“Quả ngọt” bóng đá trẻ

CSVN – Những thành công của bóng đá trẻ Việt Nam trong thời gian vừa qua đã khiến nhiều người khấp khởi hy vọng và tin tưởng môn thể thao vua của nước nhà đang đứng trước một tương lai khá sáng sủa.BONGDA

2-3 năm qua thực sự là khoảng thời gian khá thành công của bóng đá trẻ nước ta. Tại giải vô địch bóng đá U19 Châu Á diễn ra ở Bahrain hồi tháng 10/2016, các cầu thủ trẻ của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các đối thủ lớn ở vòng bảng, đánh bại chủ nhà Bahrain ở tứ kết để lần đầu tiên đi tới bán kết giải châu lục. Mặc dù cuối cùng phải dừng bước trước đội tuyển Nhật Bản ở vòng 4 đội mạnh nhất, nhưng các cầu thủ U19 Việt Nam đã mở cánh cửa lịch sử lần đầu được dự sân chơi thế giới của U20 tại Hàn Quốc diễn ra vào tháng 5 vừa qua.

Ngoài lứa cầu thủ đoạt vé dự U20 World Cup 2017, lúc này bóng đá Việt cũng đang có một đội U19 tương đối tài năng khi mới đây đăng quang ở giải U19 quốc tế được tổ chức trên sân nhà.

Trong khi đó, tại giải bóng đá U15 Đông Nam Á 2017, các cầu thủ Việt Nam đã toàn thắng cả 7 trận. Trong đó ấn tượng nhất là chiến thắng trước Australia ở trận bán kết (2-0) và vượt qua đội chủ nhà Thái Lan ở loạt sút luân lưu trong trận chung kết để đăng quang ngôi vô địch.

Tiếp nối chiến tích của đàn em, tối 23/7, dù thua Hàn Quốc 1-2 trong trận tranh ngôi đầu bảng, nhưng đội U22 Việt Nam vẫn giành được một tấm vé vào vòng chung kết U23 Châu Á tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 1/2018 do nằm trong số 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. Đây cũng là dàn cầu thủ chuẩn bị thi đấu tại SEA Games 29 tổ chức vào cuối năm nay.

Những thành công của các đội tuyển, đặc biệt là ở tuyến trẻ đang thực sự khiến bóng đá Việt Nam đứng trước một tương lai khá sáng. Sau nhiều thất bại với chính sách phát triển bóng đá theo kiểu “xây nhà từ nóc”, dường như những người làm bóng đá ở Việt Nam đã rút ra nhiều bài học đáng giá để “xây nhà từ móng” bằng việc đầu tư phát triển bóng đá trẻ một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn. Đó mới là thứ mà người hâm mộ mong muốn và là điều cần cho một nền bóng đá phát triển bền vững.

Từ sau thành công của lứa cầu thủ trẻ Học viện Hoàng Anh Gia Lai của “bầu Đức”, mô hình đào tạo trẻ đang được nhân rộng với những cái tên khác như: Trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ PVF của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Viettel, Hà Nội FC, CLB TP.HCM… với điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư khá lớn.

Tuy nhiên, để biến nền tảng bóng đá trẻ thành bệ phóng cho bóng đá Việt Nam “cất cánh” hơn nữa, nhất thiết cần nhiều sự quan tâm đầu tư bài bản, đòi hỏi những chính sách, cung cách và cơ chế quản lý khoa học, chuyên nghiệp cùng những con người nhiệt huyết, giỏi chuyên môn và cùng có chung hướng nhìn đúng đắn về chiến lược phát triển bóng đá.

Trung Phong