CSVNO – Nhằm tăng lưu thông hàng hóa và đảm bảo lương thực, thực phẩm, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu địa phương không phát sinh thêm các quy định và chi phí cho doanh nghiệp
Cẩn trọng nguy cơ thiếu hụt
Chiều 25/8, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì điểm cầu Bộ NN-PTNT tham dự cuộc họp trực tuyến với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương và đại diện các tỉnh, thành phố về vận chuyển hàng nông nghiệp trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN-PTNT đã sớm triển khai các kế hoạch đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm tại các tỉnh, thành phố giãn cách xã hội từ giữa tháng 7/2021.
Tại hai miền đất nước, Bộ NN-PTNT đã thành lập hai Tổ công tác – 3430 tại phía Bắc và 970 tại phía Nam. Qua quá trình hoạt động, ngành nông nghiệp đạt được nhiều kết quả như kết nối được hơn 1.000 đầu mối cung cấp nông sản, thực phẩm; thu hoạch được khoảng 1 triệu ha lúa tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời đẩy giá lúa tại khu vực này nhích dần lên.
“Ngay khi Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 5187/VPCP-CN, ngành nông nghiệp đã tập trung toàn bộ trí tuệ để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch bệnh. Trên quan điểm, chỉ có hàng hóa cấm mới không được lưu thông, bà con nông dân về cơ bản đã đảm bảo được việc lưu thông nông sản”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Dù có những tín hiệu lạc quan, ngành nông nghiệp được dự báo là phải đương đầu với nhiều khó khăn trong thời gian tới. Cụ thể, xe vận chuyển giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và vật tư nông nghiệp vẫn chưa được tạo điều kiện lưu thông ở một số xã, huyện Điều này kéo theo chi phí vận chuyển và bốc dỡ gia tăng. Container rỗng ngày càng khan hiếm. Tại các tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Cần Thơ, xe chở nông sản thậm chí không thể lưu thông.
Lấy ví dụ về doanh nghiệp Ba Huân, đơn vị cung cấp hơn 1 triệu quả trứng một ngày cho TP. HCM, không thể đi qua Cần Thơ trong vài ngày, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kêu gọi các Bộ, ban, ngành đồng loạt vào cuộc. Bên cạnh đó, ông đề nghị các địa phương thống nhất chỉ đạo, tránh tạo ra cát cứ, ách tắc cục bộ.
“Lưu thông không tạo ra giá trị, nhưng giá trị tạo ra trong lưu thông. Hiện chúng ta có nhiều loại nông sản mùa vụ và các mặt hàng tươi, dễ bị ảnh hưởng bởi lưu thông nếu thời gian kéo dài. Thủ tướng đã chỉ rõ, rằng nông nghiệp là trụ đỡ, là nền tảng của kinh tế, giúp ổn định nông thôn, và tạo tiền đề để công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Muốn vậy, chúng ta cần tạo cơ chế, hành lang linh hoạt để doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đảm bảo sản xuất trong hoàn cảnh đặc biệt hiện tại”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tuần trước, tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng APEC, Tổ chức Nông nghiệp & Lương thực Liên hợp quốc (FAO) đã dự báo, rằng khoảng 161 triệu người trên hành tinh đang rơi vào nạn đói. Do tác động của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và các tác động khác từ môi trường, 660 triệu người có nguy cơ đối mặt với nạn đói vào năm 2030.
Trong bối cảnh ấy, nền ngành nông nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, với sản lượng ước khoảng 43 triệu tấn lúa, 18 triệu tấn rau, 13 triệu tấn quả, hơn 6 triệu tấn thịt, hơn 1 triệu tấn sữa, và 16 tỷ quả trứng trong năm nay.
Qua 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng nhóm nông sản chính ước đạt trên 12,2 tỷ USD, tăng 15,1%.
“Ba nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp, là đảm bảo lương thực, thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; và đảm bảo xuất khẩu vẫn được tiến hành kịp thời, đồng bộ trên cả nước.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp, chúng ta không thể lơ là, mất cảnh giác. Trước mắt, ngành nông nghiệp cần đảm bảo tiến độ cho chu kỳ sản xuất mới, trong đó có lúa vụ thu đông, vụ đông xuân, nhằm đảm bảo lương thực, thực phẩm sau khi dịch Covid-19 khống chế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu quan điểm.
Trong hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa một số ý kiến giúp đảm bảo sản xuất như: tạo cơ chế linh hoạt cho các cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản được tái sản xuất, sau khi khoanh vùng các ca nhiễm bệnh. Ngoài ra, lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị các cơ quan tối giản thủ tục giấy tờ, tránh phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
“Chỉ có lái xe và người theo xe bốc dỡ hàng hóa mới mang nguồn lây Covid-19. Các tổ chức thế giới cũng thống nhất, rằng chưa có bằng chứng phát hiện hàng hóa làm lây lan nguồn bệnh. Vì vậy, chúng ta cần thống nhất từ trên xuống dưới về quan điểm này”, ông bày tỏ.
Trách nhiệm chung của liên Bộ
Chung quan điểm với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, việc thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội là trách nhiệm chung.
“Để chống dịch thành công, hàng hóa phải lưu thông từ nơi sản xuất đến tiêu thụ. Bằng không, người dân sản xuất hàng hóa không bán được, trong khi người tiêu dùng lại thiếu ở khu vực giãn cách. Do đó, vai trò của các ngành lúc này đều quan trọng, nhằm phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như xuất khẩu”, Bộ trưởng Thể cho biết.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, giải pháp QR Code là để giúp phương tiện được ưu tiên lưu thông nhanh, chứ không mang tính bắt buộc. Các phương tiện không có QR Code sẽ buộc dừng lại, kiểm tra y tế, khai báo y tế mới được lưu thông.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nêu hiện trạng, một số địa phương yêu cầu bắt buộc phải có kết quả PCR, không chấp nhận test nhanh Covid-19 đối với tài xế là vượt quá quy định. Ngoài ra, một số nơi chỉ công nhận thời gian xét nghiệm Covid-19 trong 24 hay 48 giờ, đều không đúng, gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) kiến nghị, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành như công an, công thương, giao thông. Việc gia hạn QR Code cần được làm trực tuyến, và tự động hoàn toàn.
15 việc cần làm ngay
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể chỉ đạo:
1. Không phân biệt hàng hóa thiết yếu. Chỉ cần không phải là hàng cấm sẽ được phép lưu thông
2. Tất cả các đường đều là luồng xanh, kể cả giao thông thủy nội địa.
3. Các địa phương thực hiện nghiêm hai Công văn 1015 và 5187 của Chính phủ, đồng thời rà soát toàn bộ hệ thống văn bản, tránh phát sinh quy định ngược lại.
4. Tích hợp tối đa công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến lưu thông hàng hóa.
5. Xe đã cấp QR Code cần thực hiện tiền kiểm và hậu kiểm theo quy định. Phối hợp Bộ Công an rà soát, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
6. Không để ùn tắc giao thông ở bất cứ cung đường nào trên toàn quốc. Nếu để ùn tắc, Giám đốc Sở Giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm.
7. Cần chấp nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 giữa các địa phương với nhau. Các phương pháp test nhanh và test PCR giá trị như nhau, và cùng có giá trị 72 giờ.
8. Rà soát và xem xét bỏ các quy định làm tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
9. Coi lái xe là đối tượng lao động đặc thù và ưu tiên tiêm vacxin phòng Covid-19.
10. Giới hạn thời gian giải quyết các thủ tục giấy tờ, nếu không thể xử lý trực tuyến, trong vòng 12 giờ.
11. Không kiểm tra đối với xe có QR Code. Trường hợp không có, địa phương cấp giấy đi đường nhưng phải bám sát tinh thần của Chính phủ.
12. Không thiết lập các trạm trung chuyển hàng hóa. Nơi nào đã lập thì xóa bỏ.
13. Các ngành nông nghiệp, giao thông, công thương, y tế cùng chung đầu mối đường dây nóng, và giao cho lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố quản lý.
14. Thực hiện tốt Quyết định 1570 của Bộ Giao thông vận tải. Tuyệt đối không phát sinh điểm ùn tắc, vì nguy cơ lây lan dịch bệnh.
15. Các địa phương giao Sở Thông tin và Truyền thông lắng nghe dư luận để kịp thời có biện pháp giải quyết các ùn tắc hàng hóa, việc đi lại của lái xe, nhằm đảm bảo cung ứng, tiêu thụ hàng hóa.
theo Nông nghiệp Việt Nam
Hiệp hội các ngành hàng kiến nghị cấp giấy đi đường cho hội viên
Related posts:
- Dầu Tiếng sẽ vượt kế hoạch 1.500 tấn mủ
- Cổ phiếu cao su tăng điểm tích cực
- Nắm bắt cơ hội giữa "bão Covid", doanh nghiệp gỗ đồng loạt báo lãi lớn
- Cao su thương hiệu VRG hài lòng khách hàng "khó tính"
- Đảng bộ Cao su Ea H’leo phấn đấu kết nạp từ 30-40 đảng viên
- VRG, Công đoàn CSVN khen thưởng 2 đơn vị Cụm III tỉnh Ratanakiri
- Chủ động xây dựng nhiều phương án để hoàn thành cao nhất nhiệm vụ năm 2022
- Tỉnh ủy Kon Tum, Gia Lai đồng hành cùng các công ty cao su VRG
- Binh đoàn 15 tổ chức Ngày hội "Hiến máu an toàn, không ngại Covid-19"
- VRG ký kết thực hiện chương trình Gương sáng biên cương với Báo Thanh niên