Tập trung phát huy lợi thế của ngành cao su

CSVN –  Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN & PTNT, VRG tổ chức Hội nghị phát triển cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030, ngày 6/11, Chủ trì hội nghị có đ/c Cao Đức Phát – Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế TW; đ/c Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN & PTNT; đ/c Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: vũ Phong
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: vũ Phong
Ngành kinh tế quan trọng

Ngành cao su không chỉ cung cấp mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn, mà còn đảm bảo kết cấu hạ tầng, an ninh trật tự, an sinh xã hội, nhất là khu vực đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc.

Tại hội nghị, đ/c Cao Đức Phát – Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế TW, cho biết: Có mặt ở Việt Nam 128 năm, cây cao su đã khẳng định được vị trí của mình với sự phát triển của nền kinh tế. Đến hết năm 2018, VN đã có 965.000 ha, năng suất đạt khoảng 16,6 tạ/ha và sản lượng hàng năm đạt trên 1.141 ngàn tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) toàn ngành xấp xỉ 6,6 tỷ USD (trong đó, các sản phẩm cao su khoảng 2,32 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35,3% kim ngạch XK; các sản phẩm cao su thiên nhiên đạt khoảng 2,09 tỷ USD, chiếm 31,8%; nguyên liệu gỗ cao su và sản phẩm gỗ cao su khoảng 2,16 tỷ USD, chiếm 32,8%).

Việt Nam cũng là quốc gia XK cao su thiên nhiên đến hơn 80 thị trường trong năm 2018 (Trung Quốc chiếm 66,7%, Ấn Độ 6,6%, Malaysia 3,8%, Đức 2,4%, Mỹ 2,4%…). Năm 2019, VN có khoảng 1 triệu ha cao su với gần 70% diện tích cho thu hoạch, 30% còn lại trong thời kỳ chuẩn bị cho mủ, năng suất bình quân 16,6 tạ/ha, đạt sản lượng trên 1.141 ngàn tấn/năm. Cả nước hiện có 257 doanh nghiệp (DN) tham gia chế biến các sản phẩm từ mủ cao su với công suất thiết kế 1,245 triệu tấn/năm.

Riêng VRG là tập đoàn nông nghiệp có quy mô lớn nhất cả nước với 40.000 tỷ đồng vốn điều lệ (vốn Nhà nước chiếm 96,77%). VRG có 107 công ty con, hoạt động trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố trong nước và 2 nước bạn Lào, Campuchia với 55 nhà máy chế biến công suất 494.050 tấn/năm. VRG còn đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su như bóng thể thao, găng tay y tế, gối nệm cao su thiên nhiên, băng tải cao su, các sản phẩm gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF… Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, chỉ tính riêng giai đoạn 2011 – 2018, Tập đoàn đã dành hơn 800 tỷ đồng cho đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, khí thải…

Cùng với đó, Tập đoàn cũng rất chăm lo cho NLĐ, đời sống NLĐ được đảm bảo, công tác an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trách nhiệm với cộng đồng cũng được thực hiện tốt. Với dự án thuộc địa bàn khó khăn như Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và miền núi phía Bắc, Tập đoàn đã dành một phần nguồn vốn để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế và phúc lợi khác… với giá trị hơn 2.800 tỷ đồng, cho 260.000 m2 cho các công trình nhà ở, bệnh viện, trường học; hơn 31.000 km đường các loại, hệ thống điện nước đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt của NLĐ …. góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Ngành cao su hiện đang là một trong những ngành sản xuất nông lâm nghiệp quan trọng của Việt Nam, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Cây cao su đã mở rộng địa bàn từ Nam ra Bắc và ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong ngành nông lâm nghiệp VN, là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Phát triển cây cao su còn giúp đảm bảo an sinh xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và vùng Tây Bắc.

Nhiều khó khăn thử thách cần cơ chế, giải pháp tháo gỡ

Tại hội nghị, các đại biểu nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành cao su ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Trong giai đoạn 2010 – 2015, diện tích cao su tăng nhanh, một số vùng trồng ngoài quy hoạch, không phù hợp, có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khó khăn, như gió, bão ở khu vực Duyên hải miền Trung, rét đậm kéo dài, sương muối tại các vùng miền núi phía Bắc đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại cho người sản xuất; giá cao su trên thị trường thế giới từ năm 2015 đến năm 2019 giảm xuống thấp, đang là thách thức đối với ngành cao su. Sản phẩm cao su chế biến của VN chủ yếu là nguyên liệu thô, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc (66,7% kim ngạch XK). Công nghệ chế biến còn hạn chế so với các nước trong khu vực, chưa đáp ứng được nguyên liệu cho ngành công nghiệp cao su trong nước.

Tuy giá trị XK sản phẩm cao su tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây (bình quân 18%/năm), nhưng VN lại là nước phải nhập khẩu (NK) sản phẩm cao su có giá trị tới 2,05 tỷ USD (năm 2018, tăng 8,7% so với năm 2017), trong đó có nhiều mặt hàng thuộc danh mục VN đang XK như: linh kiện cao su, cao su kỹ thuật, lốp xe, găng tay, đế giày.

Ngoài ra, ngành cao su còn phải chịu áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà bởi rào cản phi thuế quan  từ các hiệp định thương mại tự do mà VN đã ký kết.

Khi cao su thiên nhiên NK được hưởng thuế suất 0%, chắc chắn DN sản xuất sẽ lựa chọn nguồn cung từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia bởi chất lượng và chủng loại đa dạng, đảm bảo hơn. DN trong nước vẫn phải thực thi chính sách thuế chưa hợp lý (kê khai, nộp thuế VAT đối với cao su sơ chế giống như các mặt hàng nông sản sơ chế khác, đóng thuế thu nhập từ gỗ cao su trên vườn cây thanh lý…); chưa tiếp cận kịp thời thông tin thị trường…

Các đại biểu cho rằng cần phải có những cơ chế, giải pháp tháo gỡ khó khăn để giúp ngành cao su phát triển hiệu quả, bền vững. Kết luận hội nghị, nhằm giải quyết các vấn đề căn cơ, tạo đà phát triển cho ngành cao su VN, đ/c Cao Đức Phát – Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế TW đã chỉ đạo tập trung giải quyết năm vấn đề trọng tâm. Trong đó, cần có sự chung tay vào cuộc của các Bộ, ngành, lãnh đạo địa phương. Ban Kinh tế TW sẽ trực tiếp báo cáo để có sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ nhằm hỗ trợ chính sách cho ngành cao su VN phát triển hiệu quả, bền vững.

TRẦN HUỲNH