Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam

CSVN – Một số cây cao su con cũng đã  gởi cho Vườn thực nghiệm ở Huế; cây mọc kém một phần vì đất xấu, một phần vì bị rét. Tình hình này đã đưa ông G. Vernet và ông G. Capus đến chỗ khẳng định hơi vội vàng rằng không nên đưa cây H. Brasiliensis lên quá 15 vĩ độ Bắc.

Kỳ 5

Ươm hạt giống cao su. Ảnh: Trần Tình.
Ươm hạt giống cao su. Ảnh: Trần Tình.

Về 300 cây giao cho ông Canavaggio trồng ở Thủ Đức, ông G.Capus trong báo cáo gửi lên toàn quyền Đông Dương cho biết các cây này trồng dưới tán rừng thưa và còn đang được theo dõi để biết sự phát triển của chúng trong một môi trường như vậy. Sơ bộ nhận thấy rằng cây cao su “sợ” đất thấp, ngập úng.

Trước đòi hỏi của các nhà trồng tỉa người Pháp, phòng nông nghiệp Nam Kỳ đầu năm 1899 đã nhờ sự can thiệp của Lãnh sự quán Pháp ở Colombo và thông qua công ty W & B đã đặt mua 10.000 hạt cao su. Cũng theo báo cáo nói trên của ông Capus thì số hạt trên đạt tỷ lệ nảy mầm “không thể chấp nhận được” (inadmissible).

Về sau công ty W & B đã phải   bù 5.000 hạt vào tháng 12 năm 1899; các cây con được phòng nông nghiệp phân phối cho các nhà trồng tỉa người Pháp để trồng rải rác ở nhiều địa phương, khắp miền Đông Nam Bộ như Josselme Canavaggio ở Gia Định, Arcillon ở Bà Rịa, O’ Connell ở Tây Nguyên.

Nhưng đến năm 1910, theo nhận định của ông Giám đốc sở nông nghiệp Nam Kỳ thì việc thực nghiệm trồng cao su của tư nhân với sự giúp đỡ của nhà nước, không đạt kết quả tốt. Chỉ còn lại một số cây lẻ tẻ, phát triển không ra sao và không cho phép rút ra được một kết luận nào.

Có nhiều sự việc dẫn người ta đến chỗ nhận định rằng vào thời điểm  đầu tiên thử nghiệm đi nhập cây H. Brasiliensis vào Việt Nam, chính quyền thuộc địa và các cơ quan chuyên môn không mấy quan tâm.

Vào lúc này, bọn thực dân Pháp đang mải mê khai thác các tài nguyên sẵn có của các thuộc địa; chúng ra sức bòn rút càng nhiều, càng nhanh càng tốt, vì vậy vấn đề trồng những cây có giá trị cao và mất nhiều năm chưa phải đã nằm trên đường ngắm của chúng.

Vào năm 1899, Achard lúc ấy là giám đốc nông nghiệp Nam Kỳ đang say sưa khai thác dây cao su rừng. Trong khoảng thời gian từ 1900 đến 1906, tờ thông tin của phòng nông nghiệp Nam Kỳ không đăng một tin nào có liên quan đến việc thực nghiệm cao su đang diễn ra xung quanh Sài Gòn, ngay cửa ngõ của thành phố này và ở Nam Trung Bộ mà cả nước đều biết. Điều này khác hẳn với Malaysia và Sumatra.

Và chính những tư nhân với những đồn điền nhỏ bé của mình đã đem   lại kết quả lớn nhất trong việc thực nghiệm đồng hóa cây cao su ở Việt Nam; và cũng chính những kết quả bước đầu, nhưng có tính khẳng định ấy, đã góp phần củng cố chỗ đứng cho cây H.B, sự tồn tại và phát triển của nó. Từ những kết quả ấy đã xuất hiện một ngành công nghiệp lớn: ngành công nghiệp cao su trên đất nước Việt Nam.

Tại đồn điền Viện Pasteur ở Suối Dầu

Năm 1896, Dr. Yersin giám đốc Viện Pasteur Nha Trang thành lập đồn điền Suối Dầu, cách Nha Trang 20 cây số về phía Tây nằm sát quốc lộ 1. Mục đích đầu tiên là chăn nuôi bò, ngựa để làm vacxin và huyết thanh phòng trị bệnh dịch hạch cho người và thuốc phòng chống dịch tả trên gia súc lớn. Dr. Yersin lúc ấy cũng mong muốn tìm một loại cây trồng có thể vừa nuôi sống Suối Dầu vừa cung cấp một phần kinh phí cho hoạt động của Viện Pasteur Nha Trang do ông sáng lập.

Yersin xây dựng đồn điển Suối Dầu với tiền lương của mình và các món tiền thưởng đi kèm theo các bằng cấp và huân chương mà người ta tặng cho ông. Ngoài ra còn có sự đóng góp nhỏ nhoi của E.Roux và A.Calmette, ở Viện Pasteur Paris, trong một sự hợp tác tay ba giữa các nhà khoa học, những người học trò xuất sắc của Louis Pasteur. Và Yersin đã làm công tác thực nghiệm cây cao su H.B với nhiệt tình và trách nhiệm, với những phương pháp khoa học, xứng đáng cho các thế hệ sau noi theo.

Các cây cao su do vườn thực vật Sài Gòn gửi cho Yersin, có thể được trồng vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11 năm 1897 trên khu A, bên tả ngạn con suối mang tên Suối Dầu. Thời gian này ở Khánh Hòa trời còn mưa.

(Xem tiếp kỳ sau)

T.S (trích từ sách “100 năm cao su ở Việt Nam” của ông Đặng Văn Vinh)