Gia Lai, là người rất thân thiết và nhiệt tình giúp đỡ anh em chúng ta mỗi lần qua lại cửa khẩu).
Đoàn lên xe về dự án, song anh Tài mời đoàn bằng được ghé thăm cho biết nhà anh ngay tại cửa khẩu. Chúng tôi ghé đến nơi đã thấy dọn 3 bàn mồi, rượu tươm tất. Anh Tài nói: “Các anh qua đây anh em mừng lắm nhưng phải sát khuẩn Covid bằng rượu 3 chai mới được đi”. Tất cả mọi người cười ồ và cảm ơn tấm chân tình của vợ chồng anh Tài.
Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân sang Campuchia là tình hình dịch Covid được kiểm soát rất tốt, xã hội hoạt động bình thường, người dân vẫn đeo khẩu trang, đại đa số đã được tiêm vaccine mũi thứ 3. Anh em lao động Việt Nam tại các dự án đã tiêm mũi thứ 4. Chia tay vợ chồng anh Tài chúng tôi lên xe về thăm nhà máy chế biến mủ Oyadav. Đây là nhà máy đầu tiên trong số 6 nhà máy được xây dựng tại Campuchia thuộc Công ty Hoàng Anh Mang Yang – Ratanakiri, công suất 3 tấn/giờ và đi thăm vườn cây của Công ty Krông Buk – Ratanakiri. Hai công ty này có trụ sở tại thành phố Băng Lung, đầu tư phát triển cao su vào giai đoạn năm 2007-2010 nay đã đưa vào khai thác. Vườn cây cách trụ sở 50-60 km. Sản lượng năm 2021: 6.000 tấn (Mang Yang); 6.700 tấn (Krông Buk), năng suất hơn 1,2 tấn/ha. Đã về trước kế hoạch năm 23 ngày.
Sáng ngày 9/12 đoàn dự lễ mừng công của 2 đơn vị (cụm 3) với sự tham dự và phát biểu của ngài Phó tỉnh trưởng và các sở ban ngành của tỉnh Ratanakiri.
Từ giai đoạn xây dựng dự án cho đến nay, 2 đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong thời kỳ KTCB song cho đến nay đã có nhiều cố gắng vượt qua trong nâng cao chất lượng vườn cây, kỹ thuật khai thác, chế biến sản phẩm, công tác quản lý, kinh doanh. Đến nay từng bước ổn định tạo bước phát triển trong chặng đường tiếp theo. Đời sống người lao động ổn định, mức thu nhập khá 300 USD/người/tháng. Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Công ty Mẹ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, đội ngũ cán bộ được luân chuyển thay thế đáp ứng được nhiệm vụ. Anh em phấn khởi, tin tưởng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Chia tay với anh em ở cụm 3 đầy lưu luyến, chúng tôi đến thăm các đơn vị: Đồng Nai Kratie, Đồng Phú Kratie, Dầu Tiếng, Campuchia, Vketi, Chư Prông – Stungtreng (cụm 2) đóng trên địa bàn các huyện của tỉnh Kratie cách tỉnh lỵ hơn 100 km, là vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn. Đất đai, khí hậu có nhiều khác biệt, nhiều diện tích rừng khộp đan xen, lao động thiếu thốn phải tuyển ở các tỉnh khác về. Thông tin liên lạc hạn chế (không có sóng điện thoại), không có điện, nguồn nước nhiễm vôi nặng, cơ sở hạ tầng còn tạm bợ, anh em sống khá vất vả thiếu thốn.
Đến Đồng Nai Kratie và Đồng Phú Kratie, sau 2 năm đã thấy nhiều đổi mới sau khi luân chuyển cán bộ lãnh đạo ở đây. Vườn cây được củng cố, công tác quản lý đổi mới, tổ chức sản xuất dần đi vào hiệu quả. Đời sống anh em dần được cải thiện. Đặc biệt Đồng Nai Kratie sau 2 năm củng cố đến nay, công ty tổ chức khai thác, bảo vệ sản phẩm đạt kết quả hoàn thành và vượt mức kế hoạch năm. Tình hình tài chính có bước chuyển biến tích cực, chủ động giải quyết những khó khăn đời sống, sinh hoạt công nhân lao động, xây dựng siêu thị phục vụ công nhân tại chỗ với giá cả thấp hơn thị trường, công nhân không phải bỏ việc đi mua lương thực thực phẩm xa hàng chục cây số. Vườn cây, nhà máy Đồng Phú Kratie chuyển mình theo hướng tiên tiến, năng suất, chất lượng ổn định. Trụ sở công ty được nâng cấp đảm bảo ăn ở, làm việc cho anh em.
Đoàn chúng tôi ngủ lại 1 đêm tại đây bên cạnh đập tràn nước trong mát. Anh Vịnh – TGĐ tiếc rằng không sắp xếp để anh em xuống tắm dòng suối này và cho biết sắp tới sẽ đắp đập để nước dâng cao tự tràn tạo nên cái hồ thơ mộng phía tây trụ sở công ty.
Chia tay anh em Đồng Nai K và Đồng Phú K, đoàn di chuyển về thị xã Kratie nằm bên bờ sông Mê Kông đỏ nặng phù sa cách dự án hơn 100 km. Trưa ấy các đơn vị ở cụm 2 nhân có đoàn của Tập đoàn sang thăm và làm việc, tổ chức cho đoàn chào xã giao và mời cơm thân mật ngài Tỉnh trưởng và giám đốc các sở, ngành của tỉnh được tổ chức tại nhà riêng của Trung tướng May Phan, giám đốc Công an tỉnh Kratie – một người bạn thân thiết luôn sẵn sàng giúp đỡ các dự án khi có việc liên quan đến tình hình an ninh trật tự.
Mối quan hệ giữa ông với anh em mình quá thâm tình qua cử chỉ, ánh mắt, nụ cười. Ông nói được 1 ít tiếng Việt: “Tôi với mấy giám đốc kết nghĩa anh em”. Quá nửa trưa đoàn của ngài Tỉnh trưởng Va Than mới đến. Ông chào mọi người và xin lỗi vì đến trễ do có cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Hun Xen. Tháp tùng cùng ông, tôi nghe giới thiệu có 3 Phó tỉnh trưởng, Giám đốc Sở Nông lâm ngư nghiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, Chánh văn phòng tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch các huyện… Sau lời phát biểu chào mừng của anh Trương Minh Trung, Phó TGĐ VRG, trưởng đoàn, mọi người nâng ly trò chuyện vui vẻ. Đuợc biết ngài Va Than là người vui vẻ và rất nghiêm khắc, rất quý anh em các công ty, đánh giá cao các dự án tại cụm 2 và ông đã nhiều lần xuống các dự án thăm và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo các điều kiện khi dự án đề nghị. Sinh hoạt vui vẻ, gần gũi, chọc ghẹo tinh nghịch, hòa đồng.
Trong trò chuyện ông yêu cầu lãnh đạo các đơn vị tạo điều kiện để cho người lao động đăng ký và tham gia bầu cử Hội đồng địa phương sắp tới và ủng hộ Đảng Nhân dân thắng cử. Ông chỉ đạo giám đốc Sở Y tế nhanh chóng hoàn thành tiêm vaccine mũi 3 cho công nhân tại các dự án, kể cả dự án Chư Prông – Stungtreng địa phận thuộc tỉnh Mondulkiri. Tôi thầm phục anh em mình “nhập gia tùy tục”, biết học tiếng để nói với bạn, quan hệ sâu rộng, tạo cảm tình thân thương, bạn quý mến, nể phục. Các anh xứng đáng là sứ giả của tình đoàn kết hữu nghị hợp tác làm ăn phát triển của 2 nước và các anh cũng đã hoàn thành nhiệm vụ bạn giúp mình và mình giúp bạn vì nghĩa chung.
Chia tay ngài Tỉnh trưởng đã xế chiều, chúng tôi đến Công ty Dầu Tiếng Kratie và Dầu Tiếng Campuchia. Đây là dự án quy mô ban đầu hơn 10.000 ha, song khi thực hiện cả 2 dự án chỉ còn hơn 3.200 ha, thời đó do bị xâm canh lấn đất không mở rộng diện tích được, hiện nay 2 dự án được gộp lại làm 1 cho thuận lợi về mặt quản lý. Cách đây hơn 3 năm, chúng tôi đã đến thăm và làm việc, anh em còn ăn ở, làm việc trong nhà gỗ lợp tôn che tạm, quá khó khăn. Sau hơn 3 năm trở lại đã thay đổi hoàn toàn.
Anh em đã có trụ sở mới trên vùng đất mới với một khung cảnh phong thủy hữu tình, lưng tựa vào núi nhìn về phía đông, ở trước có hồ cá thơ mộng nuôi rất nhiều loại cá, có con lên tới vài ký, khoảng vài tấn. Nhà cửa khang trang đủ cho anh em làm việc và sinh hoạt mặc dù còn thiếu thốn nhiều thứ: Điện, nước, nội thất. Anh em đã khắc phục bằng lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời đủ cho thắp sáng làm việc và sinh hoạt. Khoan giếng lấy nước song bị nhiễm vôi nặng phải thông qua hệ thống lọc.
Là vùng sâu, vùng xa không có sóng điện thoại, việc đầu tư làm cột thu phát sóng ngoài khả năng, anh em đã có sáng kiến làm cột sóng thu phát sóng mini, thu và phát tại khu làm việc và sinh hoạt chung. Chúng tôi nghỉ lại qua đêm với anh em ở đây với bao tâm sự và nỗi niềm sẻ chia, thương cảm với những con người kiên trung đi mở đất vì sự nghiệp cao su. Khi trăng giữa tháng gác trên đầu núi phía sau, sương đêm thấm lạnh.
Anh Hoàng – TGĐ nói với tôi: “Có được cơ ngơi này đó là nội lực của anh em trong khả năng “liệu cơm gắp mắm”, được sự chỉ đạo của Tập đoàn và hỗ trợ của Công ty Mẹ. Dẫu vậy anh em đoàn kết thương yêu nhau, vượt qua khó khăn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Năm nay về trước kế hoạch năm và có lãi tụi em mừng lắm”. Sáng hôm sau đoàn lại lên đường đến với Chư Prông Stungtreng (Bình Phước 3) và Vketi. Đây là hai đơn vị gần sát đồn Biên phòng Hoàng Diệu của tỉnh Bình Phước cách 17 km và vào sâu là Chư Prông Stungtreng 25 km đường đất thuộc tỉnh Mondulkiri.
Đoàn đi thăm vườn cây khai thác, nơi ăn chốn ở của anh em và làm việc với công ty.
Chư Prông Stungtreng là một trong 2 đơn vị (cùng với Tây Ninh – Siêm Riệp) khó khăn nhất của các dự án tại Campuchia. Cách đây 4 năm đã xảy ra thiên tai – sét đánh cột thu phát sóng điện thoại gây hỏa hoạn cháy toàn bộ dãy nhà ở và làm việc của anh em. Ngày ấy, nhận được tin vào sáng thứ 2 tại cuộc họp giao ban Tập đoàn, sáng thứ 3 Công đoàn Cao su VN đã có mặt. Lửa còn cháy âm ỉ dưới đống tro tàn, anh em trên khuôn mặt còn thất thần, hoảng loạn. Cũng may, không có ai bị nạn, chỉ thiệt hại về vật chất tương đối lớn. Ngồi với anh em nghe kể lại lòng tôi quặn thắt, nước mắt cứ trào ra nghẹn lời thương cảm động viên. Hôm nay gặp lại anh em mừng lắm.
Quý – Phó TGĐ phụ trách tâm sự với tôi: “Năm nay tụi em cố gắng lắm anh à và cũng hoàn thành kế hoạch. Khó khăn nhiều lắm, lao động, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý lãnh đạo, nơi ăn, chốn ở anh em, đường sá đi lại, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Chúng em rất mong sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo Tập đoàn và Công ty Mẹ để vượt qua khó khăn. Nhìn thấy các dự án khác mà thèm, tự ti có chút tủi thân, mong anh thông cảm”. Tôi động viên: “Cố gắng lên em, họ làm được thì mình cũng làm được mà”.
Chúng tôi trở ra Vketi dự án của Cao su Lộc Ninh ở huyện Keosima (Kratie) kiểm tra vườn cây và khảo sát địa điểm làm nhà máy chế biến Cụm. Vườn cây đảm bảo chất lượng, năm nay về trước kế hoạch năm, năng suất vườn cây đạt yêu cầu. Đoàn đã thu thập các dữ liệu, khảo sát thực địa, phân tích đánh giá tính cấp thiết cần đầu tư xây dựng nhà máy chế biến Cụm (3 công ty: Dầu Tiếng K, Vketi, Chư Prông Strungtreng) để báo cáo lãnh đạo Tập đoàn quyết định. Đoàn tham gia giao lưu với các đơn vị Cụm 2 tại Vketi ở trụ sở mới khang trang, đẹp, rộng rãi, khá đầy đủ điều kiện sinh hoạt và làm việc thay cho trụ sở cũ nằm bên bờ suối thuở ban đầu.
Chia tay anh em cụm 2, sáng hôm sau đoàn hành quân về cụm 1 Kampongthom cách 350km. Cụm 1 có 8 dự án (Bà Rịa – K, Phước Hòa – K, Tân Biên – K, Chư Păh-K, MêKong-K, Chư Sê-K (2 dự án) và Tây Ninh – Siêm Riệp) với tổng diện tích 45.668 ha, lớn nhất trong các cụm, tất cả đã và đang đưa vào khai thác. Điểm đến đầu tiên của đoàn là 3 đơn vị (Bà Rịa-K, Phước Hòa-K, Tân Biên-K) nằm liền kề với diện tích hơn 20.000 ha, đã xây dựng 3 nhà máy. 3 đơn vị này anh em thường nói vui: có độ nhậu hú 1 tiếng, 5 phút sau có mặt. Chung vai sát cánh trong mọi hoàn cảnh. Năm 2021 có nhiều điểm nổi bật mặc dù khó khăn thì ai cũng có.
Những năm gần đây Bà Rịa – K đã vươn lên mạnh mẽ trong chất lượng vườn cây, công tác tổ chức sản xuất, công tác quản lý, hiệu quả suất đầu tư, lợi nhuận, tạo dấu ấn đơn vị dẫn đầu. 3 năm liên tục gia nhập Câu lạc bộ 2 tấn. Năm 2021 chia cổ tức 10%. Tân Biên-K đơn vị trồng mới đầu tiên (2007) là đơn vị khó khăn và gặp nhiều trắc trở nhất, những năm trước đây tình hình quản lý sản phẩm, an ninh trật tự trên địa bàn phức tạp, các tụ điểm mua bán, tệ nạn ăn cắp sản phẩm, xung đột giữa lực lượng bảo vệ và các phần tử tiêu cực, xã hội đen đã làm cho anh em Việt Nam máu đã đổ và hy sinh mất mát đau thương.
Bằng mọi biện pháp trong đó có sự thay đổi về công tác tổ chức lãnh đạo công ty và các nông trường được củng cố, công tác quản lý vườn cây, nhà máy, tổ chức sản xuất có nhiều đổi mới đến năm 2021 là đơn vị dẫn đầu về sản lượng trong các đơn vị tại Campuchia, có lãi chia cổ tức, hoàn vốn vay, tình hình tài chính lành mạnh, là điểm sáng được lãnh đạo Tập đoàn đánh giá cao. Anh Lâm Thanh Phú – TGĐ công ty người nhỏ nhắn hiền lành, ít nói song là người quyết liệt, nói ít làm nhiều, trong thời gian ngắn đã vực dậy Tân Biên-K xứng tầm.
Phước Hòa-K luôn nỗ lực phấn đấu để “bằng anh bằng chị”, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi khắc phục những hạn chế tồn tại trên vườn cây, trong nhà máy, năm 2021 đã về trước kế hoạch.
Đoàn đã đến thăm và chào xã giao ngài Ngun-Ra- Ta-Nak Tỉnh trưởng Kampongthom vừa nhận chức 2 tháng thay ngài SokLu.
Từ thị xã Kampongthom vào tới Chư Păh-K, tôi nhớ năm 2013 phải chạy xe giữa đường rừng 4 tiếng đống hồ thì nay chỉ còn 1,5 tiếng, đường nhựa vào gần đến dự án. Những năm trước đây Chư Păh-K gặp rất nhiều khó khăn, bởi đây là vùng sâu nhất, các thế lực đối lập hoạt động lôi kéo, gây chia rẽ, nhất là các đợt bầu cử. Lao động thiếu, đường sá giao thông đi lại khó khăn. Sau 3 năm trở lại Chư Păh-K có nhiều thay đổi để vươn lên, năm nay cố gắng để về trước kế hoạch.
Chúng tôi đến anh em rất vui mừng muốn níu chân không muốn rời, bởi xa xôi quá ít người đến thăm. Mới đây tôi có nghe anh Hải – Chủ tịch Công đoàn Cao su Chư Păh cùng lãnh đạo công ty đã sang thăm anh em sau khi dịch giảm và cửa khẩu mới mở. Nhập đoàn với chúng tôi là chị Bích Lợi – Chủ tịch HĐQT và Kiều An – Chủ tịch Công đoàn Cao su Tân Biên sang thăm Tân Biên – K và Mê Kông, 2 đơn vị con. Tôi nói đùa: “Lâu lắm 2 con khát sữa, hôm nay mẹ mới mang sữa qua cho các con”, mọi người cười thích thú.
Tại buổi làm việc với công ty sau khi đi kiểm tra vườn cây về, đoàn đánh giá cao nỗ lực phấn đấu của anh em Mê Kông trong quá trình củng cố vườn cây đưa vào khai thác đạt yêu cầu về sản lượng, năng suất, khắc phục những tồn tại trong quá trình xây dựng vườn kiến thiết cơ bản, định hình đúng yêu cầu. Năm 2021 về trước kế hoạch năm các chỉ tiêu kinh doanh đạt và cũng có thể nói rằng Tân Biên và Chư Sê là 2 đơn vị đầu tư sang Campuchia phát triển cao su có 2 dự án con. Những “đứa con” này sau hơn 12 năm đến nay đã phát huy hiệu quả, tạo nguồn lực để mẹ và con phát triển trong chặng đường mới, đóng góp chung vào sự phát triển của Tập đoàn.
Sáng ngày 15/12 đoàn đi Along – Veng thăm Công ty Tây Ninh – Siêm Riệp là dự án xa nhất giáp biên giới Campuchia – Thái Lan, gặp rất nhiều khó khăn từ cơ sở hạ tầng, vườn cây, khai thác, tiêu thụ sản phẩm (đặc biệt là dự án Bet Roya – Nông trường 3). Điều này rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Công ty mẹ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ mọi mặt, chủ động tháo gỡ những vướng mắc mà lãnh đạo Tập đoàn đã có chủ trương. Đoàn đã ghi nhận những kiến nghị của công ty, trao đổi cụ thể tập trung vào những nhiệm vụ trước mắt căn cơ nhằm ổn định sản xuất, tư tưởng anh em yên tâm công tác.
Lần nào đến thăm Chư Sê – Kampongthom chúng tôi đều nhận ra những cái mới. Sau hơn 2 năm có quá nhiều thay đổi ở công ty lớn nhất vùng Kampongthom. Trụ sở công ty đã dời từ đường quốc lộ vào dự án cách 25 km. Trước đây ai đã từng đến Chư Sê-K đều trầm trồ khen ngợi từ vườn cây, nhà máy, trụ sở 8 nông trường, khu dân cư, đường sá liên lô, trụ sở công ty… thì hôm nay tất cả đã đổi thay mang diện mạo mới, mang tư duy sáng tạo với cái tâm, cái tầm của nhà lãnh đạo quản lý, sản phẩm trí tuệ của đội ngũ cán bộ ở đây, họ đã lập nhiều kỳ tích xuất sắc.
Trụ sở mới nằm trong khuôn viên 12 ha được thiết kế và xây dựng đầy đủ công năng để sinh hoạt, làm việc, vui chơi, giải trí, tổ chức sự kiện…cảnh quan môi trường, phong thủy đẹp như một khu du lịch giữa rừng cao su bạt ngàn. Trụ sở 8 nông trường xây dựng hoàn chỉnh, đẹp, đầy đủ tiện nghi làm việc, ăn ở cho anh em. Giám đốc nông trường có nhà ở riêng và được trang bị xe ô tô để đi lại kiểm tra vườn cây, tổ chức sản xuất.
Anh Nguyễn Duy Linh, TGĐ công ty từng tâm sự với tôi rằng: “Ngay từ đầu đi xây dựng dự án đã xác định muốn lạc nghiệp thì phải an cư. Tính toán thật kỹ từng bước một đầu tư, ưu tiên định hình vườn cây: giống thời kỳ xây dựng cơ bản đảm bảo chất lượng, quy hoạch tổng thể diện tích, đường lô, liên lô, quy mô từng đơn vị quản lý…đi đôi với đó là cơ sở hạ tầng phục vụ cho con người (ăn, ở, đi lại, điều kiện làm việc). Từ nông trường 1 đến nông trường 8 rồi nhà máy chế biến tất cả nằm trong quy hoạch: mỗi lô: 25 ha; nông trường: 2.000 ha; 2 dự án: 16.268,68 ha.
Theo anh Phạm Hải Dương – Trưởng ban Quản lý KT Tập đoàn, với quy mô diện tích, sản lượng của Chư Sê-K hiện nay đứng vào tốp 5 của Tập đoàn, trong vài năm tới nằm trong tốp đầu Tập đoàn.
Anh Huỳnh Tấn Siêu – Trưởng ban Công nghiệp cho biết, Nhà máy chế biến Chư Sê-K lớn nhất toàn ngành về quy mô gồm 2 dây chuyền, dây chuyền 1 công suất: 3 tấn/giờ; dây chuyền 2: 6 tấn/giờ. Đủ năng lực chế biến hết sản lượng vườn cây công ty đưa về và chế biến gia công cho 2 đơn vị: Mê Kông và Tây Ninh – Siêm Riệp. Năm 2021, diện tích khai thác: 15.009,85 ha, sản lượng ước đạt 23.410 tấn, chế biến 22.313 tấn; Doanh thu 838,88 tỷ; Lợi nhuận trước thuế: 168,16 tỷ; Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu: 18,5%; Suất đầu tư: 170tr/ha. Vốn vay ngân hàng: 25 triệu USD, đã trả nợ 17,12 triệu USD, còn lại 6,88 triệu USD trả trong quý III/2022; Lương bình quân công nhân: 350USD/người/tháng. Tôi lỡ miệng nói đùa: “Những năm tới Chư Sê-K tiền nhiều hơn quân Nguyên”. Những gì Chư Sê-K có được hôm nay xứng đáng được tôn vinh phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước. Đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển ngành cao su phát triển bền vững.
Tại lễ mừng công của Chư Sê-K, anh em các dự án khác về chung vui đầy đủ. Có sự tham gia của nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, ngài Phó Tỉnh trưởng, lãnh đạo các sở, các huyện mà công ty đứng chân. Đặc biệt có ngài SokLu Tỉnh trưởng tỉnh Battambang nguyên Tỉnh trưởng tỉnh Kampongthom. Lãnh đạo Tập đoàn và Ban Thường vụ Công đoàn Cao su Việt Nam đã trao phần thưởng cho công ty và Công đoàn công ty hoàn thành xuất sắc về trước kế hoạch năm 2021. Anh Nguyễn Duy Linh – TGĐ công ty được tặng giải thưởng “Phú Riềng đỏ” – Giải thưởng cống hiến ngành cao su. Anh Nguyễn Tiến Dũng – Phó TGĐ công ty được tặng giải thưởng “Cao su Việt Nam”.
12 năm, từ thuở nếm mật nằm gai đi mở đất, đến nay một chặng đường dài gian truân, ý chí, khát vọng, bản lĩnh, sáng tạo đã chiến thắng. Xin cảm ơn tất cả anh em ngày ấy ra đi tóc còn xanh, gương mặt tươi trẻ nay đã trở thành những cán bộ lãnh đạo quản lý dày dạn sương gió, tài năng và quả cảm. Họ đã hy sinh, chịu đựng thật nhiều để sống và cống hiến cho sự nghiệp cao su. Xa cách vợ chồng con cái, gia đình người thân, năm ba tháng mới về một lần và đằng đẵng 3 năm qua vì đại dịch không về được. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện cảm động đến nghẹn lòng, tâm sự với anh em họ nén lại trong lòng, chỉ nói về công việc ở vườn cây, nhà máy với những nụ cười vui trước những thành quả hôm nay.
Anh Dũng – Phó TGĐ Chư Sê-K nói với tôi: Đội hình anh em từ Ban TGĐ, Trưởng phòng, Giám đốc các nông trường từ ngày đầu đến bây giờ vẫn còn nguyên, trận địa giữ vững, ý chí chiến đấu hăng lắm. Họ đã cống hiến và đã trưởng thành. Sự nghiệp phát triển cao su của Tập đoàn tại Campuchia: Xây dựng – hoàn thiện và bắt đầu tăng tốc để về đích chu kỳ đầu các dự án. Chuẩn bị tâm thế cho chu kỳ 2 trong tương lai. Vẫn còn đó bao gian khó, thử thách của thiên, địa, tạo hóa nhưng lòng người ý chí vững vàng, kiên trung, khát vọng còn nguyên giá trị. Các anh chị là những cánh chim không mỏi, lượn vòng thỏa thích ở miệt rừng cao su trên đất Chùa Tháp.
12 ngày cùng đoàn công tác chu du đến với các dự án, được nhìn, được nghe bao điều mới lạ đổi thay từng ngày của rừng cây, nhà máy, làng thợ công nhân. Được sống với tình cảm chân tình của anh em lao động Việt Nam sau bao ngày xa cách. Cái bắt tay, vòng ôm thắm thiết, ly rượu xoay tua nồng nàn, giọt nước mắt nhớ nhà của những cô gái, lòng tôi không cầm được.
Nhìn ra rừng cao su lá bắt đầu úa vàng báo hiệu mùa Xuân sắp về. Nơi đây có những đứa con xa nhà đã lâu mong mỏi đoàn tụ Tết đến, họ hối hả công việc cuối năm chờ ngày lên đường về quê. Bất chợt tôi nghe một giọng hát cất lên:
Đêm Kampongthom như miền cổ tích
Mảnh trăng trôi huyền ảo cuối làng
…………………………………..
Gió miên man ru bạt ngàn cao su
Đất trở dạ cây giăng hàng kín lối
Ai nhuốm xanh một màu huyền thoại
Nghe ngọn nguồn dòng nhựa chảy miên man
…………………………………….
Mai tôi về mang quà Xuân đến sớm
Câu chuyện tình người nơi ấy Kampongthom.
LINH ĐAN
Related posts:
- Công ty 75 tổ chức hiến máu tình nguyện đợt 4
- Khen thưởng trở thành động lực để về đích sớm nhất
- Cao su Sơn La thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy
- Nông trường Tavaeng I giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Krông Buk – Ratanakiri
- Tái sử dụng nước thải tại các nhà máy chế biến mủ cao su: Giải pháp hữu hiệu trong chiến lược tăng t...
- Cao su Quảng Trị: Đoàn kết, vượt khó, chia sẻ, trách nhiệm, hiệu quả
- Chư Mom Ray - 10 năm nỗ lực vượt khó xây dựng và trưởng thành
- 350 đội viên tham gia Hội thi Phòng cháy chữa cháy Cao su Đồng Nai
- Nông trường Santuk 1 giải nhất hội thi bàn tay vàng Cao su Tân Biên Kampong Thom
- Cao su Ea H’Leo dẫn đầu tỷ lệ khai thác 8 tháng đầu năm khu vực Tây Nguyên