Làm giàu từ kinh tế gia đình

CSVN – Khi giá cao su xuống thấp, việc phát triển kinh tế gia đình đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để gắn bó lâu dài với cây cao su, đảm bảo đời sống, rất nhiều gia đình CN đã tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong số đó, có rất nhiều hộ đã vươn lên làm giàu. Đặc biệt, trong năm 2015, lãnh đạo các đơn vị thành viên VRG đã tạo mọi điều kiện để người lao động tham gia trồng xen canh trên vườn cao su kiến thiết cơ bản.
Thu nhập từ vườn tiêu và kinh tế gia đình khác  giúp gia đình chị Bùi Thị Út ổn định cuộc sống
Thu nhập từ vườn tiêu và kinh tế gia đình khác giúp gia đình chị Bùi Thị Út ổn định cuộc sống
Phát triển kinh tế gia đình: Bắt đầu từ cái nhỏ

Hoàn tất công việc ở nông trường, chị Từ Thị Nhân – CN chăm sóc Nông trường Nghĩa Trung (Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng) tranh thủ cùng chồng thu hoạch điều tại vườn nhà của mình.

Gần 30 năm làm việc tại nông trường, gia đình chị Nhân đã dành dụm mua đất làm rẫy. Từ 2 bàn tay trắng, đến nay gia đình CN này đã có 4 ha cao su, 4 ha điều, 2 ha cà phê. Với 10 ha cây công nghiệp công nghiệp này, hàng năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình chị Nhân.

Cũng tại Phú Riềng, chúng tôi có dịp đến thăm cơ ngơi khang trang của một gia đình có 2 thế hệ hiện đang làm CN tại NT Minh Hưng. Đó là hộ gia đình anh Bùi Văn Tuyền, chị Bùi Thị Út và con là Bùi Ngọc Tiến. Cả 3 người trong một gia đình đều chăm sóc tại vườn cây kiến thiết cơ bản thuộc Tổ 8, NT Minh Hưng.

Hiện nay, gia đình anh Tuyền đã tích lũy được 13 ha đất làm vườn, trong đó diện tích gia đình anh đầu tư trồng cao su có đến 8 ha. Anh Tuyền cho rằng, làm CN cao su nhiều năm nên đây là loại cây trồng gia đình anh có nhiều kinh nghiệm nhất, hơn nữa cây trồng này mang lại giá trị kinh tế lâu dài. 5 ha còn lại gia đình anh trồng các loại khác như tiêu, điều, cà phê và các loại cây ngắn ngày khác. Năm 2015, mặc dù giá cao su giảm sâu nhưng thu nhập từ kinh tế gia đình anh Bùi Văn Tuyền vẫn được 500 triệu đồng. Đây cũng là một trong những gia đình CN có thu nhập cao tại Phú Riềng.

Trồng xen dưa hấu tại NT Minh Hưng, Cao su Phú Riềng.
Trồng xen dưa hấu tại NT Minh Hưng, Cao su Phú Riềng.

Từ số vốn dành dụm được nhờ lương cộng với sự hỗ trợ từ quỹ xoay vòng, các cấp lãnh đạo còn bảo lãnh cho hộ CN vay vốn; vận động, hỗ trợ CN tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình như trồng tiêu, cà phê, điều; nuôi heo, bò, gà… Từ nỗ lực đó, hiện nay nhiều gia đình CN đã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.

Ông Khuất Văn Lộc – Phó Chủ tịch CĐ Cao su Phú Riềng, chia sẻ: “Về phía CĐ, những năm qua chúng tôi trích phúc lợi gần 20 tỷ đồng cho CBCNV vay vốn để phát triển kinh tế gia đình và nâng cấp nhà ở. Việc này vừa qua CĐ Cao su VN có Nghị quyết 6a về việc vận động người CN phát triển kinh tế gia đình. Việc phát triển kinh tế gia đình ở Phú Riềng đã hình thành nhiều năm rồi, nhưng cho đến bây giờ chúng ta có Nghị quyết thì chúng tôi tiếp tục động viên CBCNV phải phát triển từ cái nhỏ nhất cho đến cái lớn nhất. Tức là không chỉ là phải đại điền, phải quy mô lớn, phải đầu tư nhiều vốn. Nhưng ở đây là từ nuôi con gì, trồng cây gì trong vườn nhà, trong việc chăn nuôi trồng trọt để phát triển lên từ cái nhỏ cho đến cái lớn. Do đó việc tham gia vào trồng xen canh, nếu CN được tham gia thì sẽ rất phấn khởi”.

Trồng xen canh: Từ nhỏ lẻ đến đại trà

Cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh xen canh trên vườn cây cao su nhằm gia tăng giá trị sử dụng đất cũng như giảm suất đầu tư nông nghiệp, hiện nay các đơn vị thành viên đã chủ động triển khai các mô hình trồng xen canh.

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Khen thưởng tập thể, cá nhân làm tốt kinh tế gia đình”]CĐ Cao su VN cho biết sẽ biểu dương, khen thưởng 9 tập thể và 24 cá nhân thực hiện tốt Nghị quyết 6a NQ- CĐCS của BCH CĐ Cao su VN về phát triển kinh tế gia đình tại Lễ phát động Tháng Công nhân 2016. Được biết, ngày 27/7/2015, CĐ Cao su VN đã ban hành Nghị quyết 6a về việc đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình trong CBCNVC-LĐ. Từ đó đến nay, phong trào đã được BCH CĐ các đơn vị phát động và CBCNVC-LĐ hưởng ứng, bước đầu thu nhận được kết quả tích cực.[/stextbox]

Tại Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị, trước đây, các nông trường đã cho CN trồng xen canh các loại cây lương thực ngắn ngày như lúa, khoai lang, đậu tương… Thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả sử dụng đất của VRG, ngay trong năm 2015, lãnh đạo công ty đã triển khai trồng cao su tái canh theo hàng kép nhằm tăng hiệu quả trồng xen canh nhưng vẫn đảm bảo mật độ cây cao su trên một đơn vị diện tích. Theo báo cáo của các phòng ban chuyên môn công ty, cách làm này không những giảm chi phí đầu tư nông nghiệp mà CN còn có thu nhập thêm trên 2 triệu đồng/người/tháng ngoài lương.

Cũng với mô hình trồng cao su theo hàng kép, toàn bộ diện tích tái canh năm 2015 của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long đều được trồng xen canh chuối, gió trầm, khoai môn, lúa và bước đầu đã đem lại hiệu quả.

Không trồng cao su theo hàng kép nhưng Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng vẫn triển khai tốt các mô trình trồng xen canh. Lãnh đạo công ty cùng với các đoàn thể đã vận động CN tham gia trồng xen canh để tăng thu nhập, hầu hết CN chăm sóc đều nhiệt tình hưởng ứng.

Ông Nguyễn Thế Nghĩa – GĐ NT Nghĩa Trung, cho biết: “Riêng năm 2015, nông trường trồng mới 100 ha. Chúng tôi trồng thí nghiệm 60 ha bo bo, 40 ha bắp, cao sản và mè. Hiệu quả ban đầu cho thấy năng suất bo bo dao động từ 1,5 – 1,6 tấn/ha. Như thế huê lợi đưa lại cho 1 ha trừ chi phí thì người lao động còn được 4 triệu/ha. Năm 2016, sẽ đưa thêm 120 ha, như thế hàng năm từ nay cho đến năm 2020, năm nào chúng tôi cũng có 200 ha để đưa vào xen canh. Ở đây không phải sản xuất mang tính chất cá thể và nhỏ lẻ nữa. Như thế trên diện rộng công ty hàng năm phải có từ 1.000 – 2.000 ha xen canh. Ở đây phải bàn đến việc chúng ta phải trồng cây gì mang tính chất đại trà và đầu ra như thế nào để đảm bảo được thu nhập và nâng cao giá trị đất đai cho người lao động cũng như cho công ty và Tập đoàn”.

Bài, ảnh: Nguyễn Cường