Cao su góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu

CSVNO – Đó là đánh giá của bà Giàng Páo Mỷ – UV BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu tại buổi làm việc trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện quy chế phối hợp giữa Đảng ủy VRG và Tỉnh ủy Lai Châu diễn ra vào sáng ngày 11/6.

Bà Giàng Páo Mỷ – UV BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu phát biểu tại buổi làm việc.

Tỉnh Lai Châu hiện có 3 công ty thành viên của VRG đang hoạt động SXKD gồm: Công ty CP Cao su Lai Châu, Công ty CP Cao su Lai Châu II, Công ty CP Cao su Dầu Tiếng Lai Châu. Tổng diện tích đất 3 đơn vị quản lý là 16.523,28 ha, diện tích đất trồng cao su là 12.471,28 ha. Trong đó vườn cây khác thác là 8.230,57 ha, vườn cây KTCB là 4.240,71 ha.

Năm 2021, kế hoạch sản lượng khai thác của 3 đơn vị là 8.470 tấn mủ quy khô, doanh thu 294,711 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 18,354 tỉ đồng, tiền lương bình quân dự kiến tăng so với năm 2020 từ 5 – 7%.

5 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng khai thác của các đơn vị đạt 1.322 tấn (15,61% KH), trong đó tập trung chủ yếu ở công ty Lai Châu và Lai Châu II, công ty Dầu Tiếng Lai Châu mới mở cạo, diện tích, sản lượng thấp. Tổng sản lượng tiêu thụ 806,05 tấn, giá bán bình quân 37,6 triệu đồng/tấn, lợi nhuận trước thuế 3,915 tỷ đồng (Lai Châu 2,744 tỷ đồng, Lai Châu II 1,171 tỷ đồng).

Phó TGĐ VRG Lê Thanh Hưng báo cáo tình hình SXKD của các đơn vị tại Lai Châu

Tổng số lao động của 3 đơn vị là 2.082 người, trong đó lao động trực tiếp 1.867 người, lao động gián tiếp 215 người. Lao động hiện có tại các đơn vị đáp ứng đủ nhu cầu trên vườn cây, không có vườn cây thiếu lao động.

Hơn 5 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu với Đảng ủy VRG đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc thực hiện SXKD của các đơn vị luôn gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, các đơn vị tích cực phát triển cơ sở hạ tầng địa phương với kinh phí gần 150 tỷ đồng. Các đơn vị đã xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà đội, trạm xá, nhà trẻ… với kinh phí hơn 25 tỷ đồng; xây dựng hế thống điện, nước trên 1,6 tỉ đồng; chung tay chia sẻ với cộng đồng thông qua các chương trình an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ thiên tai, phòng chống dịch Covid… với kinh phí trên 3,2 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, VRG kiến nghị UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo các huyện sớm đo đạc, cấp chứng nhận QSDĐ cho người dân để các công ty có căn cứ ký kết hợp đồng thuê đất và chi trả tiền thuê đất, đảm bảo quyền lợi cho người dân góp đất. Với Công ty Cao su Lai Châu, diện tích đất của người dân chưa được ký hợp đồng là 256,47 ha. Với Công ty Cao su Lai Châu II là 224,91 ha. Công ty Cao su Dầu Tiếng Lai Châu là 316,17 ha đất công và đất người dân góp 142,69 ha. Riêng 142,69 ha đất người dân góp, công ty kiến nghị chỉ ký thuê 43,82 ha, diện tích còn lại 98,87 ha không phát triển được cao su sẽ trả lại cho người dân quản lý sử dụng.

Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ VRG Trần Công Kha cho biết: “Lai Châu là tỉnh trọng điểm trồng cao su của VRG tại miền núi phía Bắc với diện tích chiếm gần 45% tổng diện tích. Thời gian tới VRG sẽ tập trung chỉ đạo, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty cao su tại Lai Châu để tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương”.

TGĐ VRG Huỳnh Văn Bảo cho rằng: “Các công ty cao su đã nhận được nhiều hỗ trợ từ lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành, huyện thị, chính quyền địa phương. Sự hỗ trợ này là hết sức quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của các công ty.

Việc góp đất của người dân, VRG luôn nhắc nhở các đơn vị thành viên phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện, trả tiền góp đất cho dân theo đúng cam kết. Mong các ban ngành liên quan phối hợp hỗ trợ giải quyết, sớm cấp QSDĐ cho người dân để các công ty làm căn cứ ký hợp đồng và trả tiền thuê đất cho người dân”.

Ông Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng đánh giá cao hiệu quả của các dự án cao su tại Lai Châu. “Quá trình đầu tư cao su vào Lai Châu giúp tỉnh phủ xanh đất trống đồi trọc, thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ tự phát sang tập trung theo hướng hiện đại, thay đổi nếp sống, văn hóa sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới”, ông Hải đánh giá.

Ông Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận đánh giá cao những tình cảm, trách nhiệm của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Lai Châu trong quá trình phát triển cao su ở tỉnh đến ngày hôm nay. “Có thể khẳng định cao su không chỉ là phát triển kinh tế mà còn ổn định xã hội địa phương. Trồng cao su ở Tây Bắc còn để tri ân đồng bào Tây Bắc”, ông Trần Ngọc Thuận khẳng định.

Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận đưa ra những kiến nghị với tỉnh Lai Châu

Ông Trần Ngọc Thuận cũng đề nghị: “Tỉnh Lai Châu cần đưa diện tích đất cao su trên địa bàn vào quy hoạch ổn định, hạn chế các dự án lưới điện, đường dân sinh, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng tại địa phương chồng lấn gây thiệt hại đến vườn cây. Tuy nhiên, với các công trình phúc lợi xã hội, an ninh quốc phòng thì các công ty cao su sẵn sàng hỗ trợ đất. Còn về kinh phí đo đạc cấp QSDĐ cho người dân, tỉnh có thể hỗ trợ, nếu không đủ điều kiện, các công ty có thể ứng trước và sau này sẽ trừ dần vào tiền nộp về tỉnh”.

Phát biểu kết luận cuộc họp, bà Giàng Páo Mỷ – UV BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu cho biết: Tỉnh sẽ đưa đất cao su vào quy hoạch ổn định, tránh xáo trộn, phá vỡ quy hoạch để các công ty phát triển ổn định. Về kinh phí đo đạc, cấp QSDĐ, phía tỉnh sẽ kiểm tra, rà soát lại, nếu không đủ kinh phí sẽ yêu cầu Tập đoàn hỗ trợ trả trước để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Riêng diện tích đất của người dân góp, trồng cao su không hiệu quả, huyện, xã cùng các công ty cao su cần phối hợp, rà soát chặt chẽ và đưa ra phương án giải quyết tối ưu nhất nhằm đảm bảo ổn định tình hình, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Hiện tại, tiềm năng đất đai của Lai Châu còn rất lớn, mong rằng VRG sẽ đầu tư, mở rộng hơn nữa diện tích cao su và cả các lĩnh vực khác ngoài cao su để góp phần phát triển hơn nữa kinh tế xã hội tỉnh, đảm bảo việc làm, đời sống, an sinh xã hội.

ĐÀO PHONG