Khi công nhân cao su làm “cò đất”

CSVN – Những năm gần đây, thị trường bất động sản ở nông thôn sôi động và nhộn nhịp hẳn lên, vì thế nghề môi giới bất động sản cũng đang là một nghề hứa hẹn nguồn thu nhập cao thu hút nhiều nguồn lực lao động tham gia, trong đó có cả những công nhân cao su.

Ở nhiều vùng nông thôn, có không ít công nhân cao su tham gia môi giới bất động sản.
Công nhân tăng thu nhập khi làm môi giới bất động sản

Nghề môi giới bất động sản được dân trong nghề gọi là “cò đất”, có những “cò đất” chuyên nghiệp chỉ làm môi giới và thu lợi từ hoa hồng môi giới, nhưng đối với “cò đất” là công nhân cao su thì họ phải tranh thủ thời gian sau giờ sản xuất, dùng mạng xã hội để đăng tải, rao bán và giới thiệu bất động sản cho nhà đầu tư để được chia hoa hồng theo tỷ lệ giá trị hợp đồng.

Gần đây nhiều nhà đầu tư bất động sản ở TP. HCM, Bình Dương… ồ ạt về đầu tư đất nông thôn, đặc biệt là đất cao su, phân lô, chia nền… làm cho thị trường bất động sản ở nông thôn nhộn nhịp sôi động. Nhờ đó mà những anh chị công nhân làm “cò” một tháng vài hợp đồng là thu nhập đã tăng cao, cũng có người dùng tiền nhàn rỗi đầu tư kiếm lời, đời sống công nhân tham gia môi giới bất động sản thay đổi rõ rệt, nhiều người mua xe hơi, xây nhà lớn là chuyện có thật.

Anh B.H – “cò đất” là công nhân cao su ở Dầu Tiếng, Bình Dương cho biết: “Những năm gần đây do giá đất ở nông thôn tăng nhanh, tôi tranh thủ dùng số tiền nhiều năm làm công nhân tiết kiệm để đầu tư một vài nền đất và cũng thu lợi nhuận đáng kể, lãi cao hơn so với gởi tiền tiết kiệm ngân hàng. Đồng thời cũng tranh thủ giới thiệu môi giới bán đất sau giờ làm trên lô, cũng có hoa hồng chút đỉnh, nhưng công việc này cho thu nhập không ổn định”.

Cũng có hệ lụy

Thực tế cho thấy thu nhập từ làm “cò đất” là khá cao so với mặt bằng lương người lao động. Vì vậy cũng đã có công nhân bỏ việc, chấm dứt hợp đồng, hoặc sao nhãng công việc sản xuất để tham gia môi giới, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, quy trình kỹ thuật và thiếu hụt nguồn nhân lực ngành cao su. Nhưng điều đáng chú ý là nguy cơ bong bóng và ảo giá bất động sản có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống công nhân làm nghề “cò đất”. Nhiều vụ việc xảy ra như vụ ảo giá ở sân bay Téc – Ních (Hớn Quản, Bình Phước), vụ lừa đảo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả (Bến Cát, Bình Dương)… đã có nhiều người, trong đó có công nhân cao su lâm vào nợ nần, phá sản khi tham gia vào các dự án bất động sản này.

Ngoài ra nguy cơ phân lô, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cao su một cách ồ ạt, không theo quy hoạch làm giảm mạnh diện tích vườn cây, ảnh hưởng đến sản lượng cao su của cả nước. Và còn nhiều hệ lụy xã hội khác khi thu nhập tăng cao so với điều kiện thực tế của công nhân sẽ gây ra những biến đổi về giá cả, tệ nạn xã hội và cả tâm lý bỏ bê công việc, gắn bó lâu dài với nghề của công nhân cao su.

Chị P.H – công nhân cao su làm “cò đất” ở Hớn Quản, Bình Phước cho biết: “Thời gian rộ thông tin quy hoạch sân bay, tôi cũng đầu tư tiền vào đất nền khu vực gần đó định chờ đất lên giá sẽ sinh lời. Nhưng sau khi biết đó là dự án ảo thì nền đất tôi đầu tư không bán được, nếu tính theo lãi suất ngân hàng thì cũng bị lỗ kha khá. May mắn là tôi vẫn bám trụ với nghề nên có thu nhập ổn định và đảm bảo đời sống”.

Nên chỉ là nghề tay trái

Nhiều công nhân cao su xác định làm “cò đất” chỉ là nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập và làm có “đồng ra đồng vào” để bám trụ với nghề vào những thời điểm khó khăn. Với phương châm “mưa lúc nào mát mặt lúc ấy”, chị T.H – công nhân Cao su Dầu Tiếng cho biết, chị đã tranh thủ ngoài giờ sản xuất làm “cò đất” được 2 năm. Thu nhập từ môi giới cũng khá cao, đôi khi chị cũng đầu tư bán lại kiếm lời nhưng chỉ trong thời gian ngắn, còn công việc tại vườn cây chị luôn đảm bảo và kiên trì bám trụ với nghề. Với chị, công nhân cao su mới là nghề nghiệp chính, còn môi giới chỉ là thu nhập tay trái mang tính thời vụ…

Khi giá mủ cao su chưa lên đúng vị trí như những năm trước đây ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người lao động trong ngành, thì việc tham gia môi giới bất động sản của công nhân cao su cũng chỉ là giải pháp “chữa cháy” để tăng thu nhập. Đa số công nhân cao su vẫn gắn bó với nghề và đặt niềm tin vào giá cả ổn định để có thể làm giàu chính đáng từ thu nhập của nghề làm cao su. Ai cũng mong tiền lương ngày càng nâng cao đảm bảo đời sống, tạo điều kiện để người lao động bám trụ với nghề.

VĂN THỌ