CSVN – Việc giá cao su giống gần đây tăng phi mã khiến nhiều hộ cao su tiểu điền không thể trồng, do không mua được giống. Chúng tôi đã đến tìm hiểu ở một số nơi trên địa bàn Gia Lai và Kon Tum.
Đắt như tôm tươi
Liên lạc mãi, cuối cùng chúng tôi cũng hẹn gặp được một nhà vườn có tên Nguyễn Văn Kiểm ở xã Ya Chim – Tp. Kon Tum. Đây là nhà vườn lớn trong tỉnh, quy mô có thể cung cấp 500 ngàn cây giống mỗi năm gồm cả bầu và stum trần. Tại nhà vườn, vườn ươm lác đác còn lại vài bầu tầng lá, cũng đủ biết cây giống đang khan hiếm thế nào. Chủ vườn Nguyễn Văn Kiểm cho biết: “Vườn của chúng tôi quy mô có thể cung cấp được 500 ngàn cây giống mỗi năm, nếu có hợp đồng trước có thể làm được 700 – 800 cây giống.
Hàng năm, chúng tôi đều cung cấp cho Công ty Cao su Kon Tum một lượng lớn giống của vườn phục vụ công tác tái canh, phần còn lại cung cấp cho các hộ tiểu điền trong tỉnh. Riêng mùa trồng mới năm nay, không hiểu vì sao nhiều người đến hỏi mua giống, vì không chuẩn bị trước nên nguồn cung năm nay của chúng tôi cũng hạn chế, chủ yếu cung cấp cho Công ty Kon Tum và các hộ đã đặt cọc từ trước.”
Tìm hiểu thêm một số nhà vườn ở huyện Đăk Hà của ông Ngô Xuân Lĩnh, hay nhà vườn ông Đinh Văn Tụng và bà Dung ở Tp. Kon Tum thì đều hết giống, nhưng lượng người hỏi mua vẫn tăng cao. Hầu hết các nhà vườn cho rằng, hiện nay giá cây giống bầu 3 tầng lá có giá 45 ngàn đồng/bầu nhưng vẫn không còn để bán.
Khảo sát tại một số thôn của xã Đăk Tờ Re của huyện Kon Rẫy cho thấy năm nay các hộ tiến hành trồng mới khá nhiều nhưng do giá cây giống quá cao, mua không được đành phải chờ năm sau.
Ông A Hlão ở thôn 8 xã Đăk Tờ Re, người còn hơn 1ha chuẩn bị trồng năm nay cho hay: “Mình có mấy ha trồng năm trước rồi, năm nay còn hơn 1ha định trồng luôn nhưng đi mua không được giống, nhiều người trong thôn đi mua cây để trồng dặm với giá hơn 40 nghìn đồng, nhưng cũng được ít lắm”.
Tại Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật Tây Nguyên thuộc Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam hàng ngày vẫn liên tục nhận được các cuộc điện thoại hỏi mua cây giống. Theo ông Vi Văn Toàn – Giám đốc trung tâm, do trung tâm chỉ tập trung làm cây giống theo đơn đặt hàng của các công ty trên địa bàn, chủ yếu là Cao su Mang Yang, Chư Păh, Chư Sê…nên khi các hộ tiểu điền hỏi mua cũng khá bị động, thiếu nguồn cung cho họ. Vụ tái canh trồng mới năm nay, trung tâm chỉ cung cấp khoảng trên 10 ngàn bầu cho các hộ ở huyện Đức Cơ – Gia Lai hay huyện Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum.
Nhiều hộ dân chuyển hướng sang trồng cao su
Theo nhận định của nhiều người, do tình hình giá cao su tăng liên tục trong thời gian qua, trong khi đó một số cây trồng khác không giữ được giá ổn định, hơn nữa tính bền vững của cả chu kỳ không bằng cây cao su nên nhiều hộ tiểu điền chuyển hướng sang trồng cây cao su. Trong khi đó, các nhà vườn hầu như không lường trước được tình huống này, do vậy khi các hộ tiểu điền đua nhau đi mua giống thì nguồn cung trở nên khan hiếm, khiến cho giá cây giống đội lên 2 – 3 lần nhưng vẫn không có để bán.
Một lý do khác, theo nhiều người nguyên nhân làm cho cây giống tăng là do các hộ tổ chức trồng dặm khá nhiều, nên nhu cầu muốn mua được những cây giống có chất lượng tốt nên sẵn sàng trả giá cao, có thể gấp 3 – 4 lần giá ban đầu.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Tinh thần đoàn kết hóa giải khó khăn và thách thức
- VRG tham gia tập huấn đánh giá xếp hạng doanh nghiệp bền vững năm 2023
- Sumitomo Rubber công bố hợp tác phát triển công nghệ tái chế
- Cân bằng là gốc của phát triển lâm nghiệp bền vững
- Cao su Bà Rịa, Hòa Bình cần định hướng phát triển gắn với địa phương
- Khẳng định trang sử vàng truyền thống ngành
- Indonesia hướng đến mối quan hệ chặt chẽ hơn với Thái Lan để hỗ trợ giá cao su
- Nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn sản xuất
- Hội thi Bàn tay vàng: Chất xúc tác để thợ giỏi thăng hoa
- “Sẽ nỗ lực để tranh suất tham dự hội thi cấp ngành”