CSVN – Ngành cao su Việt Nam là một ngành công, nông nghiệp bền vững, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia. Chúng tôi là những thế hệ đi sau, vì thế dù làm gì, ở đâu cũng không được phép lãng quên, bởi chính những dòng nhựa tinh khôi ấy đã nuôi tôi lớn khôn từng ngày.
Ngày ấy bên mâm cơm lúc nào cũng vắng ba, mẹ. Mấy chị em tự lo cho nhau. Ba, mẹ đi làm từ lúc chị em chúng tôi còn chìm trong giấc ngủ say nồng. Chiếc đồng hồ báo thức như người mẹ thứ hai vậy, mỗi sáng tỉnh dậy tôi thấy mẹ đã chuẩn bị đồ ăn sáng cho mấy chị em bỏ sẵn trên bàn, đậy chiếc cặp lồng cẩn thận.
Tôi là chị cả trong nhà nên thay mẹ lo cho các em ăn sáng để đi học. Tôi học lớp 7, hai em đứa lớp 5, đứa học lớp 3.
Trưa về tôi chỉ việc nấu cơm, thức ăn thì mẹ đã làm sẵn. Ngày đó không học hai buổi như bây giờ, ba chị em ăn xong là vui đùa nghịch ngợm, bởi tính hiếu động ham chạy nhảy, phá phách đủ trò cùng với mấy đứa bạn lối xóm.
Nhà vẫn vắng tiếng ba, mẹ. Tôi biết ba, mẹ đi làm cực khổ, miệt mài trên vườn cây cao su nhưng không lúc nào không nghĩ đến chị em tôi, luôn lo lắng không biết chúng tôi có ngủ quên không, đi học đúng giờ không, và có ăn sáng không …
Ba, mẹ cần mẫn làm việc, phải nỗ lực hoàn thành kế hoạch của NT giao. Mưa gió dãi dầu, biết bao vất vả, vậy mà ba, mẹ vẫn gắn bó với vườn cây, thâm niên 28 năm làm công nhân khai thác mủ nhưng không nghỉ một ngày nào, trừ vào mùa lá rụng. Lúc nào cũng đặt công việc lên hàng đầu. Mỗi chiều về tôi thấy ba mài dao sắc bén lấy vải quấn kĩ đầu mũi dao cẩn thận, đèn pin không quên sạc điện, bên đôi thùng là mấy cái nhang muỗi gói trong bọc nylon…
Ngày này qua ngày khác, không lúc nào tôi thấy ba, mẹ nghỉ ngơi. Cứ chuẩn bị công việc cho ngày mai xong, ba lại lo cho mấy con heo, con gà ăn rồi lại ra vườn loay hoay cỏ rả. Mẹ thì miệt mài trong bếp, chuẩn bị cơm nước, tắm giặt cho mấy chị em tôi.
Tối đến ba lại ngồi vào bàn dạy cho chị em tôi học, còn mẹ tranh thủ ủi mấy bộ đồ ngày mai chị em tôi tới trường. Vậy mà tôi vẫn vô tâm, nhiều lúc mải ham chơi, cứ để ba, mẹ nhắc nhở hoài. Có lần mẹ nổi nóng, cầm roi đánh đòn, có hôm thấy mẹ đánh tôi, mà mẹ rưng rưng nước mắt, có lẽ mẹ đau, mẹ xót khi con bị đòn roi. Mỗi khi hai đứa em nghịch phá hư hỏng cái gì đó là mẹ đổ lên đầu tôi, vì tôi là chị cả nên mọi tội lỗi tôi đều phải gánh hết.
Cứ thế thời gian nối tiếp thời gian, cũng giống như cây cao su lớn lên, cho mủ rồi đến ngày thanh lý… Ba, mẹ tôi như một đời cây, hơn 28 năm làm công nhân cạo mủ luôn là người công nhân gương mẫu, năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt mức kế hoạch của NT giao. Luôn đứng đầu về kỹ thuật và xông xáo trong mọi phong trào của đơn vị.
Hôm nay chị em tôi đã trưởng thành, học hành thành đạt, có công ăn việc làm ổn định. Khi lớn lên chúng tôi mới biết thương ba, mẹ cả một đời vất vả vì con. Thì cũng đã đến lúc ba, mẹ đến tuổi nghỉ hưu. Tôi biết ba, mẹ rất yêu nghề, thủy chung tiếp nối truyền thống mà ông bà nội, ngoại đã từng gắn bó, từng chịu cảnh roi vọt của một thời sống kiếp ngựa trâu dưới chế độ phong kiến áp bức bóc lột của chủ đồn điền. Họ đã vùng lên để đòi quyền sống, quyền tự do, dân chủ… Ông bà chúng tôi luôn giữ vững truyền thống quí báu đó và truyền lại cho con cháu tiếp nối đời sau.
Hôm nay dù ở hoàn cảnh nào, làm việc gì, dù ở nơi đâu tôi vẫn luôn trân quí ngành nghề đã chọn. Dù giá mủ xuống thấp, đồng lương người lao động ngành cao su có thể chưa cao, nhưng với tôi đó là ngành mà ba tôi, mẹ tôi, ông, bà tôi đã gắn bó, cống hiến và gìn giữ như một báu vật của đời mình. Bởi đó là dòng chảy cuộc sống bền vững – Cảm ơn dòng nhựa trắng đã nuôi tôi khôn lớn thành người.