CSVN Xuân – Dòng sông Sê Pôn hiền hòa len lỏi giữa rừng cao su xanh bạt ngàn ở vùng đất cằn cỗi, nổi tiếng khắc nghiệt của miền Trung Lào – Savanakhet, giờ đây rộn rã tiếng cười ấm no, đủ đầy của người dân thuộc 9 bản trong vùng dự án cao su thuộc Đội Sản xuất Sê Pôn, Công ty CP Quasa Geruco. Nơi ấy có những con người gắn bó từ những ngày đầu khai hoang, ươm mầm, chăm bón đến khi cây cao su vững vàng chuẩn bị đón dòng nhựa trắng dâng đời. Anh Phạm Vũ Khiêm – Đội trưởng Đội Sản xuất Sê Pôn là một trong số đó. Những ngày cuối năm, chúng tôi được anh chia sẻ quãng thời gian 8 năm ròng rã ở miền đất chỉ có nắng và gió bụi này.
1. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng truyền thống cao su Phước Hòa, Bình Dương. Tuổi thơ tôi gắn liền với hàng cao su xanh mướt, với những buổi chiều nhặt hạt cao su sau giờ đến lớp… Năm 2007, sau khi hoàn thành chương trình kỹ sư nông nghiệp, trồng trọt, tôi xách ba lô lên đường sang Lào, bắt đầu những ngày tháng khai hoang trồng mới tại Công ty CP Quasa Geruco. Tôi đặt chân lên đất Lào, nơi chỉ có nắng lửa và gió bụi. Cách cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị 11 km là huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet, CHDCND Lào, thời tiết khắc nghiệt quanh năm thử thách ý chí và nghị lực của con người. Lao Bảo và Sê Pôn từ lâu được gọi là hai bản ghép đôi. Dòng Sê Pôn chảy qua địa phận hai huyện Đăk Krông và Hướng Hóa (Quảng Trị), dài hơn hai trăm cây số, bao bọc 24 cặp bản kết nghĩa Việt – Lào, từ lâu đã trở thành biểu tượng đằm thắm tình hữu nghị.
Lao Bảo là địa bàn chiến lược trọng yếu của huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị, có chung đường biên giới với nước bạn Lào dài gần 15 km, trong đó có 3 km biên giới đường sông. Thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư của 2 nước, Công ty CP Quasa Geruco được thành lập vào tháng 9/2006, là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đầu tư phát triển cao su tại Trung Lào – khu vực khó khăn về thổ nhưỡng, khí hậu. Thời gian đầu, tôi làm ở Phòng nông nghiệp công ty. Tháng 5/2009, tôi làm Đội phó Đội Sản xuất Sê Pôn. Đến đầu năm 2010 thì làm Đội trưởng. Đội Sản xuất Sê Pôn là đơn vị khó khăn nhất của Công ty CP Quasa Geruco với diện tích khai hoang trồng mới 650 ha. Vùng đồi rậm nằm sát biên giới Việt Nam và Lào. Tôi đặt chân đến vùng đất chuẩn bị khai hoang, trồng mới cao su. Màu xanh hy vọng bắt đầu trong tôi…
2. Những ngày tháng ở sâu trong rừng cùng người Lào với mật độ làm việc dày đặc. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt thiếu thốn. Ở trong những lán trại tạm bợ, mắc võng ngủ, muỗi cứ vo ve suốt ngày. Tôi nhiễm bệnh sốt rét, sốt cao mê man, người xanh mét như tàu lá chuối. Bà con người Lào ăn uống khác với người Việt, thường ăn mặn và ít ăn rau, đa số là cơm hoặc xôi chấm muối ớt ăn với khô. Tôi ăn mặn riết thành quen, rồi bị bệnh huyết áp lúc nào không hay. Nguồn nước ở Sê Pôn có vôi, chủ yếu dùng để tắm giặt, còn ăn uống thì phải mua bên ngoài.
Chúng tôi ở trong rừng, mùa mưa thì hứng nước sử dụng, còn lại cứ cách 2, 3 ngày có xe đến bán nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày. Thức ăn của người Lào lúc đầu ăn chưa quen, mỗi lần anh em bản xứ trong đơn vị mời ăn uống là tôi rất ngại, sợ họ nói mình không hòa đồng. Giờ thì ăn được rồi, nhập gia tùy tục. Về phong tục ma chay, người Lào ở Sê Pôn rất đơn giản: người chết thì thiêu sống hoặc để xác trong rừng sâu. Những ngày đầu khai hoang, thấy xác người quấn chiếu để trong rừng hoặc bộ xương người trắng phếu, tôi muốn đứng tim. Giờ thì quen rồi, sống riết với người Lào nên thích nghi được phong tục tập quán của họ.
3. Đội sản xuất Sê Pôn gồm 18 người biên chế, 9 người Việt và 9 người Lào, còn lại là công nhân người Lào theo thời vụ. Người Lào sống đơn giản và thân tình, vui nhất là những dịp lễ Tết, biết tôi xa gia đình, nhớ nhà, anh em công nhân cứ quấn quýt, luyên thuyên đủ thứ chuyện… Nhưng tôi vẫn không vơi nỗi nhớ nhà, nhớ con thơ da diết! Tôi có con trai bảy tuổi, năm nay học lớp 1. Tối nào cũng gọi điện hỏi han đủ thứ: Khi nào ba về, con nhớ ba… Những sự kiện quan trọng trong đời của con, tôi đều không ở cạnh bên. Tôi thấu hiểu sâu sắc sự hy sinh của vợ tôi, một mình chăm con khi không có chồng bên cạnh. 8 năm ở Sê Pôn, tôi hiểu hết tính cách của mỗi người Lào ở đội sản xuất. Người Lào chưa tuân thủ tốt nội quy làm việc như người Việt mình, vì họ còn nương rẫy và theo chế độ mẫu quyền. Họ bộc trực, chân thành, ghét thì nói thẳng thắn, rõ ràng.
Mỗi sáng thức dậy, nhìn từng chồi non cao su xanh mướt vươn mình đón ánh bình minh, lòng tôi dâng tràn cảm xúc thật khác lạ…
Biết ơn những đôi bàn tay vun xới lên hàng triệu mầm non dâng vị ngọt cho đời!
Từ khi có cây cao su ở Sê Pôn, người dân ở đây có thu nhập ổn định, cuộc sống đủ đầy. Mức lương bình quân của công nhân Lào lao động trực tiếp là 200 USD/người/tháng, cao hơn mặt bằng chung tại nước bạn. Ngoài tiền lương, đơn vị còn cấp thêm gạo, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ Tết, và khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Ngoài trồng cao su, Công ty CP Quasa Geruco chú trọng đầu tư điện, đường, trường, trạm đồng bộ và tham gia nhiều chương trình từ thiện xã hội, phục vụ nhu cầu của người dân. Góp phần làm thay đổi tập quán du canh, du cư của người dân. Vì vậy, người dân ở Sê Pôn rất phấn khởi và kỳ vọng vào cây cao su!
Gần chục năm về trước, cả vùng đất Sê Pôn toàn tre, nứa, lồ ô, gai góc, bụi rậm…Sê Pôn giờ đây được phủ xanh bởi những lô cao su thẳng tắp, có vườn cây 8 năm tuổi đang chờ thu hoạch mủ. Rảo bước dưới những tán cao su rực nắng đang mùa thay lá, không khí Xuân đang tràn về trên khắp nẻo đường. Như dòng Sê Pôn nghìn năm vẫn chảy, chúng tôi cùng hàng trăm CBCNVC LĐ làm việc ở Lào vẫn luôn kiên trì, nhẫn nại, vượt lên mọi khó khăn, để vun đắp, tô thắm thêm tình hữu nghị hai nước Việt – Lào, cho sự nghiệp phát triển của Tập đoàn CN Cao su VN, cho dòng vàng trắng mãi mãi tuôn trào trên đất nước Triệu Voi.
Ngọc Cẩm (ghi)
Sê Pôn, những ngày cuối năm 2015.
Related posts:
- Cao su Chư Prông sẵn sàng cho mùa tái canh
- Cao su Bình Long diễn tập sự cố hoá chất, phòng cháy chữa cháy năm 2024
- Đội 5 (Cao su Hòa Bình) vượt khó về đích trước 48 ngày
- Sôi nổi thi đua nước rút vượt khó hoàn thành kế hoạch
- Cao su Quasa – Geruco sôi nổi hội thao chào mừng Quốc khánh 2/9
- Tiên phong thực hiện chứng chỉ rừng bền vững
- Cao su Lai Châu II đạt cúp vô địch Giải bóng đá Câu lạc bộ Nhà báo trẻ tỉnh Lai Châu
- Cao su Đồng Nai test nhanh Covid - 19 cho toàn bộ người lao động
- Noong Hẻo vững tin đón “vàng trắng”
- Giá mủ thấp, tiểu điền vẫn gắn bó với vườn cây